Xử lý rốt ráo các điểm nóng môi trường

7 năm trước

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, sau khi đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” được phê duyệt, thành phố đã thực hiện các biện pháp xử lý môi trường, nhất là các điểm nóng về môi trường, qua đó ô nhiễm môi trường từng bước được kiểm soát cơ bản.

Thành phố đang đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, trong đó sắp đưa Nhà máy xử lý nước thải Sơn Trà vào hoạt động.

Thành phố đang đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, trong đó sắp đưa Nhà máy xử lý nước thải Sơn Trà vào hoạt động.

Tuy nhiên, nhiều thách thức và áp lực lớn vẫn được đặt ra do nhiều vấn đề môi trường phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và đô thị hóa của thành phố. Hiện tại, trên địa bàn Đà Nẵng còn các điểm nóng môi trường cần được giải quyết một cách căn cơ như: bãi rác Khánh Sơn; các khu công nghiệp Liên Chiểu, Hòa Khánh, Hòa Cầm; Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm; sông Phú Lộc và ô nhiễm do khí thải của các doanh nghiệp sản xuất thép tại cụm công nghiệp Thanh Vinh.

Để đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” đến năm 2020 về đích, UBND thành phố đã xây dựng chuyên đề về “Tăng cường xử lý các điểm nóng về môi trường” làm cơ sở triển khai thực hiện. Mục tiêu là tất cả các điểm nóng về môi trường đều được xử lý, giải quyết trước năm 2020.

Bà Huỳnh Thị Liễu Hoa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong giai đoạn 2016-2017, UBND thành phố yêu cầu phải giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường đối với các điểm nóng như: Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và Âu thuyền Thọ Quang; các Khu công nghiệp Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Hòa Cầm; Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng. Hiện tại, các địa điểm này được các ngành, các địa phương tập trung triển khai, như nâng cấp các nhà máy xử lý nước thải Liên Chiểu, Hòa Khánh, thi công đường ống thu gom nước thải tại đường số 4, Khu công nghiệp Hòa Khánh.

Đối với Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND quận Sơn Trà, Cảnh sát Môi trường… đang triển khai các biện pháp xử lý. Trong đó, Cảnh sát Môi trường phối hợp với Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang tổ chức cho các chủ thu mua, vận chuyển ký cam kết bảo vệ môi trường, đồng thời tăng cường xử lý các hành vi vi phạm nhằm răn đe. Tổ liên ngành triển khai các giải pháp giám sát công tác bảo vệ môi trường tại Âu thuyền. Thành phố cũng đang đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Âu thuyền, trong đó sắp đưa Nhà máy xử lý nước thải Sơn Trà vào hoạt động để thu gom, xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và Cảng cá Thọ Quang.  

Trong giai đoạn 2017-2019, thành phố giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường đối với các điểm nóng như sông Phú Lộc, bãi rác Khánh Sơn (hiện hữu), ô nhiễm khí thải do hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất sắt thép tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh.  

Đối với bãi rác Khánh Sơn, hiện nay, tổ giám sát do Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập vẫn thường xuyên giám sát quá trình hoạt động của bãi rác. Lãnh đạo Công ty CP Môi trường đô thị cho biết, thành phố đã có chủ trương cho đầu tư hệ thống xử lý nước rỉ rác mới thay thế trạm xử lý nước rỉ rác do Công ty Quốc Việt vận hành với công suất 500m3 ngày/đêm, kinh phí 80 tỷ đồng và hoàn thành vào quý 3-2018.

Công ty CP Môi trường đô thị cũng đã đưa vào vận hành hệ thống xử lý phân bùn bể tự hoại với công suất xử lý 80m3 ngày/đêm. Tuy nhiên, theo tính toán quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, do Viện Quy hoạch xây dựng đang xây dựng, thì lượng bùn bể tự hoại phát sinh vào các năm 2020-2030 với khối lượng dự kiến khoảng 92m3 ngày/đêm và 376m3 ngày/đêm.

Do đó, để bảo đảm công tác xử lý phần bùn bể tự hoại lâu dài, ngành chức năng đang đề xuất thành phố triển khai xây dựng hệ thống xử lý phần bùn hầm cầu, trạm xử lý nước thải hoàn chỉnh để có thể xả thải trực tiếp ra môi trường có công suất khoảng 300m3 ngày/đêm, kinh phí đầu tư 50 tỷ đồng.

Đặc biệt, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 5230/QĐ-UBND về việc phê duyệt tổng thể mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng TL 1:500 Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) với tổng diện tích quy hoạch 1.001.339m2, được đầu tư quy mô hiện đại, dây chuyền xử lý bảo đảm môi trường, bao gồm các phân khu chức năng.

Trong năm 2016, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai xây dựng giai đoạn 1 Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn, bao gồm 1 hộc chôn lấp rác thải sinh hoạt, kết hợp các công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống thu gom nước rỉ rác, hệ thống thu gom và xử lý, hệ thống thoát nước mặt, bãi hoặc kho chứa chất phủ bề mặt… Đến năm 2019, Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn này sẽ được đưa vào hoạt động chính thức để giảm tải cho bãi rác Khánh Sơn…

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ