Xây nhà trái phép ở rừng Hải Vân

7 năm trước

Hành vi vi phạm xây dựng nhà trái phép ở rừng đặc dụng Nam Hải Vân những năm trước đây đã bị các cơ quan chức năng thành phố, chính quyền quận Liên Chiểu xử lý cương quyết, buộc tháo dỡ. Riêng trường hợp ông Lê Tiến Dũng (trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) chiếm dụng hàng nghìn mét vuông đất ở khu vực suối Lương, xây dựng tường rào, cổng ngõ, nhà rường suốt mấy năm qua nhưng không hiểu vì lý do gì các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không xử lý kiên quyết.

Một góc ngôi nhà ông Dũng ở chân núi Hải Vân. Ảnh: ANH THY
Một góc ngôi nhà ông Dũng ở chân núi Hải Vân. Ảnh: ANH THY

Xây nhà hoành tráng giữa rừng

Trong những ngày giữa tháng 12, theo chỉ dẫn của người dân, từ đường dẫn lên suối Lương (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), chúng tôi men theo bờ suối tìm đến khu vườn của ông Lê Tiến Dũng nằm ngay chân núi Hải Vân.

Lội qua con suối nhỏ sâu đến đầu gối, trước mắt chúng tôi là ngôi nhà 2 tầng khá lớn, được xây dựng kiểu nhà rường còn khá mới. Bên trong ngôi nhà đặt một bộ phản gỗ lớn, cạnh đó là 2 bộ bàn ghế gỗ được chạm khắc tinh xảo. Ở góc ngôi nhà, vỏ chai bia vứt thành đống, cùng với hai loa phục vụ ca nhạc.

Nhà không có bóng dáng người ở. Cách đó khoảng 100m, cũng có một ngôi nhà cấp 4 được xây dựng kiên cố, cửa đóng im ỉm. Theo quan sát, trong khu đất rộng bạt ngàn này, ngoài con đường bê-tông chạy ngoằn ngoèo dành cho ô-tô, các loại cây cổ thụ được chủ nhân khu vườn trồng khá nhiều để tạo cảnh quan và lấy bóng mát...

Vòng ra phía đường dẫn lên suối Lương, phía trước khu vườn này có một cổng sắt khá lớn sơn màu xám, cửa đóng im ỉm, nằm lọt thỏm giữa hai dãy tường rào được lắp ghép bằng những tảng đá kiên cố. Từ ngoài cổng nhìn vào, trong khu đất có thiết kế đường đi bằng bê-tông dẫn vào căn nhà rường nằm sâu trong núi Hải Vân. Nhiều trụ xi-măng xây dựng dang dở để lộ phần sắt chờ.

Một người dân (xin giấu tên) ở khu vực cho biết, ông Lê Tiến Dũng ít khi đến đây, chỉ vào những ngày cuối tuần ông mới lái xe đến nghỉ ngơi. Theo người dân này, ông Dũng xây dựng khu nhà 2 tầng cách đây khoảng vài năm. Trước đây, mọi người thấy lực lượng chức năng đến kiểm tra, đình chỉ, yêu cầu tháo dỡ tường rào nhưng sau đó mọi việc đâu lại vào đấy.

Cánh cổng phía trước khu vườn đóng cửa im ỉm.
Cánh cổng phía trước khu vườn đóng cửa im ỉm.

Ai quản lý khu đất công này?  

Qua tìm hiểu, khu đất của ông Lê Tiến Dũng xây dựng tường rào bao bọc hiện nay, trước đây trong quá trình thi công xây dựng hầm đường bộ Hải Vân, Công ty Sông Đà 10.2 mượn tạm bãi đất trống rộng khoảng 1.500m2 của Nhà nước làm bãi tập kết đá.

Theo ông Bùi Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, sau khi thi công xong hầm đường bộ Hải Vân, đơn vị thi công đã bàn giao lại khu đất này cho Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân (nay là Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu), chứ UBND phường Hòa Hiệp Bắc không quản lý.  

Ông Hải cũng cho biết thêm, vừa qua, Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu bàn giao rừng và đất lâm nghiệp cho địa phương quản lý, UBND phường Hòa Hiệp Bắc không đồng ý nhận 49 trường hợp, với hơn 127ha đất. Trong số ấy có khu đất của ông Lê Tiến Dũng hiện nay. Nguyên nhân do có nhiều trường hợp xây dựng trái phép, lấn chiếm, chuyển nhượng đất trái quy định pháp luật…

Sau sự việc xây dựng công trình trái phép bị phát hiện, ông Lê Tiến Dũng cung cấp cho Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu một bộ hồ sơ nương rẫy, vườn rừng do ông Trần Huy Độ, nguyên Trưởng ban quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân ký xác nhận năm 2004, nhằm chứng minh nguồn gốc khu đất ông đang sở hữu.

Theo giấy chuyển nhượng nương rẫy cũ, ông Nguyễn Mỹ (trú Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) trình bày với nội dung: Năm 1972, ông Nguyễn Mảng, cha ông Mỹ khai hoang một diện tích nương rẫy ở khu vực Khe Cái để trồng bắp, sắn, chuối...

Sau khi ông Mảng chết, năm 2004, ông Mỹ chuyển nhượng toàn bộ diện tích nương rẫy cho ông Lê Văn Bổng và Lê Tiến Dũng để đầu tư, xây dựng vườn rừng. Thế nhưng, trong giấy chuyển nhượng không có ghi diện tích cụ thể, giá tiền chuyển nhượng, cũng như xác nhận của chính quyền địa phương (?).

Về hồ sơ nương rẫy, vườn rừng của ông Lê Tiến Dũng, sáng 13-12, một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu khẳng định đây không phải là hợp đồng giao khoán theo đúng quy định pháp luật nên không có giá trị pháp lý.

Ngoài ra, vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm, trước đây ông Lê Tiến Dũng không được giao khoán đất lâm nghiệp nên không có hồ sơ lưu tại Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu. Vậy bộ hồ sơ ông Dũng đang nắm giữ hiện nay là thật hay giả, việc chuyển nhượng đất này thực hư ra sao, có đúng quy định pháp luật hay không, là những câu hỏi cần được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ?

Đối với hành vi xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, ông Đặng Công Chúng, Chánh Văn phòng HĐND - UBND quận Liên Chiểu cho rằng, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Không lý gì mà công trình xây dựng trái phép của ông Lê Tiến Dũng không bị xử lý.

Trước mắt, UBND quận Liên Chiểu sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng, chính quyền địa phương giám sát, theo dõi, để kịp thời ngăn chặn hành vi mở rộng xây dựng; mặt khác sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thành phố xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng qua điện thoại chiều 13-12, ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng cho hay, trách nhiệm xử lý sai phạm về hành vi xây dựng trái phép thuộc về Sở Xây dựng và UBND quận Liên Chiểu, lực lượng kiểm lâm không cưỡng chế được.  

Bài và ảnh: ANH THY