Sẵn sàng đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu

8 năm trước

“Nếu được UBND thành phố cho phép, công ty sẽ đáp ứng đủ nguồn tài chính cũng như nguồn nhân lực để thực hiện đầu tư xây dựng dự án cảng Liên Chiểu trong thời gian đến”. Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Công ty CP cảng Đà Nẵng tại buổi làm việc với Thường trực HĐND thành phố vào chiều 2-11.

Trong giai đoạn 2016-2018, Công ty CP Cảng Đà Nẵng dự kiến đầu tư gần 1.800 tỷ đồng xây dựng phát triển cảng.
Trong giai đoạn 2016-2018, Công ty CP Cảng Đà Nẵng dự kiến đầu tư gần 1.800 tỷ đồng xây dựng phát triển cảng.

Áp lực cạnh tranh từ cảng

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Sia cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2016, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Đà Nẵng đạt hơn 5 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015. Dự kiến năm 2016, cảng phấn đấu đạt 7 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng; trong đó container đạt 300.000 TEU. Cũng trong 9 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu của cảng đạt 443 tỷ đồng, tăng 26% so cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trên 126 tỷ đồng, tăng trên 45%.

Cũng theo ông Sia, mặc dù sản lượng hàng hóa, doanh thu và lợi nhuận của cảng Đà Nẵng vẫn duy trì ở mức tăng trưởng khá theo từng năm nhưng sự cạnh tranh trong lĩnh vực thu hút hàng hóa về cảng biển ngày càng khốc liệt, khi nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực đang đẩy mạnh mở rộng đầu tư xây dựng cảng.

Cụ thể, hiện nay, cảng Trường Hải (Quảng Nam) đang tiến hành xây dựng cầu cảng giai đoạn 2, dự kiến tháng 3-2017 sẽ đưa vào hoạt động thêm 171m cầu cảng, nâng công suất thiết kế lên 3 triệu tấn/năm, trong đó có hàng container 150.000 TEU/năm. Khi dự án này đi vào hoạt động, các vùng chịu ảnh hưởng mạnh của cảng Trường Hải là các doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Vsip (Quảng Ngãi), Tam Thăng - Tam Kỳ (Quảng Nam) - hai  khu công nghiệp dự báo có sự tăng trưởng mạnh trong các năm đến.

Vì vậy, trong giai đoạn 2016-2018, Công ty CP Cảng Đà Nẵng dự kiến sẽ đầu tư gần 1.800 tỷ đồng để xây dựng phát triển cảng; trong đó vốn tự có của doanh nghiệp gần 900 tỷ đồng. Đối với dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2, ông Sia cho biết, dự án đang được triển khai đúng tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng giữa năm 2018, đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng và thành phố nói chung.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Đà Nẵng đạt hơn 5 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ 2015.
Trong 9 tháng đầu năm 2016, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Đà Nẵng đạt hơn 5 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ 2015.

Nên kêu gọi nhà đầu tư tư nhân

Nói về việc đầu tư xây dựng dự án cảng Liên Chiểu theo chủ trương của UBND thành phố và Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Hữu Sia khẳng định: Nếu được thành phố và các bộ ngành cho phép, công ty sẽ đáp ứng đủ nguồn tài chính cũng như nguồn nhân lực để thực hiện đầu tư dự án cảng Liên Chiểu.

Tuy nhiên, về phía quan điểm của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Hòa Thọ (thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố) cho rằng, việc để một doanh nghiệp đầu tư, khai thác cả hai cảng trong một khu vực là không nên. Vì vậy, dự án xây dựng cảng Liên Chiểu, thành phố nên kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân, bởi chỉ khi kinh tế tư nhân “nhảy” vào, chắc chắn sự cạnh tranh của các cảng sẽ mạnh mẽ hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng.

Cũng theo ông Trị, mặc dù thủ tục hành chính ở cảng Đà Nẵng đã có những cải tiến rất tốt; thủ tục hải quan, cảng vụ cũng rất thông thoáng cho doanh nghiệp trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng nhưng hiện phí vận chuyển, phí nâng hàng ở cảng này vẫn ở mức cao so với một số cảng khác trên toàn quốc.

Lý giải về vấn đề này, ông Sia khẳng định: Hiện phí vận chuyển, phí nâng hàng ở cảng Đà Nẵng so với các cảng khác không cao, thậm chí thấp hơn ở từng tuyến vận chuyển. Tuy nhiên, đối với một số tuyến vận chuyển hàng hóa từ cảng Đà Nẵng qua Mỹ, Nhật Bản hay các nước châu Âu cao hơn đôi chút do chưa có đường vận chuyến trực tiếp nên chi phí vận chuyển bị đội lên.

Theo Công ty CP Cảng Đà Nẵng, từ nay đến năm 2020, cảng Đà Nẵng sẽ phát triển theo 2 trụ cột. Trụ cột thứ nhất là những hoạt động dịch vụ trong cảng, phát triển cảng Đà Nẵng theo hướng phục vụ tàu container, tàu khách, tàu chuyên dụng có trọng tải lớn (trong đó lấy tàu container là dịch vụ cốt lõi, thị trường mục tiêu của cảng là tàu container, tàu khách, tàu có trọng tải lớn).

Trụ cột thứ hai là dịch vụ ngoài cảng - dịch vụ logistics, gồm hệ thống kho bãi và dịch vụ như đóng gói, dịch vụ phụ trợ vận tải, container, kho thuê hải quan, dịch vụ phân phối hàng đến kho thu hàng… Vì vậy, để tạo thuận lợi cho cảng Đà Nẵng phát triển đúng định hướng, công ty đề nghị thành phố sớm chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành nạo vét luồng và vũng quay tàu có độ sâu phù hợp để đồng bộ với hạ tầng trong cảng.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục làm việc với Bộ Quốc phòng, Binh chủng Hải quân để cảng có thể nhận được phần diện tích phía Vùng 3 Hải quân, từ đó đơn vị triển khai bước 2 dự án kéo dài bến số 5, đáp ứng việc đón tàu khách du lịch.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của cảng trong thời gian qua; đồng thời ghi nhận những kiến nghị của doanh nghiệp để trình UBND thành phố xem xét giải quyết trong thời gian đến.

Phó Chủ tịch Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh, sự phát triển của cảng cũng chính là sự phát triển của thành phố. Vì vậy, lãnh đạo Công ty CP Cảng Đà Nẵng sớm xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển tổng thể về cảng Đà Nẵng để trình HĐND thành phố xem xét đưa vào Nghị quyết của HĐND thành phố trong kỳ họp HĐND vào cuối năm 2016.   

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

BÁO ĐÀ NẴNG