Giao thông trước nhất...

8 năm trước

Tôi có duyên được gặp anh Nguyễn Bá Thanh trong một hội nghị cách đây trên 30 năm, hồi ấy anh là chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Hòa Nhơn 3 còn tôi là Giám đốc Xí nghiệp Công tư hợp doanh dệt 29-3 (nay là Công ty CP Dệt may 29-3).

Qua câu chuyện trao đổi, anh đề nghị tôi và anh cùng hợp tác. Tôi ngạc nhiên: “Một người làm công nghiệp, một người làm nông nghiệp làm sao hợp tác?”. Song anh nghiêm túc giải thích: “HTX tôi đang thiếu nước trầm trọng, ông có máy bơm nước mang lên tưới giúp, đem ít khăn lên hỗ trợ xã viên, bù lại HTX sẽ trả lại cho xí nghiệp nông sản, đường…”. Trong giai đoạn thiếu lương thực, công nhân phải ăn cơm 60% độn bo bo, nghe anh giải thích hấp dẫn, tôi đồng ý hợp tác, thế là từ đó tôi và anh quen nhau.

Cầu Thuận Phước. 																				Ảnh: NGỌC HỢI
Cầu Thuận Phước. Ảnh: NGỌC HỢI

Một hôm, đưa tôi đi thăm cánh đồng HTX vào mùa lúa trổ, anh chỉ cho tôi con suối chảy dọc cánh đồng và nói: “Ông thấy đó, con suối xem bình thường là vậy, khoảng cách hai bờ chỉ trên vài chục mét nhưng đến mùa mưa nông dân phải lội bộ, phải kéo xe phân, xe giống đi hàng cây số mới qua đến bờ bên kia. Bất tiện lắm, vất vả lắm! Thấy mà xót ruột!”.

- Tôi phải làm cầu ông ạ! Anh Thanh nói.

- Tiền đâu, vật tư đâu? Tôi hỏi.

- Thì cứ nghĩ cái đã, còn làm sẽ tính. Anh nói có vẻ chắc nịch và đôi mắt ngời lên.

Rồi do bận việc, một thời gian tôi không lên xuống HTX. Một hôm, tôi nhận được giấy mời của anh dự khánh thành cầu Hòa Nhơn. Tôi vô cùng bất ngờ. Khi đến nơi, nhìn chiếc cầu mới khá khang trang và vững chắc, nhìn không khí háo hức của đồng bào vùng nông thôn lần đầu tiên có cây cầu nối liền hai bờ suối mà bao đời nay họ từng ước mơ  đến nay mới thành hiện thực, tôi thật sự xúc động. Từ  trên ngọn tre, dây pháo dài gần 10 mét nổ vang chào mừng và một cụ già đại diện nhân dân địa phương trịnh trọng mang đến bộ veston tặng anh – xem như món quà nghĩa tình của nhân dân Hòa Nhơn đối với Chủ nhiệm HTX trẻ trung và đầy tâm huyết. Sau buổi lễ, tôi nhắc lại anh câu hỏi cũ:

- Tiền đâu, vật tư đâu, mà anh làm được vậy?

- Đi xin.

- Bằng cách nào mà anh xin được?

- Mưa dầm thấm đất! Nói riết rồi họ cũng động lòng. Như ông Đặng Văn Mao, Giám đốc Công ty Vật tư tôi đã xin được hàng tấn sắt thép, xi-măng...

Tôi trầm ngâm không hỏi tiếp. Song trong thâm tâm tôi thật sự khâm phục anh về tính quyết đoán và tinh thần dám nghĩ dám làm.

 Ảnh lưu niệm gia đình anh Nguyễn Bá Thanh và gia đình tác giả vào chiều mùng 2 Tết Đinh Sửu 1997.
Ảnh lưu niệm gia đình anh Nguyễn Bá Thanh và gia đình tác giả vào chiều mùng 2 Tết Đinh Sửu 1997.

Khi thành phố Đà Nẵng tách ra trực thuộc Trung ương, vào chiều mùng 2 Tết Đinh Sửu 1997, gia đình anh đi chúc Tết và luôn tiện ghé thăm chúng tôi. Trong bữa cơm chiều, chúng tôi trao đổi nhiều chuyện thành phố, chuyện công ty và tôi nhắc lại anh kỷ niệm về HTX Hòa Nhơn 3, về thành tựu “tay không bắt giặc” của anh khi xây dựng cầu Hòa Nhơn. Anh cười rồi chậm rãi nói:

- Ông nghĩ coi, Đà Nẵng bây giờ là đô thị trực thuộc Trung ương nhưng còn nhiều bất cập lắm. Đường sá thì chật chội, cả một khu vực đầy tiềm năng như quận Ba, chỉ cách quận Nhất con sông Hàn mà cuộc sống người dân như vùng nông thôn. Rồi giọng anh trầm xuống: “Nói gì thì nói, muốn phát triển kinh tế phải ưu tiên giải quyết bài toán về giao thông, thành phố nầy phải có thêm nhiều cây cầu bắc qua sông Hàn ông ạ!”.

Tôi ái ngại nhìn anh, thành phố mới tách ra còn vô vàn khó khăn, nguồn lực tài chính nào để anh thực hiện mục tiêu làm cầu. Không cần suy nghĩ, anh nói như đã dự kiến từ trước “thì áp dụng như cái cách đã xây dựng cầu Hòa Nhơn, trước mắt làm một cái. Hồi ấy giai đoạn cực kỳ khó khăn, HTX thì nhỏ xíu, anh Chủ nhiệm lúc nào cũng lấm lem bụi đường mà vẫn xin được vật tư làm cầu, huống chi bây giờ thành phố trực thuộc Trung ương. Việc làm chính đáng thì dân đồng tình. Lãnh đạo thành phố sẽ kêu gọi nhân dân, kêu gọi doanh nghiệp đóng góp theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Không lẽ Công ty 29-3, cái tên nghe “kêu” như vậy mà không có nghĩa vụ với thành phố?”. Anh cười và tôi cũng cười; song cái cười của tôi vừa mừng lại vừa lo, vì tôi biết tính của anh đã nói là làm và đã làm là làm cho bằng được.

Rồi việc gì đến cũng đến, kỳ họp HĐND thành phố giữa năm 1997, trong chương trình nghị sự có biểu quyết thông qua đề án xây dựng cầu Sông Hàn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhớ lại lời nói của anh tại nhà tôi vào chiều mùng 2 Tết, trước khi đi họp, tôi mời Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên (bộ tứ) để trình bày chủ trương của thành phố xây dựng cầu bắc qua sông Hàn và nghĩa vụ của công ty đối với chủ trương này. Cuối cùng, chúng tôi đã đi đến thống nhất đóng góp 200 triệu đồng. Để tránh sự bàn lui, chúng tôi đã làm biên bản liên tịch có đủ 4 chữ ký và 4 con dấu đỏ, lưu lại công ty một tờ, còn một tờ tôi mang đến kỳ họp.

Trong giờ giải lao ngày thứ hai của kỳ họp, anh Huỳnh Nghĩa - lúc bấy giờ là Chánh Văn phòng UBND thành phố đến gặp tôi và đề nghị “Tí nữa giải lao xong là thảo luận dự án cầu Sông Hàn, anh xung phong phát biểu trước nghe”. Tôi gật đầu. Sau này tôi được anh Huỳnh Nghĩa cho biết lúc bấy giờ anh Bá Thanh lo lắm, hỏi anh Huỳnh Nghĩa:

- Ông mời ai phát biểu đầu tiên?

- Ông Chính.

- Liệu tay đó phát có ngon không?

- Chắc là được.

Sau khi đại diện lãnh đạo UBND thành phố trình bày dự án xong, tôi xung phong phát biểu đầu tiên và không quên tuyên bố Công ty 29-3 ủng hộ 200 triệu đồng. Tôi nghe hội trường có tiếng râm ran. Để chứng minh lời phát biểu của mình có căn cứ, tôi móc túi lấy luôn tờ biên bản có đủ 4 con dấu đưa cho chủ tọa kỳ họp. Mấy hôm sau tôi lại nhận được điện thoại của anh, anh khen phát biểu của tôi tại kỳ họp. Tôi biết tính anh ít khi khen ai, do vậy nhận được lời khen của anh, tôi cũng cảm thấy vui vui. Song sau lời khen, anh nói tiếp: “Hôm nớ ông phát biểu đóng góp công trình 200 triệu là tiền công ty, còn tiền cá nhân của giám đốc nữa nghe. Tôi đang kêu gọi thêm một số giám đốc doanh nghiệp đóng góp, tôi cũng đóng góp”. Tôi trả lời anh qua điện thoại: “Gia đình tôi xin đóng góp 10 triệu đồng anh nghe”. “Ừ cũng được, càng nhiều càng tốt”.

Rồi cầu Sông Hàn được khởi công sau 1 năm kỳ họp HĐND lần đó và khánh thành vào ngày 29-3-2000 nhân dịp thành phố kỷ niệm 25 năm ngày giải phóng.

Sau cầu Sông Hàn, những cây cầu mới tiếp tục nối đôi bờ Hàn giang như cầu Tiên Sơn, cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Nguyễn Tri Phương…  Ngày khánh thành cầu Rồng, tôi không giấu được cảm xúc của mình và đã bộc lộ qua mấy câu thơ tặng anh:

Có phải bởi niềm khát khao Đà Nẵng                 
Muốn chen vai, muốn sát cánh ngang tầm
Có phải bởi lòng dân là sức mạnh
Từ cầu quay nay đã có cầu Rồng  
Tôi đi trên những chiếc cầu huyền thoại
Lòng lâng lâng và cảm giác mê say
Từ sâu thẳm trong lòng tôi đã nói
Đà Nẵng ơi, đẹp quá thế Rồng bay!

Cùng với những chiếc cầu nối đôi bờ sông Hàn, là những con đường rộng mở thênh thang: Điện Biên Phủ, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa…

Khu nhà chồ quận Ba ngày xưa nay đã nhường chỗ cho con đường ven sông đẹp tuyệt vời mang tên Trần Hưng Đạo – nơi tổ chức sự kiện trình diễn các cuộc thi pháo hoa quốc tế và những khách sạn cao tầng liên tục mọc lên phục vụ khách du lịch.

Bà con xa quê lâu ngày về thăm quê hương, không khỏi ngỡ ngàng:

… Đâu phà ngang kỷ niệm thuở còn thơ
Chen chúc qua sông giữa cảnh đời lầm lũi
Đâu những nhà chồ một thời buồn tủi
Mẹ oằn lưng chạy chợ sống qua ngày
Tôi thật bất ngờ trước những đổi thay
Của Đà Nẵng từng một thời chiến lũy

     (Bất ngờ Đà Nẵng-thơ Huỳnh Văn Chính)    

Đà Nẵng giờ đây được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến là thành phố yên bình, đáng sống, được vinh danh là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á, là thành phố tổ chức sự kiện, lễ hội ngang tầm châu lục.

Với sự kết nối từ những cây cầu và con đường, quận Ba ngày xưa (nay là hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn) đổi thay từng ngày, có một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh với nhiều khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng nằm trong nhóm hàng đầu thế giới. Cũng từ những con đường ấy, đã mở ra cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, chuyển đổi nguồn thu chủ yếu từ đất sang thu từ sản xuất, kinh doanh một cách mạnh mẽ. Thành quả đó là từ nỗ lực không ngơi nghỉ của các cấp lãnh đạo qua các thời kỳ, là sự đồng thuận mang nét đặc thù của người Đà Nẵng. Song điều không ai có thể phủ nhận vai trò đầu tàu của anh với tư duy sáng tạo, với cách làm sáng tạo và những định hướng đúng đắn – trong đó tôi còn nhớ như in lời trao đổi có tính chiến lược của anh: “Muốn phát triển kinh tế phải ưu tiên giải quyết bài toán về giao thông”.

Hôm rồi tôi có dịp đưa mấy người bạn Việt kiều về thăm gia đình lên Công viên Châu Á, ngồi trên Vòng xoay Mặt trời để ngắm Đà Nẵng về đêm. Các bạn tôi tấm tắc khen vẻ đẹp lộng lẫy của Đà Nẵng trong lần đầu tiên được mục sở thị. Còn tôi, dõi mắt nhìn theo những chiếc cầu lấp lánh ánh đèn như cảm nhận thấy anh lúc ẩn lúc hiện, lúc nhẹ nhàng thanh thoát trên những chiếc cầu mà anh đã lao tâm khổ tứ trăn trở nghĩ suy:

Tôi đi bước chân nhè nhẹ
Nhìn xem đầy đủ sắc màu
Đà Nẵng lung linh huyền ảo
Ngỡ mình lạc giữa trời Âu!

(Nhịp cầu nối những niềm vui – thơ Huỳnh Văn Chính)    

Giáp đông 2016

Người Đà Nẵng biết nhiều về Huỳnh Văn Chính – một doanh nhân nổi tiếng Đà thành với vai trò là thuyền trưởng con tàu “Công ty CP Dệt may 29-3” – doanh nghiệp duy nhất được mang tên ngày giải phóng thành phố.

Bạn đọc cũng biết đến Huỳnh Văn Chính – một nhà thơ nghiệp dư vui nhộn, đặc biệt về dòng thơ dí dỏm.

Là Chủ tịch một doanh nghiệp, ông chứng kiến nhiều vui, buồn, trăn trở trong một giai đoạn đầy cam go, thách thức nhưng cũng đầy khát vọng phát triển mãnh liệt của thành phố, tường tận nhiều đường đi, lối tắt, nhiều câu chuyện cảm động của thời mở lối.

Được mời tham gia cuộc thi viết phóng sự-ký sự “Đà Nẵng – dấu ấn 20 năm đổi mới”, ông nói, với báo chí, đặc biệt là thể loại này, ông là người ngoại đạo, nhưng cố gắng ghi lại chính kiến của mình những câu chuyện về con người, về thành phố mà theo ông là không thể nào quên.

Đọc tác phẩm dự thi, tôi thấy phảng phất sự mộc mạc trong cách viết, nhưng tình tiết các câu chuyện thực sự cuốn hút người đọc. Từ những trang viết của ông, tôi hiểu được thêm anh Nguyễn Bá Thanh, người lãnh đạo mà nhân dân Đà Nẵng yêu mến; hiểu được thêm con đường mà Đà Nẵng đã đi. Trong vô vàn khó khăn, bộn bề những ngày đầu chia tách, Đà Nẵng ưu tiên chọn phát triển trước nhất là giao thông, là đường sá, là cầu cống. Và thực tế hiện nay sự lựa chọn này đã mang lại quả ngọt.

Dù thô mộc, nhưng ký sự Giao thông trước nhất cuốn hút tôi, vì trước hết nó là những câu chuyện thật, rất thật.

Nhà báo Quý Lâm

HUỲNH VĂN CHÍNH

BÁO ĐÀ NẴNG