Đà Nẵng tiếp cận công nghệ làm ống ngầm không cần đào đường

7 năm trước

Công nghệ mới trong việc lắp đặt ngầm hệ thống ống cho cấp thoát nước, cáp điện lực, viễn thông nhờ định vị siêu âm, không cần đào đường được giới thiệu cho Đà Nẵng gây sự chú ý!

Được Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ trực tiếp giao nhiệm vụ, ngày 13/12, Sở GTVT Đà Nẵng đã chủ trì buổi hội thảo với sự tham dự của nhiều sở, ngành, đơn vị hữu quan trên địa bàn để nghe Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật VMCtech giới thiệu về công nghệ khoan định hướng dẫn ống HDD trong thi công công trình ngầm.

Ông Trần Văn Chín, Chủ tịch VMCtech giới thiệu với Đà Nẵng công nghệ khoan định hướng dẫn ống HDD trong thi công công trình ngầm (Ảnh: HC)

Theo Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Trung, việc tìm kiếm công nghệ hiện đại, mang nhiều lợi ích xã hội để xây dựng các công trình ngầm này là hết sức quan trọng.

Ông Trần Văn Chín, Chủ tịch VMCtech cho hay, HDD (Horizontal Directional Drilling) là công nghệ hiện đại tiêu chuẩn ASTM-USA, có nhiều điểm vượt trội so với các phương pháp đào mở truyền thống, hạn chế ô nhiễm môi trường, ít gây ảnh hưởng đến giao thông, thời gian thi công nhanh... Từ đó giảm thiểu các chi phí xã hội như chi phí xăng dầu, lãng phí thời gian, thiệt hại mà người dân phải chịu khi xảy ra các vấn đề về giao thông, ô nhiễm môi trường.

Theo ông, tính ưu việt của công nghệ khoan ngầm kéo ống HDD là khả năng dẫn ống vào đúng điểm tọa độ đã định vị sâu dưới lòng đất; khả năng kéo ống sâu đến 50m; có thể tránh được các công trình ngầm hiện hữu nhờ máy dò siêu âm; lắp đặt hệ thống ống ngầm trong các điều kiện khó khăn như lòng sông, rạch, dưới đường lộ, địa chất yếu...; thời gian thi công nhanh.

Ông Trần Văn Chín đơn cử, tại công trình “Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn 2, VMCtech thi công 73m ống HDPE đường kính OD710 ở độ sâu 5m chỉ mất 13 giờ (bước dẫn hướng 2 giờ, khoan nong 6 giờ và kéo ống 5 giờ). Tổng thời gian thi công 270km đường ống được cam kết chỉ 8 tháng so với đào mở truyền thống hoặc sử dụng các biện pháp khác phải mất đến 3 năm.

“Thi công theo phương pháp đào mở phải đào và tái lập mặt đường cũ với mật độ lưu thông cao, gây lãng phí lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của các phương tiện giao thông và mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới môi trường. Trong khi thi công theo công nghệ mới HDD không đào đường, không gây ách tắc giao thông, không phải di dời, xử lý giao cắt với các công trình khác. Đường ống của chúng tôi đi xuyên qua nền một nhà hàng thủy sản nhưng hoàn toàn không di dời hay làm ngưng trệ việc kinh doanh của họ!” – ông Trần Văn Chín nói.

Tại công trình thi công tuyến cáp quanh trên đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có 39 đoạn băng qua đường, mỗi đoạn dài 70m ở độ sâu 3,5m, liên danh nhà thầu Toshiba – Itochu – Hitachi dự tính mỗi đoạn thi công băng qua đường mất 3 tuần, như vậy tổng thời gian thi công lên đến hơn 2 năm. Họ dự tính chọn nhà thầu và thuê máy từ bên Nhật sang để khoan kích đẩy ống qua đường, như vậy cũng mất 6 tháng.

“Khi chúng tôi trình bày biện pháp thi công HDD chỉ mất 1 tháng 15 ngày thì họ không tin và đề nghị làm thử một đoạn. Chỉ 1 ngày, chúng tôi khoan được 2 đường ống, mỗi đường ống 70m. Sau đó liên danh nhà thầu Nhật Bản quyết định không chọn 2 nhà thầu từ Nhật Bản nữa mà chọn ứng dụng công nghệ HDD của chúng tôi!” – ông Trần Văn Chín thuật lại.

Những nội dung này đã thu hút sự chú ý rất lớn của các đại biểu tham dự hội thảo và họ đã đặt khá nhiều câu hỏi để nắm kỹ hơn về công nghệ mới HDD. Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Trung nhấn mạnh, công nghệ này hiện được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, mang đến rất nhiều lợi ích cho xã hội do không phải đào đường gây nhiều hệ lụy, thời gian thi công nhanh. Đặc biệt là sử dụng trong thi công ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật trong đô thị rất phù hợp và hiệu quả.

“Buổi giới thiệu công nghệ này đã chia sẻ cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm quý báu về phát triển, ứng dụng kỹ thuật mới tiên tiến, hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng trên thế giới và của Việt Nam, làm cơ sở cho việc lựa chọn, chuyển giao, ứng dụng những công nghệ kỹ thuật có hiệu quả, phù hợp nhất vào thực tế xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tại TP Đà Nẵng trong thời gian tới!” – ông Lê Văn Trung nói.

Quy trình thi công theo công nghệ khoan ngầm kéo ống HDD gồm 3 bước. 

Bước 1 là khoan định hướng: Dung dịch khoan được bơm qua ống khoan, đầu khoan với áp lực cao và đầu khoan về nghiền đất phía trước khi khoan. Việc khoan định hướng được dẫn bởi bởi một hệ thống dẫn hướng. Một cảm biến phía sau đầu khoan sẽ gửi trực tiếp tín hiệu tới một máy định vị trên mặt đất hoặc vệ tinh để xác định chính xác vị trí mũi khoan.

Máy sẽ liên tục ghi nhân độ sâu, góc nghiêng và độ dốc đầu khoan theo suốt chiều dài tuyến thi công. Việc dẫn hướng được căn chỉnh để theo đúng hướng tuyến thiết kế. Tốc độ khoan định hướng có thể thay đổi tùy thuộc điều kiện đất và góc chuyển hướng yêu cầu. Sau khi khoan tới điểm yêu cầu, đầu khoan định hướng sẽ được thay thế bằng đầu khoan nong.

Bước 2 là khoan nong dẫn đường: Tiến hành khoan nong theo đường khoan định hướng để mở rộng đường khoan phù hợp với kích thước đường ống cần lắp đặt. Bentonite và các phụ gia, hóa chất có thể được sử dụng để ổn định và giữ sạch bề mặt đường khoan. Bentonite có tác dụng tạo ra một “lớp lót” xung quanh vách đường khoan trong quá trình khoan, kéo ống.

Bước 3 là kéo ống theo đường khoan nong. Khi ống được kéo vào trong lỗ khoan, dung dịch khoan tiếp tục được bơm xuống hố khoan để bôi trơn cho ống khi kéo, đảm bảo ống không bị giãn và các mối hàn ống không bị giãn, gãy.