ĐÀ NẴNG: CẦN QUAN ĐIỂM, TẦM NHÌN MỚI QUY HOẠCH THÀNH PHỐ

5 năm trước

ĐNO - Tham gia đóng góp ý tưởng, đề xuất tại hội thảo đóng góp ý tưởng dự  án “Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045” diễn ra vào ngày 23-8 do UBND thành phố tổ chức, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và quản lý cho rằng, công tác quy hoạch phải có tầm nhìn lâu dài, đưa ra được một mô hình phát triển hợp lý với thực tiễn và vị trí chiến lược của Đà Nẵng.

Cần quan điểm, tầm nhìn mới với việc lựa chọn mô hình, kết cấu phù hợp trong quy hoạch thành phố. TRONG ẢNH: Vệt đô thị phía bắc quận Sơn Trà.   Ảnh: Triệu Tùng

Cần quan điểm, tầm nhìn mới với việc lựa chọn mô hình, kết cấu phù hợp trong quy hoạch thành phố. TRONG ẢNH: Vệt đô thị phía bắc quận Sơn Trà.

Ảnh: Triệu Tùng

Dự án “Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” được thực hiện trong 1 năm, từ tháng 1-2019 đến 1-2020. Công ty tư vấn Surbana Jurong (Singapore) - đơn vị tư vấn quy hoạch chung thành phố, nhấn mạnh điểm mấu chốt là thành phố cần đưa ra chiến lược quy hoạch lâu dài phục vụ cho sự phát triển. Trong lần điều chỉnh này, đơn vị đưa ra một số giải pháp quy hoạch cho thành phố như lựa chọn phương án giữ nguyên hiện trạng và mở rộng sân bay Đà Nẵng nhằm tăng tải trọng hành khách trong năm, đồng thời có kết nối tốt với các sân bay lớn của cả nước; nhanh chóng xây dựng cảng biển Liên Chiểu và có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với sân bay, ga đường sắt, khu công nghiệp.

Đối với việc quy hoạch nguồn nước, đơn vị đề xuất giữ nguyên hiện trạng các nhà máy nước hiện nay, phát triển thêm các nhà máy nước ở khu vực phía tây, hình thành và sử dụng hiệu quả các hồ nước có sẵn làm nơi dự trữ nguồn nước ngọt cho thành phố; bảo đảm nguồn nước thải từ các khu công nghiệp phải được xử lý tốt nhất có thể trước khi thải ra môi trường. Trong giai đoạn 2020 - 2030 cần xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn ở phía bắc thành phố, nhưng sau 2030 đến 2045 cần xây dựng thêm ở phía nam thành phố nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển… Về giải pháp đô thị, Đà Nẵng nên đi theo mô hình đô thị nén, tạo sức lan tỏa ra các vùng xung quanh.

Đánh giá cao hai điểm nhấn ấn tượng về giải pháp kết nối giao thông vùng và không gian xanh, không gian nước trọng điểm được đơn vị tư vấn nêu lên, TSKH, KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất thêm 6 nội dung cần được nghiên cứu, đề cập sâu gồm: giải pháp cho việc xây dựng Đà Nẵng là đô thị toàn cầu đa trung tâm và đa bản sắc; đô thị sân bay; bảo vệ môi trường vịnh Đà Nẵng phù hợp quy mô cảng biển; quy hoạch đô thị ven sông; giải pháp cho không gian đô thị và không gian cao tầng; giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Theo đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh, việc quy hoạch cần gìn giữ các giá trị hiện hữu của khu vực trung tâm như Thành Điện Hải, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, các khu nhà Pháp cổ. Trong quy hoạch chung cũng cần nói rõ về quy hoạch khu vực Ngũ Hành Sơn-khu địa linh của Đà Nẵng. Theo đó, cần xây dựng các khu đô thị trung gian nhưng phải bảo đảm tôn vinh, không tranh chấp với khu vực  này.

KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam nêu rõ, vai trò và sứ mệnh của Đà Nẵng trong phát triển vùng và cả nước đã được khẳng định; đồng thời đề xuất nhóm tư vấn cần đưa ra được giải pháp để quy hoạch, quản lý, sử dụng đất hợp lý trong thời gian tới; tránh chia lô bán nền, nhất là hai bên sông Hàn;  xây dựng cảng Liên Chiểu để tạo ra hậu cần cho hoạt động vận tải cảng biển, dịch vụ logistics; tính toán giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước vốn đã được đặt ra cách đây 20 năm…

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chất lượng lần quy hoạch này phải cao, đi kèm việc thực thi quy hoạch một cách nghiêm túc, đừng để nhiệm kỳ nào cũng phải điều chỉnh. Quy hoạch phải trên nền tảng chủ trương của Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045;  đó là phát triển Đà Nẵng phải đặt trong chuỗi đô thị biển khu vực miền Trung.

Chính phủ đang đặt phát triển đường ven biển là chiến lược, Đà Nẵng là đô thị trung tâm trong chiến lược này. Điểm mới quan trọng nhất của Nghị quyết 43-NQ/TW là đưa Đà Nẵng thành vùng đô thị Đà Nẵng. Theo TS Trần Du Lịch, một số giải pháp cần xác định rõ là: xây dựng sân bay Đà Nẵng phải có quy mô phù hợp khi song song tồn tại sân bay Chu Lai; phải xây dựng cảng Liên Chiểu; tính toán tổng thể quy mô công nghiệp của Đà Nẵng và vùng miền Trung để xây dựng quy mô cảng… Về giao thông, phải chủ trương triết lý giao thông công cộng; xây dựng đô thị nén, nhà cao tầng, dành không gian cho mảng xanh và không gian công cộng.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng khẳng định điều chỉnh quy hoạch chung lần này đặt mục tiêu tạo được nguồn lực đáp ứng được yêu cầu về tốc độ phát triển kinh tế của thành phố ở mức cao với 12%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đã đến lúc cần có quan điểm, tầm nhìn mới về quy hoạch và phát triển thành phố với việc lựa chọn mô hình, kết cấu mới phù hợp để Đà Nẵng tăng tốc phát triển; phù hợp với yêu cầu hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị thông minh, hiện đại, kết nối với các đô thị lớn trong nước cũng như khu vực; đồng thời khắc phục những hạn chế tồn tại từ quy hoạch cũ. Các ý kiến đóng góp, phản biện rất cởi mở, thẳng thắn; là nguồn tư liệu quý cho thành phố nhằm hoàn thiện dự án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố trong thời gian tới.

TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia: Cần thêm các chuyên gia, nhà tư vấn trong nước tham gia vào nhóm tư vấn

Trong phương án điều chỉnh quy hoạch cần xây dựng phương án giao thông hiệu quả gắn với tổng thể quy hoạch. Ngoài quy hoạch giao thông của địa phương, còn cần phân tích rõ những ràng buộc giao thông vùng như thế nào cho hợp lý để không kìm hãm phát triển của Đà Nẵng trong tương lai. Nếu quy hoạch lần này không dựng được mô hình giao thông cho Đà Nẵng thì rất đáng tiếc. Cần thuê thêm các chuyên gia, nhà tư vấn trong nước tham gia vào nhóm tư vấn để đánh giá hiện trạng, phân tích và dự báo thuận lợi hơn vì họ hiểu được pháp luật, thể chế của nước ta hơn. Bên cạnh đó, việc quy hoạch cũng phải tiết kiệm để dành tài nguyên cho thế hệ sau.

Ông Ngô Quang Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đô thị bền vững TP Hồ Chí Minh: Xây dựng phương án giao thông hiệu quả gắn với tổng thể quy hoạch

Đà Nẵng cần có phương án tốt để giải bài toán về giao thông đô thị, giao thông công cộng, tránh “vết xe đổ” của các đô thị đi trước. Tôi đánh giá cao ý tưởng xây dựng vành đai giao thông ven biển được nhóm tư vấn đưa ra nhằm tạo ra sự đa dạng về lưu chuyển cho Đà Nẵng. Đơn vị tư vấn cũng cần đưa ra phương án giải quyết vấn đề về chống ngập trong quá trình quy hoạch. Bên cạnh đó, nên nối tuyến giao thông 14B kết nối với đường Hồ Chí Minh để tạo hành lang mới thay cho hành lang giao thông lên Lao Bảo (Quảng Trị) để mở rộng khả năng kết nối, lưu thông cho thành phố; khơi thông sông Cổ Cò kết nối với Hội An; tăng cường mảng xanh cho các khu bảo tàng thiên nhiên, ven sông, hồ; điều chỉnh cấu trúc hệ thống giao thông công cộng hợp lý hơn.

KTS, TS Phó Đức Tùng, cố vấn chiến lược quy hoạch Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đánh giá chiến lược phát triển cụ thể giữa Đà Nẵng với các tỉnh trong vùng

Trong một thời gian dài, các địa phương phát triển theo kiểu “mạnh ai nấy làm” nên tính liên kết vùng chưa rõ; vì vậy đồ án điều chỉnh quy hoạch lần này cũng cần đưa ra phương án chi tiết, lâu dài về chiến lược phát triển cụ thể giữa Đà Nẵng với các tỉnh trong vùng. Trong đó, có tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây, phát triển cảng biển… Lần điều chỉnh này là cơ hội tốt cho Đà Nẵng nên phải đưa ra được tầm nhìn dài hạn.

Nguồn: Khánh Hòa (Theo baodanang.vn)