Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký Thông báo số 123/TB-UBND truyền đạt kết luận của lãnh đạo thành phố về một số chủ trương đầu tư, đồ án kiến trúc, quy hoạch trên địa bàn thành phố định kỳ tháng 8.
|
Ngã ba đường Chương Dương – Bùi Tá Hán. |
Đây là Thông báo kết luận tại cuộc họp kiến trúc, quy hoạch ngày 29-8 do Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì với lãnh đạo Thành ủy, HĐND TP, UBND TP, Sở, ban, ngành, quận, huyện và đại diện các chủ đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là dự án xây dựng thêm cầu mới từ Khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ) băng qua qua sông Đô Tỏa nối đường Bùi Tá Hán (Q. Ngũ Hành Sơn).
Đầu tư thêm cầu mới qua sông
Lãnh đạo thành phố thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng thêm cầu mới từ Khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ) băng qua sông Đô Tỏa nối đường Bùi Tá Hán đến đường Lê Văn Hiến (Q. Ngũ Hành Sơn). Giao Sở Xây dựng tiến hành các thủ tục lập dự án theo đúng quy định, trong đó có bổ sung vào quy hoạch chung thành phố theo quy định; Sở KH & ĐT nghiên cứu hình thức đầu tư và đề xuất trách nhiệm tài chính của các đơn vị có liên quan đến dự án. Được biết, đây là dự án được thành phố họp bàn nhiều lần, theo phương án thiết kế sơ bộ ban đầu được trình thẩm định, cầu mới có chiều dài cầu khoảng 500m, chiều rộng trong lòng cầu 15m, mỗi bên lề đi bộ 2,5m có điểm đầu là đường Hàng Dừa (Khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân) và điểm cuối là ngã ba đường Chương Dương – Bùi Tá Hán.
Trao đổi với chúng tôi về việc xây dựng cầu mới này, TS –KTS Tô Văn Hùng, Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố cho biết, Đà Nẵng đã và đang thành công trong quy hoạch, đó là kéo đô thị Đà Nẵng về gần sông, gần biển để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng thêm 1 cầu tại khu vực nơi đây là phù hợp hiện trạng và đảm bảo quy hoạch chung của thành phố. Ngoài ra, sẽ giảm tải cho đường CMT8, đường 2-9 và cầu Tuyên Sơn. Cũng theo TS-KTS Tô Văn Hùng, đây là vị trí ngã ba sông (sông Cổ Cò, sông Vĩnh Diện và sông Đô Tỏa) kết nối với 3 khu đô thị hiện hữu Nam Việt Á, Hòa Xuân, Hòa Quý sẽ là khu tập trung đông dân cư trong tương lai nên xây dựng cầu mới cần có điểm nhấn kiến trúc, không phải cầu phẳng thông thường như cầu Tuyên Sơn, cầu Hòa Xuân, cầu Minh Mạng... Tuy nhiên, bài toán tài chính đối với dự án là rất quan trọng mà chủ đầu tư các dự án tại đây phải chia sẻ với thành phố. Đây cũng là lý do mà lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở KH & ĐT nghiên cứu hình thức đầu tư và trách nhiệm tài chính của các đơn vị có liên quan.
Đầu tư KCN Hòa Nhơn
Thành phố đồng ý quy hoạch KCN Hòa Nhơn (có diện tích 393,54 ha) thành 3 khu vực như sau: Khu vực bố trí cho các doanh nghiệp sản xuất xi-măng, vật liệu xây dựng (khoảng 100 ha); khu vực bố trí cho các doanh nghiệp nước ngoài (khoảng 100 ha); phần diện tích còn lại quy hoạch bố trí các ngành nghề khác như: Cơ khí, các ngành công nghiệp phụ trợ,... trong mỗi khu vực chia nhỏ diện tích khoảng 5 ha để thuận tiện trong quá trình kêu gọi đầu tư. Đối với việc bố trí các ngành nghề cụ thể trong KCN Hòa Nhơn sẽ được xem xét trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và đảm bảo khoảng cách ly đúng quy định. Đồng thời, cho phép Cty Xi-măng Đà Nẵng được tiếp tục thuê lại diện tích đất đang sử dụng tại KCN Hòa Khánh và chuyển đổi sang ngành nghề phù hợp với quy hoạch KCN Hòa Khánh, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Giao Sở Xây dựng lập thủ tục hủy các đồ án chồng lấn KCN như: vệt khai thác quỹ đất dọc tuyến đường vào mỏ đá Hòa Nhơn, vệt sử dụng đất dọc đường tránh Nam hầm Hải Vân.
Thành phố cũng đồng ý một số công trình quan trọng, cấp bách trên địa bàn. Cụ thể, thống nhất quy hoạch 2 tuyến đường cấp bách chiến lược quốc phòng phục vụ quân sự và dân sinh Q. Liên Chiểu để kết nối khu vực phòng thủ đèo Hải Vân – Bán đảo Sơn Trà với KDC địa phương (P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu). Trong đó, tuyến đường số 1 (diện tích đất 17.168 m2) có mặt cắt B = 13,5m (3m + 7,5m + 3m), chiều dài1.175m; tuyến số 2 (diện tích 21.236 m2) có mặt cắt B = 10,5m (1,5m + 7,5m + 1,5m), chiều dài 2.016m. Tuy nhiên, lưu ý cầu Sở Xây dựng nghiên cứu lại điểm cuối tuyến số 1 kết nối trực tiếp ra đường Hoàng Văn Thái và bổ sung tuyến đường nối từ tuyến số 2 đến nghĩa trang Hòa Sơn trình UBND TP quyết định.
Đối với phương án quy hoạch xây dựng Trung tâm xã Hòa Phong, thành phố giao Sở Xây dựng kiểm tra quy mô diện tích đất trồng lúa trong dự án, quy mô dự án không quá 10ha. Trong đó, tập trung bố trí đất ở chia lô liền kề phù hợp với quy hoạch chung của TP; bố trí trạm y tế, UBND xã Hòa Phong, nhà văn hóa, nhà họp tổ; quỹ đất cây xanh, mặt nước, ta-luy; khớp nối giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, mở rộng Trung tâm văn hóa thể thao P. Hòa Thọ Đông thêm 1.023m2 về phía Đông, tiếp giáp với khu vực hồ điều tiết để bố trí hợp lý các phân khu chức năng, bãi đỗ xe, cảnh quan cây xanh, không bố trí công trình.
Nâng cấp chợ Bắc Mỹ An lên trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống
Lãnh đạo thành phố cũng có chủ trương đầu tư cải tạo nâng cấp chợ Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. Theo đó, chợ Bắc Mỹ An được nâng cấp theo hiện trạng với diện tích 3.955m2. Đây là khu vực chợ truyền thống hiện trạng. Để đáp ứng sự phát triển của hoạt động thương mại, lãnh đạo thành phố thống nhất sử dụng khu đất tiếp giáp phía đường Ngũ Hành Sơn có diện tích 2.980m2 đầu tư phát triển thành trung tâm thương mại - siêu thị với quy mô từ 5-7 tầng có kết nối với chợ Bắc Mỹ An hiện trạng theo hình thức đấu giá chuyển quyền sử dụng đất. UBND thành phố giao UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức lấy ý kiến người dân, hộ kinh doanh..., báo cáo UBND thành phố trước khi triển khai các bước tiếp theo.
Một số công trình dịch vụ công cộng cũng có chủ trương triển khai như: nâng cấp mở rộng tất cả các bãi tắm công cộng, hệ thống cấp nước ngọt, nhà tắm, bãi đỗ xe, hạ tầng cảnh quan để phục vụ người dân thành phố và du khách từ nguồn kinh phí ngân sách thành phố. Thống nhất chọn địa điểm quy hoạch xây dựng trường THPT tại khu E Khu đô thị Goldenhills.
Chọn địa điểm số 18 Hùng Vương làm nơi xây dựng Trung tâm Xúc tiến đầu tư. Mở rộng nhà Gươl tại các xã Hòa Bắc, Hòa Phú (huyện Hòa Vang). Chọn địa điểm xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có diện tích 1.170.861m2 tại xã Hòa Ninh. Mở rộng Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) có diện tích 1.023m2 về phía đông, khu vực tiếp giáp hồ điều tiết. Lãnh đạo thành phố thống nhất chủ trương quy hoạch đầu tư xây dựng Trung tâm xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) có diện tích 10ha.
Về quy hoạch, thiết kế kiến trúc, lãnh đạo thành phố cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch dự án Nhà máy cấp nước Hòa Liên để phù hợp với dây chuyền công nghệ mới của nhà máy. Điều chỉnh quy hoạch Khu biệt thự sinh thái dự án Công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước theo đúng quy định pháp luật. Chọn địa điểm và thống nhất phương án quy hoạch lập bãi đỗ xe số 6 ven tuyến đường tránh nam Hải Vân, địa điểm tại xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) có diện tích 16.752m2. Việc giao đất được tiến hành qua hình thức đấu giá.
Lãnh đạo thành phố cũng thống nhất chủ trương gia hạn cho Chi nhánh Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam tại Đà Nẵng thuê sử dụng đất từ 30 năm lên 50 năm từ ngày 28-10-1998 với khu đất có diện tích 40.000m2 tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Cho phép Công ty CP Bê-tông Hòa Cầm - Intemex gia hạn thời gian thuê đất thêm 1 năm đối với khu đất 6.243m2 tại phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ.
Về thiết kế kiến trúc, dự án Times Square (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) được điều chỉnh thiết kế đáp ứng phát triển 183 phòng khách sạn và có 2.806m2 diện tích sử dụng các dịch vụ về nhà hàng,bể bơi... Công trình có 2 tầng hầm với 20 tầng nổi, cao 78,65m.
Đối với dự án khách sạn do Công ty TNHH Quản lý và Đầu tư quốc tế làm chủ đầu tư tại khu vực đường 2 Tháng 9 (quận Hải Châu) có quy mô 2 tầng hầm và 24 tầng nổi, có quy mô 180 phòng khách sạn.
Theo báo Công an Đà Nẵng và báo Đà Nẵng