Bão số 10 dự báo đổ bộ vào miền Trung với cấp độ mạnh chưa từng có

7 năm trước

 

 

Cơn bão số 10 được dự báo rất mạnh với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 – cấp chưa từng có.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có buổi họp triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 10 đang hoạt động trên Biển Đông.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có buổi họp triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 10 đang hoạt động trên Biển Đông.

Sáng 13/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có buổi họp bàn với các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 10 đang hoạt động trên Biển Đông.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 4 giờ ngày 13/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc, 117,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 610 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11.

Dự báo đến 4 giờ ngày 14/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 114 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200 km về phía Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 14.

Theo ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 10 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ có xu hướng nhanh dần (17 km trong 24 giờ đầu, 20 km trong vòng 24 - 48 giờ tới, 25 km trong 48 - 72 giờ tiếp theo), bão liên tục mạnh lên, cao nhất cấp 12 - 13, giật cấp 15 trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Nam Hải Nam.

Khi vào Vịnh Bắc Bộ còn khoảng cấp 12, giật cấp 15. Nước biển dâng do bão cao 2 - 3m. Dự kiến từ chiều tối và đêm 15/9, bão đổ bộ vào Nam Định - Quảng Bình, trọng tâm là Nghệ An, Hà Tĩnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4. Trọng tâm mưa lớn ở Thanh Hóa - Quảng Trị (100 - 300 mm), riêng Nghệ An - Quảng Bình, lượng mưa từ 300 - 400 mm từ ngày 15/9 đến hết ngày 16/9.

Dự kiến đường đi của cơn bão. Ảnh: KTTV
Dự kiến đường đi của cơn bão. Ảnh: KTTV

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho rằng, cơn bão số 10 được dự báo rất mạnh với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 – cấp chưa từng có, vì vậy, đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cần có chỉ đạo, quán triệt nhận thức chung cho các đơn vị, địa phương và người dân về quy mô cơn bão. Đồng thời, cần xác định cụ thể khu vực nguy cấp đặc biệt nhằm chuẩn bị sẵn sàng lực lượng ứng phó; tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc các lực lượng ứng phó với bão.

Theo đại diện Bộ đội biên phòng, lực lượng biên phòng các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã cảnh báo cho các phương tiện trong khu vực ảnh hưởng của bão, nắm bắt thông tin về cơn bão nhằm di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Sáng nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã chỉ đạo lực lượng biên phòng từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa thông báo cho ngư dân khu vực nguy hiểm của bão để phòng tránh. Cùng với đó, chỉ đạo biên phòng các tỉnh miền núi phía Bắc khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua và chủ động các phương án, sẵn sàng lực lượng để ứng phó với mưa lũ do bão số 10.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai  nhấn mạnh, với những diễn biến bất thường của thiên tai vừa qua, cùng với việc đổ bộ của hai cơn bão đợt trước, cần hết sức tránh tâm lý chủ quan.

Bộ trưởng đề nghị Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cần bám chặt, tranh thủ dự báo của các trung tâm tiên tiến trên thế giới nhằm đưa ra những đánh giá, dự báo sát thực tiễn. Trong đó, công tác này cần được thường xuyên và chính xác nhất; phối hợp với cơ quan truyền thông nhằm thông tin đến người dân và xã hội biết về diễn biến tình hình cơn bão.

Về công tác chỉ đạo ứng phó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu cần khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ. Lực lượng bộ đội biên phòng, kiểm ngư phối hợp với các địa phương bằng mọi cách kêu gọi tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm; chú ý việc sắp xếp phương tiện khi neo đậu nhằm tránh thiệt hại về người.

Về sản xuất lúa Mùa, nhằm tránh ngập úng, các địa phương từ Thừa Thiên - Huế trở ra cần tập trung thu hoạch, tiêu nước đệm vùng trũng, thấp và chưa gieo trồng vụ Đông ở thời điểm này. Cùng với đó, có các phương án đảm bảo an toàn cho hoạt động nuôi trồng thủy sản ở các lồng, bè; kiểm tra hệ thống hồ thủy lợi, đê điều, sẵn sàng ứng phó với bão.

Theo báo tin tức