CÁC TỈNH MIỀN TRUNG HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP SINH THÁI, BỀNN VỮNG

2 năm trước

Quá trình công nghiệp hóa, bên cạnh những lợi ích về phát triển kinh tế, cũng để lại nhiều lo ngại về ô nhiễm môi trường. Trước vấn đề cấp thiết này, nhiều tỉnh thành miền Trung đã chủ động thay đổi, nhằm phát triển công nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững.

 

Hình thành khu công nghiệp sinh thái

Hiện nay, nhiều tỉnh thành miền Trung đã có định hướng phát triển các khu công nghiệp (KCN) mới theo hướng sinh thái, bền vững. Việc xây dựng các KCN sinh thái được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) mở Chu Lai và các KCN tỉnh Quảng Nam, trong thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng các KCN mới theo hướng phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN hỗ trợ đạt mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài.

Theo đó, hiện một số KCN đã được cấp phép, đang trong giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng như KCN Tam Anh An An Hòa, KCN Tam Anh 1... Đây là những KCN mới, có tiềm năng và điều kiện để định hướng phát triển thành các KCN sinh thái hoặc KCN hỗ trợ.

Với định hướng này, tỉnh Quảng Nam sẽ xác định và đặt ra các tiêu chí ngay từ đầu để có sự lựa chọn và bố trí các dự án thứ cấp hợp lý, thu hút đầu tư theo hướng bền vững, lâu dài, vừa phát triển sản xuất kinh doanh vừa bảo vệ môi trường sống của cộng đồng xung quanh.  

ANH-BAI-4-KCN-DA-NANG

KCN Hòa Khánh đã được Bộ KH&ĐT lựa chọn cùng các KCN Khánh Phú (Ninh Bình) và Trà Nóc 1, 2 (Cần Thơ) để xây dựng mô hình KCN sinh thái thí điểm tại Việt Nam. Ảnh: Thành Vân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, đối với các KCN mới, tỉnh sẽ định hướng phát triển theo hướng sinh thái, bảo vệ môi trường. Những KCN đã hiện hữu, tỉnh sẽ hướng các KCN này theo hướng đảm bảo môi trường, trồng nhiều cây xanh và giảm bê tông.

"Đối với thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, tỉnh Quảng Nam ưu tiên thu hút các doanh nghiệp không ảnh hưởng đến môi trường, công nghiệp cơ khí, dược liệu và công nghệ cao trong thời gian tới", ông Bửu nói.

Tương tự, tại Đà Nẵng, theo lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng được 2 – 3 KCN đạt tiêu chuẩn KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia; mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất so với GRDP đạt mức giảm 1 – 1,5%/năm; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP đạt 30%; xây dựng được 2 nhà máy tái chế, compost; tạo ra việc làm cho 3.200 – 3.500 người/năm từ các hoạt động dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn…

Từ sau năm 2030, kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng chủ đạo; nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, mục tiêu đến cuối năm 2045 thành phố cơ bản đạt được các tiêu chí của một thành phố tuần hoàn.

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, ở Việt Nam nói chung, TP. Đà Nẵng nói riêng, hoạt động kinh tế từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa trên cách tiếp cận truyền thống, đó là kinh tế tuyến tính. Hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu thô, bán, sử dụng (tiêu dùng) và sau đó hầu hết được thải bỏ như phế thải. Đồng thời, nhiều các sản phẩm tiêu dùng không được sử dụng hết vòng đời của chúng và một số được mua chỉ để sử dụng một lần, gây áp lực lên môi trường. 

Qua đánh giá hiện trạng và phân tích các cơ hội, thách thức để phát triển kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng cho thấy việc chuyển đổi và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho thành phố là cần thiết. Từ đó, Đà Nẵng triển khai Nghiên cứu xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố.

anh-5-UAC

Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine do Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC) của Mỹ đầu tư tại Đà Nẵng. Ảnh: Thành Vân.

Sản xuất công nghiệp xanh

Có thể nói, xu hướng phát triển công nghiệp bền vững hay công nghiệp xanh đang trở nên rõ nét hơn bao giờ hết. Đây là xu hướng phát triển tất yếu giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Thanh Phúc, Tổng Giám đốc Nhà máy Bia Heineken Đà Nẵng, việc tiêu dùng năng lượng tiết kiệm hiệu quả là một trong những nhân tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững của năng lượng nói chung, và sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp nói riêng. Trong đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả là một trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững của mỗi công ty. Nếu sử dụng năng lượng lãng phí sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp.

"Thực tế trong nhiều năm qua Heineken Việt Nam đã triển khai và qua nghiên cứu của nhiều tổ chức, doanh nghiệp uy tín quốc tế nghiên cứu về an ninh năng lượng đã khẳng định việc đầu tư hiệu quả một đồng vốn cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả sẽ mang lại lợi ích tương đương đầu tư 3 – 4 đồng để được cung cấp tiêu thụ năng lượng", ông Phúc chia sẻ.

Trong khi đó, với định hướng phát triển công nghiệp bền vững gắn với đô thị thông minh, Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định đã phát động phong trào thi đua bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp có trụ sở đóng tại các KCN trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, từ ngày 1/3/2021 đến 28/2/2022, Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định đã tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về công tác bảo vệ môi trường và lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng môi trường (gồm: nước thải, khí thải, không khí xung quanh) tại mặt bằng 158 doanh nghiệp.

Kết quả, Ban Quản lý KKT Bình Định công nhận 135 doanh nghiệp thực hiện xuất sắc, tốt, đạt yêu cầu công tác bảo vệ môi trường năm 2021. Cụ thể: 20 doanh nghiệp được xếp hạng màu xanh lá cây, trong đó có 16 doanh nghiệp đạt danh hiệu doanh nghiệp xanh năm 2020 được tiếp tục công nhận trong năm 2021; 43 doanh nghiệp xếp hạng màu xanh dương; 72 doanh nghiệp thực hiện đạt yêu cầu về công tác bảo vệ môi trường.  

Theo Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định, nhằm đưa công tác bảo vệ môi trường tại KKT Nhơn Hội và các KCN đi vào nề nếp, trên cơ sở những quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đơn vị sẽ phối hợp với các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương thực hiện tổ chức Hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật cho các doanh nghiệp; tích cực kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện khắc phục các tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là các doanh nghiệp thực hiện chưa đạt yêu cầu về công tác bảo vệ môi trường...

Tại Quảng Ngãi, Sở KH&ĐT Quảng Ngãi cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực từ ngân sách để đầu tư hạ tầng và các khu chức năng để phát triển các khu đô thị động lực, trong đó có những trục giao thông kết nối từ các khu đô thị động lực ra vùng phụ cận, các công trình cấp nước, xử lý nước thải và chất thải tập trung, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho các khu đô thị.

Đặc biệt, Quảng Ngãi sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp và đô thị, đặc biệt là các khu cụm công nghiệp theo hướng bền vững, an toàn… Mặt khác, Quảng Ngãi sẽ phát triển đồng bộ khu vực sản xuất, khu nhà ở, các công trình công cộng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ, tiện ích khép kín, tạo nên hệ sinh thái bền vững, đẩy mạnh tiềm năng phát triển lâu dài của các khu vực động lực.

Nguồn: Thành Vân (Theo nhadautu.vn)