Đất tại dự án làng đại học Đà Nẵng: Siết chặt quản lý

7 năm trước

 

 
 
Một văn phòng bất động sản di dộng ở địa bàn phường Điện Ngọc.Ảnh: HỮU PHÚC
Một văn phòng bất động sản di dộng ở địa bàn phường Điện Ngọc.Ảnh: HỮU PHÚC

Chỉ sau hơn một tháng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chính thức công bố chấm dứt 20 năm quy hoạch treo dự án làng đại học Đà Nẵng, giao dịch thị trường bất động sản (BĐS) trong vùng dự án đã lên “cơn sốt” cao độ. Những biện pháp can thiệp bằng hành chính hiện nay của chính quyền được cho là cần thiết để lành mạnh hóa thị trường đất đai.

Đủ trò môi giới

Con đường 607A, phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) chạy tiếp nối với tuyến Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng), chỉ riêng một đoạn dài gần 2km nhưng sặc sỡ sắc màu các bảng hiệu rao bán đất đai. Những bãi đất trống, khu khai thác dân cư ở khối phố Ngọc Vinh, Câu Hà (phường Điện Ngọc) vắng vẻ ngày nào giờ đã được tận dụng triệt để làm nơi chào đón, môi giới BĐS. Trung tâm môi giới, văn phòng giao dịch đất đai mọc lên như nấm sau mưa trong vùng dự án làng đại học Đà Nẵng.

Ở địa phận Đà Nẵng, giao dịch BĐS có vẻ ở trạng thái bình thường hơn địa phận Quảng Nam, bởi ở đây hạ tầng đã được đầu tư đồng bộ từ trước, ít còn diện tích đất trống. Làng đại học Đà Nẵng theo quy hoạch rộng 300ha, trong đó phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) quy mô 110ha; còn phường Điện Ngọc chiếm đến 190ha, diện tích chủ yếu nằm ở 4 khối phố Ngọc Vinh, Câu Hà, Tứ Hà, Tứ Ngân. Trong vai của người mua đất, chúng tôi được một trung tâm môi giới đất đai di động đóng ở khối phố Ngọc Vinh có tên BĐS Viên Minh tiếp thị: “Một lô đất tầm 200 triệu đồng trở xuống, nếu chung đủ tiền trong ngày là có thể sang tên đổi chủ ngay. Mấy anh tranh thủ mua đi chứ dân buôn ở Hà Nội đổ xô vào mua đẩy giá đất lên kinh khủng lắm. Chỗ chúng em chỉ còn hơn vài chục lô giá cả bình dân. Nếu anh có vài chục triệu đồng vẫn sở hữu được đất nhưng phải thương lượng chấp nhận chịu lãi suất vay của ngân hàng thương mại”. Tôi hỏi: “Đất trong vùng quy hoạch mua sao xây nhà ở được?”. Anh nhân viên môi giới đất lấp lửng: “Thì làm nhà hay làm của để dành là quyền của anh. Nhưng sở hữu được đất ở đây anh sẽ chắc chắn được nhận tiền bồi thường hỗ trợ nếu Nhà nước thu hồi đất, được bố trí đất tái cư ngon lành”.

Tại các trung tâm BĐS trên đường ĐT607A, hay văn phòng dã chiến nằm sâu trong các khu dân cư đang đầu tư dang dở về hạ tầng vẫn rải rác người đến giao dịch. Chỉ cần dừng xe ô tô lại một vị trí ven đường là có người đến chào rao bán đất. Ông Phan Văn Huyến – Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc xác nhận, tuần đầu tiên khi Thủ tướng công bố sẽ hiện thực hóa dự án làng đại học Đà Nẵng, giới kinh doanh BĐS khắp nơi nườm nượp đến khảo sát thu mua đất nhưng thời điểm này đã tạm thời lắng xuống sau khi chính quyền quản lý chặt chẽ hiện trạng và tuyên truyền, vận động người dân không chuyển nhượng, mua bán đất trái quy định. Khảo sát thị trường, đất tại một số dự án đầu tư BĐS ở phường Điện Ngọc giá bình quân 2 – 2,5 triệu đồng/m2, nhưng hơn một tháng nay giá đất tăng cao, dao động 3 – 4 triệu đồng/m2, thậm chí có vị trí tăng gấp 3 lần. Tại phường Điện Ngọc, nhiều dự án kinh doanh BĐS hình thành, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và khi khách hàng mua đều được trao tận tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như dự án ở các khu 1A, 1B, khu số 3, 4, khu phố chợ, khu Thái Dương. Một số dự án còn lại thì dang dở hạ tầng, thậm chí chưa “đàm phán” giải phóng mặt bằng với người dân. Tuy nhiên, giới cò đất cũng bất chấp, tiếp thị rao bán dưới mọi hình thức. Đánh vào tâm lý mua bán đất vùng dự án kiếm lời, trục lợi chính sách bồi thường, hàng loạt văn phòng giao dịch BĐS ra đời, xuất hiện cò đất. Nếu người dân, khách hàng thiếu thông tin về nguồn gốc đất đai, ham rẻ rất dễ bị “sập bẫy”.

Chấn chính kịp thời

Nằm giữa dự án làng đại học Đà Nẵng, khối phố Câu Hà (phường Điện Ngọc) bị ảnh hưởng hơn 40ha. Ông Phạm Công Xiêm – Trưởng khối phố Câu Hà khẳng định, trong vùng dự án đến thời điểm này chỉ có 2 trường hợp hộ dân chuyển nhượng, mua bán đất. Qua 2 tuần nay, chưa có trường hợp nào xây dựng, cơi nới nhà cửa, công trình phụ trái phép. Sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố dự án làng đại học sẽ triển khai, thì cán bộ quản lý đô thị, chính quyền địa phương đã kiểm tra, giám sát thường xuyên nên người dân rất ngại cơi nới công trình trái phép. “Hiện tại thì người dân trong vùng dự án chấp hành đúng pháp luật về đất đai. Riêng các trường hợp xây mới nhà ở gần đây đều không nằm trong diện tích quy hoạch vùng dự án đã công bố” – ông Xiêm nói. Chính quyền phường Điện Ngọc đã thành lập tổ công tác quản lý hiện trạng nên chặn đứng ngay từ đầu các trường hợp lén lút xây dựng công trình để chạy chính sách bồi thường.

Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc Phan Văn Huyến xác nhận có hiện tượng cò đất thổi phồng để kiếm chác. Nhằm siết chặt công tác quản lý hiện trạng, chính quyền đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm bắt thông tin. Trong vùng dự án, tuyệt đối không được buôn bán, chuyển nhượng đất đai. “Chỉ có 2 trường hợp vừa rục rịch xây dựng, cơi nới trái phép, cán bộ đội quy tắc đã phát hiện và lập tức xử lý. Nói chung địa phương quản lý được hiện trạng. Còn “giá ảo” ngoài thị trường là có thật, Nhà nước cũng khó kiểm soát” – ông Huyến nói. Phức tạp ở dự án làng đại học là một số khu vực chưa được cấp phép, chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý có liên quan cũng như đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật vẫn diễn ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng sang tên tràn lan, làm cho giá đất leo thang mỗi ngày. Trong khi đó, Ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc vừa phát đi văn bản gửi đến các chủ đầu tư dự án (chủ yếu đầu tư BĐS) đề nghị thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, nhằm tránh tình trạng các đối tượng lợi dụng làm méo mó thị trường đất đai.

Theo ông Đặng Hoàng Duy, Trưởng ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, để giữ vững môi trường đầu tư ổn định và phát triển bền vững, đơn vị đã yêu cầu các chủ đầu tư dự án thuộc Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc thực hiện kinh doanh, khai thác quỹ đất, mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải đúng theo quy định của pháp luật hiện hành; đất chưa giải phóng mặt bằng thì tuyệt đối không huy động vốn dưới bất cứ hình thức nào.

Nguồn: http://baoquangnam.vn/kinh-te/giao-thong-xay-dung/201704/dat-tai-du-an-lang-dai-hoc-da-nang-siet-chat-quan-ly-732555/