PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ ĐÀ NẴNG THEO CẤU TRÚC ĐA CỰC

1 năm trước

Trong phương án quy hoạch hệ thống đô thị của Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông qua vào ngày 27-12-2022, cấu trúc đô thị được phát triển theo định hướng đa cực.

Thành phố quy hoạch phát triển du lịch theo hướng toàn thành phố trở thành một điểm đến du lịch lớn. Trong ảnh: Khu vực phát triển mạnh về cơ sở dịch vụ, du lịch tại quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.  Ảnh: HOÀNG HIỆP

Thành phố quy hoạch phát triển du lịch theo hướng toàn thành phố trở thành một điểm đến du lịch lớn. TRONG ẢNH: Khu vực phát triển mạnh về cơ sở dịch vụ, du lịch tại quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

3 vùng đô thị đặc trưng, 1 vùng sinh thái

Báo cáo về công tác lập Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại hội đồng thẩm định quy hoạch nói trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho rằng, đối với phương án phát triển không gian đô thị, báo cáo quy hoạch kế thừa khá nhiều nội dung từ Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mặc dù có những nội dung phải điều chỉnh cho phù hợp bối cảnh mới cũng như các quy hoạch ngành của quốc gia, nhưng các quan điểm về phát triển cấu trúc đô thị đa cực với 3 vùng đô thị đặc trưng cùng 1 vùng sinh thái vẫn là những giá trị quan trọng, được tích hợp vào báo cáo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, 3 vùng đô thị đặc trưng, gồm: vùng ven mặt nước ở dọc bờ biển phía đông thành phố và vịnh Đà Nẵng, ven các con sông trong thành phố được kết nối hữu cơ các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Thanh Khê, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, một phần quận Cẩm Lệ và khu vực ven biển kết nối đường bờ biển từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam.

Vùng lõi xanh được kết nối hữu cơ các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và một phần huyện Hòa Vang. Vùng sườn đồi được kết nối hữu cơ giữa các khu vực thuộc huyện Hòa Vang và kết nối với các quận khác. Vùng sinh thái bao gồm: khu vực rừng, núi và đồi phía tây; khu du lịch bán đảo Sơn Trà và huyện Hoàng Sa; các sông và hồ cùng với đường bờ biển dài trong vùng sinh thái.

Thành phố điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm (Thanh Khê và Hải Châu) thành phát triển đa cực và bổ sung 4 cụm việc làm ưu tiên tập trung triển khai để phát triển đô thị đa cực gồm: cụm công nghiệp công nghệ cao; cụm cảng biển và logistics; cụm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cụm đổi mới sáng tạo. Đồng thời, phát triển du lịch theo hướng toàn thành phố trở thành một điểm đến du lịch lớn. Toàn thành phố được tổ chức thành 19 khu đô thị tại 12 phân khu. Hướng phát triển đô thị mới là phát triển về phía tây, tây bắc thành phố...

Đến năm 2030, khu vực đô thị hóa được xác định tại 9 xã của huyện Hòa Vang: Hòa Khương, Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Sơn và một phần xã Hòa Ninh với tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%. Khu vực 6 quận nội đô (Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn) được định hướng tái phát triển theo mô hình đô thị nén, giảm mật độ xây dựng đối với khu vực lõi đô thị trung tâm hiện hữu, nâng cao hệ số sử dụng đất, bổ sung các tiện ích đô thị và tích hợp với hệ thống giao thông công cộng.

Đồng thời, hình thành các công trình kiến trúc mang phong cách hiện đại, ưu tiên phát triển các không gian, công trình, dịch vụ công cộng, tạo sức hấp dẫn về một trung tâm CBD hiện đại (trung tâm kinh doanh, thương mại của thành phố), chất lượng sống cao, thân thiện và đáng sống... Các khu vực đô thị hiện hữu có mật độ dân số thấp hơn khu vực lõi sẽ phát triển với mật độ dân số cao hơn, mật độ xây dựng phù hợp quy chuẩn; hình thành các không gian xanh công cộng trong các khu dân cư; xây dựng hệ thống giao thông tích hợp với mạng lưới giao thông công cộng chung toàn thành phố.

Thành phố định hướng xây dựng hệ thống không gian ngầm tại các công trình công cộng, dịch vụ, nhà cao tầng, nút giao thông trọng điểm, nhà ga, tuyến đường sắt đô thị, kết nối với bãi đỗ xe và hầm giao thông ngầm để tạo thành một không gian ngầm hoàn chỉnh, đa năng...

Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị

Tại cuộc họp thẩm định quy hoạch ngày 27-12-2022 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Minh (Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Bộ Xây dựng) cho hay, theo điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đơn vị tư vấn của Singapore có ý tưởng giãn dân ở khu vực trung tâm thành phố ra các phân khu sườn đồi.

Tuy nhiên, tại Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì thành phố có “nén” thêm ở khu vực trung tâm để tăng hiệu quả sử dụng đất. Việc này sẽ là áp lực, khó khăn cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nên thành phố cần nghiên cứu, bổ sung hạ tầng đô thị sao cho phù hợp.

Theo Sở Xây dựng, trong Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 18-11-2022 của Thành ủy Đà Nẵng triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên (không bao gồm huyện đảo Hoàng Sa) đạt khoảng 32%; tỷ lệ đất giao thông tĩnh so với diện tích đất xây dựng đô thị đạt 3-4%; diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt 9m2/người; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại đô thị đạt tối thiểu 32m2...

Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong nhìn nhận, Chương trình số 22-CTr/TU đặt ra mục tiêu tổng quát xây dựng thành phố Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, thành phố đáng sống, trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố sẽ nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới; đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Nguồn: Hoàng Hiệp (Theo baodanang.vn)