Nhiều doanh nghiệp cam kết ngừng luyện phôi thép

6 năm trước

Thời gian qua, cùng với việc xúc tiến di dời 2 nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc ở Cụm công nghiệp Thanh Vinh, thành phố cũng giao Ban quản lý Các khu công nghiệp (KCN) và chế xuất Đà Nẵng vận động các nhà thép đang hoạt động trong các KCN chấm dứt nấu luyện phôi thép, chuyển đổi ngành nghề theo hướng công nghiệp sạch. Một số nhà máy thép đã chấm dứt nấu luyện, góp phần cải thiện môi trường sinh thái.

Ban quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng yêu cầu Công ty TNHH Đồng Tín có kế hoạch, lộ trình chấm dứt hoạt động nấu luyện thép.
Ban quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng yêu cầu Công ty TNHH Đồng Tín có kế hoạch, lộ trình chấm dứt hoạt động nấu luyện thép.

Ông Phan Văn Đại, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) cho biết, trước đây, trên địa bàn có khoảng 10 nhà máy thép đóng tại KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), tất cả được bố trí ở các trục đường số 6, 9, 9A…, trong đó, có một số nhà máy thép nằm cách khu dân cư 300-500m.

“Khoảng cách gần như vậy nên người dân rất bức xúc với tình trạng ô nhiễm môi trường do khói và bụi thép gây ra khi nấu luyện. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, nhờ công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường của các cơ quan chức năng cũng như sự tích cực của doanh nghiệp trong việc đầu tư các biện pháp khắc phục ô nhiễm, đổi mới công nghệ nên phường không còn nhận được phản ánh bức xúc của người dân về tình trạng này”.

Theo Báo cáo số 163/BC-UBND của UBND thành phố ngày 2-7-2018, để từng bước xây dựng KCN Hòa Khánh thành KCN sinh thái, hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam, Ban quản lý Các KCN và chế xuất Đà Nẵng đã vận động các chủ dự án chuyển đổi loại hình sản xuất, từng bước chấm dứt hoạt động nấu luyện phôi thép, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Đến nay, một số công ty đã chuyển đổi mục tiêu dự án, không còn nấu luyện phôi thép như: Công ty TNHH Châu Thạnh, Xí nghiệp Sản xuất, kinh doanh sắt thép Hòa Hiệp, Doanh nghiệp tư nhân Nam Hải 1, Doanh nghiệp tư nhân Văn Chi (đã đổi tên thành Công ty CP Thép Dana-Nhật); Công ty TNHH MTV Trường Thắng Đạt.

Ban quản lý Các KCN và chế xuất Đà Nẵng cũng yêu cầu 2 cơ sở còn hoạt động lò luyện phôi phép là Công ty TNHH Tấn Hiền và Hợp tác xã Sản xuất Sắt thép Thanh Tín sớm có kế hoạch, lộ trình và nhanh chóng chấm dứt hoạt động nấu luyện thép.

Đối với dự án nhà máy thép của Công ty CP Thép Đà Nẵng tại KCN Liên Chiểu (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), do dự án có quy mô lớn với diện tích sử dụng đất đến 127.795m2, công suất 180.000 tấn/năm, lò hồ quang điện với công suất từ 20-25 tấn/mẻ…, nên Ban quản lý Các KCN và chế xuất Đà Nẵng có văn bản báo cáo, đề xuất UBND thành phố đề nghị công ty xây dựng lộ trình bỏ dây chuyền lò luyện phôi thép hoặc chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

Bên cạnh việc vận động các chủ doanh nghiệp chuyển đổi loại hình sản xuất, chấm dứt nấu luyện phôi thép, Ban quản lý Các KCN và chế xuất Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động nấu luyện phôi thép, xử lý theo quy định của pháp luật nếu các dự án hoạt động gây ô nhiễm môi trường để làm cơ sở đề xuất UBND thành phố yêu cầu chấm dứt hoạt động các lò luyện phôi thép tại KCN.

Mới đây, vào ngày 10-8, Sở Công thương phối hợp với Ban quản lý Các KCN và chế xuất Đà Nẵng làm việc với các doanh nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc và đề xuất hỗ trợ chuyển đổi công năng hoạt động, chấm dứt nấu luyện phôi thép trong các KCN.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP - BAODANANG.VN