ĐÀ NẴNG THÀNH PHỐ CỦA NHỮNG CÂY CẦU

2 năm trước

Cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý, cầu Tiên Sơn, cầu Hòa Xuân, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Cẩm Lệ, cầu Khuê Đông, cầu Cổ Cò, cầu vượt Hòa Cầm, cầu vượt ngã ba Huế... là những cây cầu có vai trò quan trọng trong chuỗi phát triển giao thông của thành phố Đà Nẵng, không chỉ giải quyết bài toán kết nối liên vùng mà còn mang ý nghĩa lớn về kinh tế, văn hóa, lịch sử...

Đà Nẵng và những cây cầu làm nên bản sắc đô thị và kiến trúc độc đáo bên sông Hàn. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Đà Nẵng và những cây cầu làm nên bản sắc đô thị và kiến trúc độc đáo bên sông Hàn. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Biểu tượng của thành phố

Từ cầu Nguyễn Văn Trỗi xây dựng vào năm 1965 được xem là chứng nhân của lịch sử khi chứng kiến bao thăng trầm của thành phố, tới những cây cầu đặt dấu mốc thời kỳ sau chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng như cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng, rồi cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Tiên Sơn, cầu vượt ngã ba Huế, cầu Khuê Đông, cầu Cổ Cò..., Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ “cất cánh” với ước vọng “rồng bay ra biển lớn” như chính biểu tượng thiết kế của cầu Rồng.

Vượt ra khỏi khuôn khổ của một công trình kiến trúc xây dựng thông thường, cầu Sông Hàn hiện nay được coi là một trong những biểu tượng của Đà Nẵng bên cạnh di tích Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, khu du lịch Bà Nà…

Hơn 22 năm kể từ khi khánh thành đến nay, người Đà Nẵng đã có rất nhiều câu chuyện về cầu Sông Hàn huyền thoại này. Đặc biệt, không chỉ với người địa phương, cây cầu này còn thu hút sự chú ý của rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng. Bởi đây là cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công và có thể nói là cây cầu “mở đường” để thành phố xây thêm những chiếc cầu độc đáo khác.

Không chỉ là một trong những điểm tham quan hấp dẫn, cầu Sông Hàn còn là “điểm nhấn” về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố khi hai bờ đông - tây ngay giữa lòng Đà Nẵng được nối nhịp. Hình ảnh cầu Sông Hàn vắt qua sông còn là hiện thân cho sức mạnh đồng thuận, sức mạnh của lòng dân khi trong kinh phí xây dựng (hơn 100 tỷ đồng) có đến 30% do nhân dân đóng góp.

Đà Nẵng và những cây cầu làm nên bản sắc đô thị và kiến trúc độc đáo bên sông Hàn. Ảnh: XUÂN SƠN

Đà Nẵng và những cây cầu làm nên bản sắc đô thị và kiến trúc độc đáo bên sông Hàn. Ảnh: XUÂN SƠN

Ngày 29-3-2000, cầu quay Sông Hàn được khánh thành cũng là lúc những chiếc phà sau nhiều thập kỷ đưa người qua lại sông Hàn hoàn thành sứ mệnh lịch sử khi đôi bờ nối nhịp, tạo cảm xúc vui mừng trong các tầng lớp nhân dân.

Từ đó, thành phố thực sự thay da đổi thịt từng ngày ở vùng đất bên kia sông với hàng loạt công trình, cơ sở hạ tầng mọc lên, bờ đông sông Hàn thay đổi nhanh theo từng ngày. Khu nhà chồ ngày nào đã biến mất thay vào đó là những chung cư, khách sạn cao tầng mọc lên, những con đường thênh thang chạy từ cầu Trần Thị Lý ra tới cầu Thuận Phước, từ bờ sông Hàn ra tới biển... Bờ đông sông Hàn đã được đánh thức bởi một diện mạo mới đang hình thành...

Nhịp cầu phát triển

Thống kê cho thấy, trong 25 năm kể từ ngày chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính, Đà Nẵng có khoảng 20 cây cầu quy mô lớn nhỏ được xây dựng mới, bao gồm cả cầu vượt cạn, vượt sông. Mỗi cây cầu được xây mới mang một đặc trưng lịch sử, văn hóa riêng, lưu dấu ấn về một Đà Nẵng đang trên đà phát triển và hội nhập.

Nhưng có lẽ, dấu ấn đổi thay lớn nhất và trở thành biểu tượng rất riêng cho Đà Nẵng là thương hiệu “Thành phố của những cây cầu”, tạo nên một bức tranh sinh động đầy màu sắc của thành phố bên sông. Kể từ khi đưa vào hoạt động đến nay, những cây cầu đã thể hiện tầm quan trọng đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, giải quyết cơ bản việc đi lại, giao thương.

Đặc biệt từ khi có cầu, các vùng đất “vệ tinh” phía đông, nam, tây và bắc của Đà Nẵng đã đổi thay, từ các làng mạc, ruộng đồng, khu nhà chồ... bây giờ là những khu đô thị, nhà máy, phố phường tấp nập mọc lên, mang tầm vóc một đô thị hiện đại, trẻ trung, năng động.

Những phố mới tại các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang... đang ngày càng sầm uất. Hòa nhịp cùng sự phát triển đất nước, Đà Nẵng đã có thêm nhiều cây cầu mới bắc qua sông Hàn. Một trong số đó là cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 38 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2013).

Cầu Rồng là trục chính của Đà Nẵng theo hướng đông -  tây, là tuyến đường ngắn nhất nối liền sân bay quốc tế Đà Nẵng với các khu du lịch cao cấp ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển và hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị thành phố. Trong khi đó, cầu Trần Thị Lý tạo nên một điểm nhấn kiến trúc độc đáo, nối liền quận Hải Châu với quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn góp phần nâng cao năng lực giao thông ở cửa ngõ phía đông Đà Nẵng.

Đà Nẵng và những cây cầu làm nên bản sắc đô thị và kiến trúc độc đáo bên sông Hàn. Ảnh: XUÂN SƠN

Đà Nẵng và những cây cầu làm nên bản sắc đô thị và kiến trúc độc đáo bên sông Hàn. Ảnh: XUÂN SƠN

KTS Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng nhìn nhận, mỗi cây cầu ở Đà Nẵng bên cạnh chức năng kết nối giao thông đều có những ý nghĩa, giá trị riêng và đều mang đậm dấu ấn về khoa học, kỹ thuật, văn hóa.

Cụ thể, nếu như cầu Sông Hàn đem lại hiệu quả tích cực làm thay đổi bộ mặt Đà Nẵng thì cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Thuận Phước ngoài giảm áp lực giao thông, giúp liên kết với cả khu vực phía đông, các cầu còn có giá trị về mặt mỹ thuật. Đặc biệt là cầu Nguyễn Văn Trỗi được lãnh đạo thành phố giữ lại làm cầu đi bộ mang ý nghĩa lịch sử rất lớn...

Nguồn: Phương Uyên (Theo baodanang.vn)