Cẩn trọng với "tín dụng đen"

6 năm trước

Tại các cột điện, vách tường trên nhiều tuyến đường xuất hiện đầy rẫy mẩu quảng cáo ghi số điện thoại mời chào vay tiền với lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn... Nhiều người túng quẫn, cần tiền đã dính vào chiếc bẫy cho vay nặng lãi, khiến cuộc sống lao đao.

Các mẩu quảng cáo cho vay tiền dán đầy trên các trụ điện.
Các mẩu quảng cáo cho vay tiền dán đầy trên các trụ điện.

Thủ tục vay đơn giản

Theo quan sát tại các mẩu quảng cáo, thủ tục vay “tín dụng đen” khá đơn giản như: giải ngân nhanh, chỉ cần chứng minh nhân dân (CMND), hộ khẩu, hóa đơn tiền điện, nước; có thể vay dài ngày hoặc trả góp cả gốc lẫn lãi theo ngày...

Không chỉ ở khu vực thành thị, chúng tôi ghi nhận tại các ngả đường ở khu vực nông thôn như các xã Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Sơn, Hòa Ninh... (thuộc huyện Hòa Vang), các tờ quảng cáo cho vay tiền cũng được dán khá nhiều trên trụ điện, cột đèn tín hiệu giao thông. Chỉ cần khách có nhu cầu thì sẽ được đáp ứng ngay lập tức.  

Trong vai người cần tiền, chúng tôi liên lạc số điện thoại dán ở đường Nam Trân (quận Liên Chiểu) để vay 10 triệu đồng, được một người đàn ông cho biết thủ tục đơn giản, chỉ cần cho xem CMND hoặc giấy phép lái xe.

Vay 10 triệu đồng trong vòng một tháng, mỗi ngày đóng 500.000 đồng tiền lãi và gốc (tổng cả lãi lẫn gốc 15 triệu đồng). Nếu vay thời gian ngắn, lãi suất sẽ cao hơn; đồng ý thì gặp nhau ở quán cà-phê làm việc, nhận tiền.

Anh H. (trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) cho biết, vừa rồi anh cần 100 triệu đồng để trả cho ngân hàng theo kỳ hạn. Hỏi mượn người quen không được, anh phải vay “tín dụng đen”. Theo cam kết, trong vòng 5 ngày, ngoài tiền gốc 100 triệu đồng, anh phải trả lãi 5 triệu đồng.

“Tôi thấy thủ tục vay đơn giản lắm, họ chỉ cần có CMND, giấy phép lái xe... thì đưa tiền ngay. Biết lãi suất cao nhưng nhiều lúc cần tiền gấp nên phải bấm bụng mà vay”, anh H. nói thêm.

Trường hợp sau khi vay, khách hàng bỏ trốn thì làm sao? Khi chúng tôi thắc mắc, anh Tr. (trú quận Sơn Trà) trước đây cho vay tiền cười nói rằng, trước khi giao tiền, những người cho vay nặng lãi luôn hỏi kỹ số điện thoại, nơi làm việc, địa chỉ thường trú của khách.

Chỉ cần đến ngày trả tiền mà không có thì họ gọi điện “hỏi thăm” ngay. Trường hợp khách chây ỳ hay có ý định quỵt tiền, chủ nợ sẽ đến tận nhà siết đồ, đe dọa người thân hoặc khởi kiện ra tòa án.

Đừng nên dính vào!

“Thôi ông ơi, đừng có dại mà đi vay nóng!”, anh K. - chủ một doanh nghiệp thốt lên như vậy khi nghe chúng tôi tìm hiểu về việc vay nóng. Anh K. kể, thời điểm gần Tết Nguyên đán 2018, anh cần 1 tỷ đồng để thanh toán tiền lương cho công nhân, tiền hàng...

Qua giới thiệu của người quen, anh K. chấp nhận vay nóng 1 tỷ đồng trả theo ngày với mức lãi 10%, nghĩa là mỗi ngày trả lãi 10 triệu đồng. Cũng theo anh K., đó là vay theo ngày, còn vay theo tháng thì mức lãi nhẹ hơn: vay 1 tỷ đồng, trả lãi 100 triệu đồng/tháng.

“Sau lần vay ấy, tôi thất kinh luôn. Vì vậy, mỗi lần nghe bạn bè, người thân dính dáng đến vay nặng lãi, tôi ngăn cản ngay”, anh K. tâm sự.

Chị H. (từng làm nghề cho vay nóng ở địa bàn quận Cẩm Lệ) lý giải, dù biết vay nóng lãi suất cao nhưng nhiều người vẫn lao vào, nguyên nhân do thủ tục vay rất đơn giản, có tiền ngay lập tức. Trong khi đó, khách đi vay ở các ngân hàng thường gặp nhiều thủ tục phức tạp như xác minh mức thu nhập, hộ khẩu... và chờ duyệt hồ sơ qua nhiều tầng nấc.

Từng là chủ cho vay, nhưng chị H. cũng là nạn nhân của hoạt động “tín dụng đen”. Trước đó, chị H. vay nóng của người này, rồi cho người khác vay lại để hưởng chênh lệch. Gặp phải một trường hợp khách vay tiền rồi bỏ đi biệt xứ, ôm theo khoản tiền hơn 5 tỷ đồng, vậy là chị H. phải bán nhà, bán xe để trả nợ. “Sau khi gặp sự cố đó, tôi bỏ nghề luôn. Do nợ nần nên cuộc sống của tôi cũng lao đao”, chị H. than thở.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Đỗ Hùng Cường, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an thành phố Đà Nẵng xác nhận, tình trạng dán quảng cáo, rao vặt hoạt động “tín dụng đen” diễn ra nhiều trên địa bàn thành phố.

Để xử lý tình trạng này, Công an thành phố đã có kế hoạch chuyên đề chỉ đạo các lực lượng vào cuộc nắm tình hình, sàng lọc đối tượng để răn đe, giáo dục, đồng thời có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật. Ngoài ra, theo ông Cường, các địa phương cũng cần tích cực tháo gỡ các tờ rơi quảng cáo để góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi.   

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI