Xử lý ô nhiễm đường vào mỏ đá Hòa Nhơn

8 năm trước

* Doanh nghiệp góp vốn làm đường công vụ

Doanh nghiệp tự tính toán nguồn kinh phí để đóng góp xây đường công vụ, đồng thời hoàn trả mặt bằng đường dân sinh tại thôn Phước Thuận cho dân; đến cuối tháng 10-2016, đóng đường dân sinh thôn Phước Thuận… Đó là một trong những nội dung quan trọng tại cuộc họp triển khai xử lý ô nhiễm tuyến đường vào mỏ đá Hòa Nhơn, do Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì sáng 18-8.

Các doanh nghiệp khai thác đất, đá phải thực hiện nghiêm túc việc hoàn thổ, trồng cây, bảo vệ môi trường...
Các doanh nghiệp khai thác đất, đá phải thực hiện nghiêm túc việc hoàn thổ, trồng cây, bảo vệ môi trường...

Cuối tháng 10 đóng cửa đường dân sinh

Tại khu vực thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) có 12 mỏ khoáng sản đang hoạt động, trong đó có 9 mỏ đá, 3 mỏ đất. Thời gian qua, việc hoạt động khai thác, vận chuyển của các doanh nghiệp đã gây ra nhiều bức xúc cho người dân thôn Phước Thuận. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ bày tỏ bức xúc: “Vừa qua, tôi đi lên hiện trường, chứng kiến đoàn xe tải dài vô tận, dân làm sao chịu nổi. Vì vậy, không để kéo dài tình trạng này và phải làm ngay con đường độc lập (đường công vụ). Mà vấn đề này thì doanh nghiệp phải đóng góp kinh phí”.

Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch xây dựng cùng với chính quyền huyện Hòa Vang đã khảo sát được hai tuyến đường công vụ để các doanh nghiệp vận chuyển vật liệu từ các mỏ đất đá thôn Phước Thuận đi tránh con đường dân sinh; trong đó một đường đi từ các mỏ ra đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan, một đường đi từ các mỏ qua triền núi sau đó ra quốc lộ 14B. Việc triển khai thực hiện hai con đường này, 12 doanh nghiệp có mặt tại cuộc họp rất đồng tình, ủng hộ và sẵn sàng đóng góp.

Nhưng các doanh nghiệp đề nghị phải thiết kế, xây dựng con đường kiên cố, phù hợp với các loại trọng tải, không để đưa vào sử dụng vài tháng đã hư hỏng. Tuy nhiên, theo ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, để mở con đường này lại liên quan đến vấn đề giải tỏa đất đai của người dân và muốn làm nhanh thì cần phải có cơ chế phù hợp. Do đó, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ ủy quyền cho huyện Hòa Vang triển khai đến dân để vận động giao đất; đồng thời lo công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, nhưng phải theo khung chính sách của thành phố.

Liên quan đến vấn đề đóng góp của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu phải tính toán lại vấn đề khối lượng, trữ lượng, thời gian khai thác tại các mỏ để phân chia kinh phí cho công bằng. Bên cạnh đó, giao UBND huyện Hòa Vang làm “tổng chỉ huy”, giao cho một doanh nghiệp đứng ra thực hiện, khi làm đến đâu thì tính toán kinh phí đến đó.

Mỗi con đường phải có bể nước để rửa xe sạch sẽ trước khi ra đường lớn. “Sở Xây dựng trong 10 ngày phải có thiết kế và phải thiết kế tốt. Khi doanh nghiệp hết khai thác rồi thì đường đó dành cho nhân dân hưởng vì họ đã chịu đựng nhiều”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói và ra tối hậu thư: “Đến 30-10-2016, phải đóng cửa đường dân sinh chạy qua thôn Phước Thuận, chỉ cho những loại phương tiện chở vật liệu dân sinh vào con đường này. Đồng thời sửa chữa và trao trả lại con đường dân sinh cho dân. Sau khi có hai con đường công vụ mới, phải lắp đặt biển báo giới hạn tốc độ để giảm tai nạn giao thông…”.

Các doanh nghiệp khai thác đất, đá đồng ý đóng góp làm đường dân sinh vào thôn Phước Thuận. Ảnh: NGỌC PHÚ
Các doanh nghiệp khai thác đất, đá đồng ý đóng góp làm đường dân sinh vào thôn Phước Thuận. Ảnh: NGỌC PHÚ

“Thành phố văn minh, làm gì cũng phải văn minh”

Thành phố Đà Nẵng phát triển thì cần sự đóng góp của các doanh nghiệp khai thác, vận chuyển vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, những năm qua, sự phiền toái của các doanh nghiệp gây ra là không thể kể hết. Đó là tai nạn giao thông, phóng nhanh vượt ẩu, đất đá rơi vãi, lấn làn, lấn lề của các xe ben, ô nhiễm môi trường. Vì vậy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ lưu ý với các doanh nghiệp: “Làm gì thì làm chứ đừng để về biển thì tắm sạch sẽ vậy, nhưng mà lên phía đường Cách mạng Tháng Tám, quốc lộ 14B hay các mỏ đất đá thì thấy kinh hoàng. Vì vậy, xây dựng một đô thị văn minh như Đà Nẵng thì làm gì cũng phải văn minh”.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu từ đây các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở xã Hòa Nhơn nói riêng, trên địa bàn thành phố nói chung cần phải tuân thủ chặt chẽ quy định khai thác; khai thác theo giấy phép đã được cấp, không lấn chiếm địa giới, cao trình..., tránh tình trạng khai thác xong không hoàn thổ, không trồng rừng tái tạo.

UBND thành phố đang chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại các doanh nghiệp đã khai thác trước đó cũng như các doanh nghiệp đang khai thác để truy thu những phần mà doanh nghiệp “lạm thu” hoặc thiếu trách nhiệm nghĩa vụ với Nhà nước, thậm chí sẽ phạt nặng. Hiện nay nếu cấp phép mới khai thác khoáng sản thì phải lấy ý kiến các ngành, các quận, huyện; trong đó có việc nghiên cứu kỹ khu vực cấp phép có đường vận chuyển, có ảnh hưởng đến dân sinh hay không, hoặc sau khi khai thác xong, doanh nghiệp đó chắc chắn hoàn thổ hay không.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đề nghị các doanh nghiệp phải thực hiện văn hóa giao thông: “Ra đường xe phải chạy đàng hoàng, cam kết chở đúng tải. Doanh nghiệp không tiếp tay cho những loại xe “hổ vồ”, chạy tốc độ cao.

Người tài xế ra đường phải đặt tính mạng con người lên trên hết. Doanh nghiệp khi tuyển dụng lái xe phải lựa chọn kỹ, không tuyển dụng thành phần bất hảo, gây nguy hiểm cho xã hội. Sau khi hai con đường độc lập này thực hiện xong, thành phố sẽ tiếp tục vận động doanh nghiệp đóng góp kinh phí để mua camera giám sát các phương tiện giao thông cũng như tình hình trật tự an toàn xã hội”.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ