Tư vấn Nhật Bản 'hỏi khó' Chủ tịch Đà Nẵng

8 năm trước

Các nhà tư vấn Nhật Bản đã đặt nhiều câu hỏi khó cho Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ trước khi chính thức bắt tay vào việc nghiên cứu dự án phát triển cảng Liên Chiểu mà Đà Nẵng đang rất trông đợi!

Cảng Yokohama là hình mẫu

Như tin đã đưa, sáng 20/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì cuộc họp khởi động việc triển khai nghiên cứu khả thi dự án cảng Liên Chiểu do Công ty Tư vấn cảng Nhật Bản (JPC) và Viện Phát triển khu vực ven biển nước ngoài Nhật Bản (OCDI) phối hợp thực hiện với sự tài trợ của Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI).

Các chuyên gia tư vấn Nhật Bản đặt nhiều câu hỏi với Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ (Ảnh: HC)

Tại đây, ông Huỳnh Đức Thơ cho hay, những thành công của cảng Yokohama (Nhật Bản) đã thúc đẩy Đà Nẵng cố gắng sớm ra đời cảng Liên Chiểu. “Trước đây có vài quan chức ở TƯ bảo Đà Nẵng phát triển du lịch là được rồi chứ đừng làm cảng nữa. Nhưng các vị đó không hiểu cảng là một thành phần rất quan trọng đối với tăng trưởng của TP, trong đó có việc trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ cho ngành dịch vụ, du lịch!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, cảng Yokohama ngoài chức năng phục vụ sản xuất và phân phối hàng hóa còn phục vụ rất tốt cho phát triển du lịch của TP này. Hơn nữa, đây là nơi tạo ra 30% công ăn việc làm cho người dân và đóng góp 30% mức tăng trưởng cho Yokohama. Đó là hình mẫu để Đà Nẵng tập trung xây dựng cảng Liên Chiểu có sức tác động lớn đến sự phát triển kinh tế của TP.

Tuy nhiên các nhà tư vấn Nhật Bản vẫn đặt ra nhiều câu hỏi khá hóc búa đối với Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Theo ông Koichiro Harada, Trưởng đoàn nghiên cứu khả thi dự án phát triển cảng Liên Chiểu, trong 3 vấn đề trọng tâm cho nội dung nghiên cứu đối với cảng Liên Chiểu, đoàn nghiên cứu mong muốn có ý kiến của lãnh đạo Đà Nẵng về chức năng của từng cảng trên địa bàn TP cũng như dự kiến có một hay nhiều nhà khai thác tại cảng Liên Chiểu?

Ông Huỳnh Đức Thơ cho hay đã có nhiều ý kiến đề xuất thu xếp cảng Tiên Sa để trong tương lai chủ yếu đảm nhiệm chức năng cảng du lịch, còn cảng Liên Chiểu sẽ là cảng container và là trung tâm logistic. Ông Huỳnh Đức Thơ đề nghị tư vấn Nhật Bản nghiên cứu thêm về chức năng của cảng Tiên Sa (cảng chính trong cụm cảng Tiên Sa, Thọ Quang) vì giới hạn tổng lượng hàng hóa qua cảng này tối đa chỉ 12 triệu tấn/năm.

“Hệ thống giao thông kết nối cảng Tiên Sa ra QL1 không cho phép tăng công suất cảng Tiên Sa lên cao hơn nữa. Rất khó chấp nhận hàng đoàn xe container chạy xẻ dọc TP để ra QL, rất bất tiện cho sự phát triển của TP. Chúng tôi cũng không thể thiết lập tuyến đường riêng cho cảng Tiên Sa đi qua các nút giao thông mà không giao cắt. Trong quá trình phát triển, TP Yokohama cũng từng gặp những vấn đề giao thông tương tự nên chúng tôi mong muốn đơn vị tư vấn sẽ giúp Đà Nẵng xử lý tốt vấn đề này!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Đà Nẵng có thu xếp được với Chính phủ về vốn ODA?

Về cơ cấu tổ chức cảng Liên Chiểu, ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định sẽ được tiến hành theo hình thức PPP, trong đó sẽ có phần đầu tư của nhà nước cho đê chắn sóng và luồng lạch nhằm tạo ra hạ tầng dùng chung, phần còn lại sẽ do các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư để chia sẻ lợi ích kinh doanh của cảng. Điều quan trọng nhất mở đường cho việc xây dựng cảng Liên Chiểu là phải thu xếp được nguồn vốn ODA để đầu tư cho hai hạng mục chính vừa nêu.

Ông Huỳnh Đức Thơ tự tin trả lời câu hỏi của các chuyên gia tư vấn Nhật Bản (Ảnh: HC)

Đặc biệt, ông Huỳnh Đức thơ bày tỏ hy vọng Chính phủ Nhật Bản sẽ dành khoản ODA từ 150 – 200 triệu USD cho Chính phủ Việt Nam vay và cấp lại cho cảng Liên Chiểu xây dựng hạ tầng dùng chung. Một khi thu xếp được nguồn vốn này thì dự án cảng Liên Chiểu sẽ triển khai rất nhanh. Bên cạnh đó, ông đề nghị đơn vị tư vấn lưu ý về đánh giá tác động môi trường là vấn đề hết sức quan trọng để phát triển cảng Liên Chiểu nhưng vẫn bảo vệ được môi trường tự nhiên xung quanh, đặc biệt là khu vực bờ biển rất đẹp của Đà Nẵng để phát triển du lịch.

Ông Nasakazu Okuno, đại diện Cục Hợp tác phát triển TP Yokohama đặt vấn đề: “Ông Chủ tịch TP vừa nói thông qua Chính phủ Việt Nam vay nguồn vốn ODA của Nhật Bản để rót cho dự án cảng Liên Chiểu. Liệu TP Đà Nẵng có xử lý được vấn đề đó hay không?”. Ông Huỳnh Đức Thơ nêu rõ, chương trình đầu tư cảng Liên Chiểu đã có Nghị quyết của Bộ Chính trị, quyết định của Chính phủ và quy hoạch của Bộ GTVT. Vấn đề còn lại là thu xếp nguồn vốn và Chính phủ Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ vì cảng này không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà còn miền Trung – Tây Nguyên và Hành lang kinh tế Đông – Tây.

Ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ làm việc với Chính phủ để đưa dự án vào danh mục kêu gọi vốn ODA. Còn tất nhiên, đơn vị tư vấn và nhà tài trợ vốn ODA cần nói rõ tầm quan trọng của cảng này để Chính phủ Việt Nam có định hướng đầu tư. Đoàn nghiên cứu và TP Yokohama có trách nhiệm làm việc tốt với Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), còn chúng tôi có trách nhiệm làm việc tốt với Chính phủ Việt Nam để có nguồn vốn cho dự án!”.

Cảng Tiên Sa có trở thành đối thủ cạnh tranh?

Chuyên gia tư vấn Nhật cũng lưu ý, cảng Tiên Sa có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với cảng Liên Chiểu trong tương lai. Chẳng hạn trong trường hợp cảng Tiên Sa làm mọi cách để giảm mức phí vào cảng thì cảng Liên Chiểu mới đầu tư không thể cạnh tranh được để thu hồi vốn.

Ông Huỳnh Đức Thơ trả lời, vấn đề này lãnh đạo Đà Nẵng cũng đã suy nghĩ từ lâu và sẽ có giải pháp để hạn chế tối đa rủi ro cho các nhà đầu tư tư nhân vào khu vực cảng Liên Chiểu. Theo đó, nhà nước có trách nhiệm đầu tư hạ tầng dùng chung như đê chắn sóng, luồng lạch..., các nhà đầu tư chỉ thuê mặt nước và đầu tư hạ tầng bên trong cảng. Chính quyền TP sẽ tính toán giá cho thuê mặt nước phù hợp để nhà đầu tư có khả năng cạnh tranh.

Bên cạnh đó, cảng Tiên Sa chỉ có thể phát triển tới giới hạn 12 triệu tấn/năm vào năm 2020 – 2021 thì không cho tăng thêm nữa vì hệ thống giao thông không đảm bảo. Đà Nẵng sẽ có lộ trình giảm dần công suất để cảng này trở thành cảng du lịch là chính. Thời điểm 2020 – 2021 cũng là lúc bắt đầu xây dựng cảng Liên Chiểu, như vậy là rất phù hợp cho các nhà đầu tư vào cảng Liên Chiểu. Mặt khác, Đà Nẵng cũng nghĩ đến việc nhà đầu tư của cảng Tiên Sa cũng sẽ tham gia làm một trong những nhà đầu tư vào cảng Liên Chiểu.

“Chủ đầu tư cảng Tiên Sa là Công ty CP Cảng Đà Nẵng thì phần vốn nhà nước vẫn chiếm 75%. Chúng tôi sẽ đề nghị Chính phủ thoái phần vốn nhà nước tại đơn vị này, thay thế vào đó là cổ phần của các nhà đầu tư vào cảng Tiên Sa kết hợp đầu tư vào cảng Liên Chiểu để có sự thống nhất trong việc điều hành, điều phối hoạt động của hai cảng vừa đảm bảo tính cạnh tranh, vừa có sự kết hợp hài hòa, chặt chẽ để cùng phát triển!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Các nhà tư vấn Nhật Bản tỏ ra rất hài lòng với những giải thích của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của TP đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu dự án để có thể thu xếp nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản nhằm đáp ứng tiến độ xây dựng cảng Liên Chiểu mà lãnh đạo TP Đà Nẵng đề ra.

Nguồn INFONET