Triển vọng DN bất động sản được dự báo 'không quá bi quan'

8 năm trước

(TBTCO) - Ngành bất động sản là một trong những nhóm ngành ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2016. Theo RongViet Research, doanh thu thuần toàn ngành bất động sản tăng 76% và lợi nhuận sau thuế tăng 119% so với cùng kỳ trong hai quý vừa qua.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Rồng Việt trong báo cáo "RongViet Research", loại trừ VIC, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bất động sản đạt lần lượt 53% và 42% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng chủ yếu do nhiều dự án doanh nghiệp đã bắt đầu bàn giao dự án trong quý I và quý II/2016, phần lớn là các dự án chung cư và nhà phố phân khúc trung bình – thấp.

Một số doanh nghiệp bất động sản có mức tăng trưởng khả quan 6 tháng đầu năm bao gồm: KDH, NLG, TDH, SJS, DXG.

RongViet Research đánh giá, số lượng dự án bàn giao trong những tháng cuối năm 2016 vẫn tiếp tục dồi dào tạo đà tăng trưởng cho những doanh nghiệp nói trên. Đồng thời, dòng vốn FDI mạnh mẽ cũng là cơ sở tốt để các công ty bất động khu công nghiệp có lợi thế về quỹ đất như KBC và LHG duy trì mức tăng trưởng 2 con số về cả doanh thu và lợi nhuận.

Về thị trường nhà ở, theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), 6 tháng đầu năm 2016, tồn kho BĐS cả nước tiếp tục giảm 13.400 tỷ đồng, tức 26% so với cuối năm 2015, còn 37.500 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu cả nước về thanh khoản và nguồn cung mới. Trong khi, quý I cho thấy số lượng giao dịch ổn định thì quý II/2016 là thời điểm thị trường chứng kiến sụt giảm khá mạnh về thanh khoản, đặc biệt là phân khúc cao cấp. Theo CBRE trong quý II, số căn hộ bán thành công tại TP. Hồ Chí Minh giảm 45% và Hà Nội giảm 7,2% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của RongViet Research, sự gia tăng về số lượng dự án cao cấp ở hai thành phố lớn chính là yếu tố tạo ra áp lực lên nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ trên thị trường. Nhiều dự án cao cấp ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã chủ động lùi thời gian mở bán để tránh “cạnh tranh” với các siêu dự án của VIC.

Bên cạnh đó, việc công bố dự thảo Thông tư 06 và lo ngại về việc “siết” cho vay bất động sản cũng ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý người mua nhà trong quý II vừa qua. Tuy nhiên, Thông tư 06 chính thức được ban hành đã lùi thời điểm tăng hệ số cho vay bất động sản và giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sang năm 2017 và giãn lộ trình sang 2018, được kỳ vọng sẽ “cởi bỏ” gánh nặng tâm lý cho chủ đầu tư và người mua nhà từ nay đến cuối năm.

Như vậy, “nhìn chung, triển vọng tiêu thụ 6 tháng cuối năm của các doanh nghiệp bất động sản cũng không quá bi quan”, RongViet Research cho hay./.

D.T