Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đổi mới tư duy phát triển du lịch

8 năm trước

Ngày 9-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch được tổ chức tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam). Tham dự có các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp du lịch trong cả nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải đổi mới tư duy phát triển du lịch, tận dụng mọi điều kiện của người dân và xã hội để phát triển du lịch nhưng vẫn phải giữ được bản sắc văn hóa  Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng tại khu du lịch phố cổ Hội An.            				             Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng tại khu du lịch phố cổ Hội An. Ảnh: TTXVN

Việt Nam giàu tiềm năng nhưng ít khả năng

Đó là đánh giá của quốc tế về du lịch Việt Nam nói chung. Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho thấy, bên cạnh tiềm năng du lịch lớn với 20 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cả nước có 72 di tích  quốc gia đặc biệt, 3.369 di tích quốc gia, hơn 3.000 lễ hội dân gian và hàng ngàn làng nghề truyền thống, thể hiện rõ bản sắc độc đáo của văn hóa Việt Nam,… vẫn còn những hạn chế, yếu kém như xúc tiến quảng bá hạn chế về nguồn lực và hiệu quả, thị trường khách du lịch quốc tế còn thiếu thông tin về du lịch Việt Nam, quy mô, chất lượng và tính chuyên nghiệp chưa cao; thiếu điểm đến du lịch nổi trội, khác biệt để cạnh tranh với các nước trong khu vực; công tác quản lý điểm đến và môi trường du lịch còn nhiều bất cập; nguồn nhân lực du lịch hạn chế về số lượng và chất lượng; công tác xã hội hóa phát triển du lịch chưa được đẩy mạnh...

Các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp xoay quanh các vấn đề nguồn nhân lực, môi trường du lịch, quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, vai trò của các hiệp hội, hội, không phân biệt thị trường khách… Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho rằng, việc phát triển thị trường du lịch trọng điểm rất quan trọng. Có nhiều địa phương xúc tiến du lịch ra nước ngoài nhưng không có trọng điểm, vì vậy cần phân công các địa phương hợp tác giới thiệu điểm đến cho khách quốc tế; sớm ban hành quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; quan tâm hơn nữa việc quản lý, cấp phép cho các hướng dẫn viên, phát triển du lịch cộng đồng mạnh mẽ...

Trong khi đại diện Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho rằng, cần phải quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, thì đại diện Công ty Du lịch Hòa Bình đề xuất phải siết chặt quản lý đối với hoạt động du lịch lữ hành quốc tế. Đồng quan điểm, đại diện Công ty Du lịch Vietravel cho rằng “nếu không có cơ chế quản lý các công ty nước ngoài hoạt động ở Việt Nam hiệu quả thì Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà”.

Tập trung phát triển du lịch bền vững

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, du lịch Việt Nam ngày càng phát triển nhưng nguy cơ tụt hậu cũng rất lớn. Cụ thể, du lịch Việt Nam chỉ đứng thứ 5 trong thu hút khách quốc tế trong khối ASEAN, 70% khách đến Việt Nam không muốn quay trở lại do 7 nỗi sợ về môi trường du lịch gồm: Nạn cướp giật, trộm cắp; chặt chém; kẹt xe và tai nạn giao thông; thái độ phục vụ và trân trọng khách hàng; nhà vệ sinh; ô nhiễm môi trường.

Bảng xếp hạng cạnh tranh về du lịch thế giới năm 2015 vừa công bố, Việt Nam đứng thứ 75/141 nước. Trong khi đó tiềm năng du lịch Việt Nam được xếp rất cao, sức cạnh tranh về giá đứng thứ 22/141, tài nguyên văn hóa 33/141, chỉ số tài nguyên thiên nhiên xếp thứ 40/141 nhưng năng lực cạnh tranh lại rất thấp… Vì vậy, ngành du lịch cần có tính chuyên nghiệp cao, sản phẩm du lịch đa dạng có thương hiệu mang đậm bản sắc dân tộc, có tính cạnh tranh.

Coi đây là cơ hội tái cơ cấu mạnh mẽ ngành du lịch Việt Nam. Phải coi du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ, không nên thiết kế quá nhiều giải pháp dàn trải, tập trung cải thiện hạ tầng về du lịch như giao thông, lưu trú và các vấn đề khác. Cần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, tập trung vấn đề sửa đổi luật về du lịch, thể chế và chính sách mang tính đột phá.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn đã xác định du lịch là trọng điểm phải làm cho nó trọng điểm thực sự. Du lịch là cộng đồng, làm du lịch phải quản lý được môi trường văn minh, văn hóa. Không phải tỉnh nào cũng là du lịch trọng điểm nhưng phải xây dựng nếp sống văn minh ở tất cả các tỉnh. Có 3 chỉ số đo mức độ văn minh của cộng đồng là trật tự (giao thông), giá cả ở chợ được niêm yết, các công trình vệ sinh; mong lãnh đạo các tỉnh, hiệp hội sẽ quyết tâm cùng làm.  

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất với báo cáo của Bộ VH-TT&DL; đồng ý thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch trong tháng 8-2016, đổi mới hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; nâng cao chất lượng các cơ sở, dịch vụ tại địa phương, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tổ chức hoạt động và ứng xử thân thiện tại các sân bay, cửa khẩu; giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ liên quan khẩn trương xây dựng và ban hành khung trình độ nghề quốc gia du lịch, bộ tiêu chuẩn quốc gia về du lịch, thành lập hội đồng nghề du lịch quốc gia. Mở các đường bay mới kết nối Việt Nam tới các thị trường nguồn, tăng cường tần suất các đường bay sẵn...

Với kinh phí 200 tỷ đồng, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì triển khai cấp thị thực điện tử đảm bảo đưa vào sử dụng từ ngày 1-1-2017, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục nhập cảnh. Đến năm 2020, du lịch Việt Nam sẽ có ít nhất 15 triệu khách quốc tế đến Việt Nam và 75 triệu khách nội địa; đóng góp 10-12% GDP, ít nhất 20 tỷ USD xuất khẩu tại chỗ của ngành du lịch. Đẩy mạnh xã hội hóa về du lịch, doanh nghiệp và người dân là chủ thể, động lực để phát triển du lịch.

Thủ tướng yêu cầu từng doanh nghiệp phải quan tâm đến du lịch nội địa, đối xử với mọi khách như nhau để người dân được hưởng thụ những di sản cha ông để lại; tính toán chặt chẽ để phát triển du lịch bền vững, đặc biệt giữ gìn văn hóa, bảo vệ môi trường, an toàn cho du khách. Thủ tướng nhấn mạnh, phải đổi mới tư duy phát triển du lịch, không để những hình ảnh không hay của Việt Nam trong mắt du khách; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, rà soát lại, quản lý cơ sở lưu trú, các điểm tham quan.

Bộ VH-TT&DL phối hợp với các địa phương quản lý chặt chẽ các dịch vụ, khu điểm du lịch, kiên quyết xử lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và nếu cần thì rút giấy phép hoạt động.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch giai đoạn 2010-2015, khách quốc tế đến tăng trưởng với mức tăng trung bình hằng năm cao hơn so với giai đoạn 2006-2010 (9,48% so với 8,95%), tăng 1,57 lần.

Năm 2015, ngành du lịch đã phục vụ trên 7,94 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 57 triệu lượt khách du lịch nội địa. Trong 7 tháng đầu năm 2016, ngành du lịch đón 5,55 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015, phục vụ 38,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 235.000 tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam hợp tác du lịch với Hà Nội

Sáng 9-8, đại diện lãnh đạo Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Sở Du lịch thành phố Hà Nội ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 tại thành phố Hội An (Quảng Nam).

Hà Nội là trọng điểm du lịch của khu vực phía Bắc; các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam là những địa phương có thế mạnh về du lịch của miền Trung. Sự kết nối tiềm năng du lịch di sản, du lịch làng nghề của Hà Nội với các thế mạnh di sản của các địa phương miền Trung sẽ tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh với các tour, tuyến du lịch trong cả nước và quốc tế, hình thành sản phẩm du lịch thu hút khách quốc tế.

Sự hợp tác của bốn tỉnh, thành phố nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ quản lý lữ hành, vận chuyển, lưu trú, xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch mới. Ngành du lịch của bốn địa phương sẽ phối hợp tuyên truyền, quảng bá, mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước với các nội dung cụ thể, gắn với nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường.

Bên cạnh đó, bốn tỉnh, thành phố nói trên còn hợp tác, hình thành các tour đón khách du lịch trong và ngoài nước theo tinh thần “Bốn địa phương - một điểm đến”, chú trọng kết nối ba bên giữa các nhà quản lý với các doanh nghiệp, lữ hành, lưu trú, vận chuyển và các khu điểm du lịch của bốn địa phương. Trong đó, Hà Nội có vai trò là trung tâm kết nối các tour, tuyến du lịch quốc tế và các tour, tuyến trong nước đảm bảo chất lượng có sức cạnh tranh để đưa khách đến với Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.

THU HÀ