Quản lý chặt chất lượng an toàn thực phẩm

8 năm trước

Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quận Ngũ Hành Sơn thành lập tháng 5-2016, đến nay công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng VSATTP trên địa bàn phát huy hiệu quả ban đầu. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục trong thời gian đến.

Kinh doanh ăn uống trên vỉa hè khó kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Kinh doanh ăn uống trên vỉa hè khó kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tăng cường kiểm tra phát hiện vi phạm

Ông Phạm Cảnh, thành viên thường trực BCĐ liên ngành ATVSTP kiêm Trưởng phòng Y tế quận Ngũ Hành Sơn cho biết, công tác tổ chức kiểm tra, thanh tra về ATVSTP được làm thường xuyên, liên tục và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về chất lượng ATVSTP.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng lập biên bản xử lý, xử phạt hơn 20 cơ sở vi phạm về ATTP với tổng số tiền hơn 14 triệu đồng; thu hồi, tiêu hủy nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATVSTP… Tuy nhiên, công tác bảo đảm chất lượng ATVSTP vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trên địa bàn quận có tới cả ngàn điểm kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ nên vấn đề về quản lý Nhà nước, quản lý cơ sở để cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh rất khó.

Theo bà Hồ Thị Thanh Thúy, Trưởng phòng Kinh tế quận Ngũ Hành Sơn, cái khó trong kiểm soát ATVSTP là các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn. Thời gian qua, Phòng Kinh tế phối hợp với các đơn vị liên quan “đột kích” các điểm giết mổ gia súc, gia cầm không đúng quy định, phát hiện và xử phạt 5 điểm giết mổ “chui” với số tiền gần 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vẫn chưa được xóa bỏ triệt để và đưa vào các điểm giết mổ tập trung. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, kiểm soát các hộ trồng rau trên địa bàn quận cũng gặp nhiều khó khăn nhằm bảo đảm VSATTP. Mặc dù phòng thường xuyên kiểm tra các hộ trồng rau, yêu cầu không được phun thuốc sinh trưởng có nguy cơ cao gây độc hại trực tiếp đối với người tiêu dùng, tuy nhiên, để phân biệt được đâu là rau sạch, đâu là rau phun thuốc sinh trưởng quả là rất khó vì không có phương tiện, máy móc kiểm nghiệm.

Vẫn còn những hạn chế

Theo nhận định của BCĐ ATVSTP quận Ngũ Hành Sơn, cái khó là nhận thức của một số cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng về vấn đề này còn hạn chế. Thực tế kiểm tra cho thấy, một số tổ chức, cá nhân vì chạy theo lợi nhuận nên vẫn đưa ra thị trường các loại thực phẩm không đảm bảo ATVSTP; cố ý sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, chất phụ gia có nguồn gốc không rõ ràng làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Nguyên nhân của những hạn chế nói trên chủ yếu là do một số đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý chất lượng ATVSTP; hình thức và mức độ xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; nhận thức về chất lượng ATVSTP của người dân còn hạn chế. Quận cũng chưa có phương tiện, hệ thống kiểm nghiệm chuyên ngành về thực phẩm…

Để quản lý tốt ATVSTP, ông Phạm Cảnh cho rằng, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quản lý chất lượng ATVSTP; nâng cao ý thức cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng. Qua đó, người dân được tiếp cận nhiều thông tin, làm thay đổi tư duy đối với người sản xuất và người tiêu dùng, để ATVSTP thực sự trở thành tiêu chí về nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm uy tín của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Ngoài ra, các cấp, các ngành liên quan cần tổ chức kiểm tra, thanh tra thường xuyên, liên tục và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về quản lý chất lượng ATVSTP, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng; đồng thời cảnh báo người dân về những nguy cơ ngộ độc thực phẩm... Cần công khai thông tin cho người dân biết để “tẩy chay” các cơ sở sản xuất không bảo đảm ATVSTP.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

Nguồn BÁO ĐÀ NẴNG