Ô tô Trường Hải 'phiêu lưu' với bất động sản

8 năm trước

Vay ngắn hạn với số nợ “khủng” 14.995 tỷ đồng nhưng CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) vẫn “đổ” hàng ngàn tỷ đồng vào bất động sản. Đây được xem cơ hội hay rủi ro vẫn còn chờ trả lời ở phía sau hành trình phát triển của doanh nghiệp này.

 4

Phối cảnh khu đô thị Sala của Đại Quang Minh.

Lãi - nợ song hành vẫn mạnh dạn đầu tư bất động sản

Thaco đang có những ngày tháng vinh quang khi các báo cáo tài chính trong những năm qua liên tục phô diễn kết quả kinh doanh ấn tượng của công ty.

Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 đã ghi nhận mức doanh thu tăng gấp đôi so với năm 2014, đạt 41.532 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7.037 tỷ đồng và tổng tài sản cán mốc 30.810 tỷ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng 2016 của Thaco cũng cực kỳ ấn tượng. Theo đó, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 26.999 tỷ đồng, tăng 9.194 tỷ đồng so với cùng kỳ 2015. Lũy kế 6 tháng, Thaco đạt 3.682 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 532 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, điểm sáng về lợi nhuận thì trong báo cáo tài chính của Thaco cũng có một điểm chú ý đó là nợ phải trả của doanh nghiệp này trong kỳ cũng ở mức khoảng 21.618 tỷ đồng, tăng gần 5.418 tỷ đồng so với cuối năm 2015. Trong đó, nợ ngắn hạn là gần 21.249 tỷ đồng. Thaco đạt có 14.995 tỷ đồng vay ngắn hạn, 349 tỷ đồng vay dài hạn.

Vốn chủ sở hữu của Thaco tăng gần 4.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm, từ mức 14.609 tỷ đồng tăng lên trên 18.424 tỷ đồng. Tính đến hết 30/6, Thaco có tổng tài sản ở mức trên 40.042 tỷ đồng, tăng hơn 9.232 tỷ đồng so với cuối 2015.

Báo cáo tài chính lần này cũng ghi nhận động thái mua thêm ít nhất 5% cổ phần tại CTCP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh - doanh nghiệp đang phát triển dự án khu đô thị Sala tại TP.HCM - cho thấy động thái mở rộng sang lĩnh vực bất động sản của doanh nghiệp này.

Trong nửa đầu năm 2016, Thaco tiếp tục chứng tỏ tham vọng theo đuổi đầu tư bất động sản của mình khi chi 945 tỷ đồng mua thêm 5% cổ phần tại Đại Quang Minh để nâng mức sở hữu lên 50%.

Đặc biệt, ngày 29/6, thông báo của Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cho thấy tỷ lệ sở hữu của Thaco tại Đại Quang Minh đã tăng vọt lên mức 90%. Hai cổ đông còn lại là CTCP Đầu tư Mai Linh đã thoái hết 37,5% vốn, còn ông Trần Đăng Khoa giảm tỷ lệ sở hữu chỉ còn vỏn vẹn 5%.

Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, Thaco đã “thâu tóm” Đại Quang Minh từ hai “đồng chí cũ” để toàn quyền quyết định dự án Sala. Có điều, thương vụ này giá trị bao nhiêu thì vẫn chưa được công bố cụ thể.

Chưa rõ con số cụ thể là bao nhiêu nhưng hiện tại, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco Trần Bá Dương đã ngồi lên ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại Quang Minh thay cho ông Trần Đăng Khoa. Và từ nay, Thaco sẽ không cần phải “bàn bạc” với ai trong việc điều hành các dự án, không chỉ là Sala mà còn một loạt dự án khác của công ty này tại Thủ Thiêm.

Rủi ro hay cơ hội

5

Thành công ở lĩnh vực ô tô, Thaco mạnh dạn lấn sâu vào bất động sản.

Theo nhận định của các chuyên gia, “cơn sốt” bất động sản thời gian gần đây thực sự có nhiều hấp lực thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Song đầu tư vào lĩnh vực này thường không dễ để đạt được thành công ngay lập tức.

Nhiều doanh nghiệp nhảy vào cuộc đua trước mắt sẽ khiến thị trường bất động sản trở nên sôi động nhưng nếu nhìn xa hơn, điều này đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng gay gắt. Càng nhiều lựa chọn, tiêu chuẩn của người tiêu dùng ngày càng khắt khe và doanh nghiệp sẽ phải không ngừng sáng tạo, đổi mới, đáp ứng. Chính vì những yếu tố này những công ty được cho là “lính mới” trong ngành sẽ gặp nhiều rủi ro. Và minh chứng rất nhiều doanh nghiệp lớn đã “ngã ngựa” vì bất động sản.

Bên cạnh nhiều nghi ngại thì có ý kiến cho rằng đây là nước cờ đi trước đón đầu đầy chiến lược của nhà lãnh đạo Thaco. Bởi lẽ năm 2018, sẽ là thời khắc quan trọng của ngành ô tô Việt Nam, vì theo Hiệp định Thương mại tự do nội khối ASEAN, thuế nhập khẩu ô tô vào Việt nam sẽ chỉ còn 0%, tức chiếc ô bảo vệ mang tên “hàng rào thuế quan” sẽ không còn tác dụng. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) một khi có hiệu lực cũng có thể mang đến những thay đổi căn bản về cấu trúc ngành, nhất là từ các quốc gia có thế mạnh về xe hơi như Nhật và Mỹ. Và sự tấn công dòng xe đến từ Thái Lan, Ấn Độ.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ ngoại bởi hạn chế về vấn đề công nghệ. Chính vì thế các doanh nghiệp ô tô của Việt Nam sẽ trong cuộc chiến khốc liệt hơn. Và dường như, chọn bất động sản từ bây giờ là do ông Dương đã cảm nhận mối nguy này từ khá lâu và “canh bạc bất động sản” đang là cuộc chơi “hậu kỳ” của ông.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco Trần Bá Dương cũng từng chia sẻ về việc lấn sân sang bất động sản: “Xe hơi vẫn là chủ đạo nhưng phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành là định hướng của chúng tôi trong lộ trình hội nhập khu vực ASEAN. Thực tế đã chứng minh, phát triển đa ngành là xu hướng tất yếu của các tập đoàn lớn trong khu vực và trên thế giới. Khi ngành nghề cốt lõi đã lớn mạnh, đã có thể làm trụ cột và tích lũy được tài chính, kinh nghiệm thì họ đều vươn tay sang các lĩnh vực khác. Chúng tôi cũng không ngoại lệ”.

Nhưng cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra khi Thaco bắt đầu mở rộng đa ngành. Liệu năng lực quản trị của công ty có thể đáp ứng cho sự “phân thân” vào cả 2 lĩnh vực khó là ô tô và bất động sản, trong khi bất động sản chưa phải là thế mạnh? Ông Dương sẽ đối mặt những áp lực về tài chính khi lấn sân sang lĩnh vực địa ốc ra sao? Và ông đã có những chiến lược dự phòng rủi ro nào khi tham gia vào địa ốc vốn được xem là một ngành nhạy cảm, nhiều rủi ro từ chính sách?

Những câu hỏi này cần thời gian chứng minh. Nhưng trước mắt, đặt trong bối cảnh ngành ô tô gặp nhiều thách thức cạnh tranh, cuộc phiêu lưu mới của doanh nhân Trần Bá Dương có thể cũng là một phép thử.

Mai Trinh

NTD So 68 (266)_Page_14