Ô nhiễm bãi biển từ các cống xả

8 năm trước

Anh T.V (người sống gần khu vực bãi biển Mỹ Khê) phản ánh: “Trong hai năm trở lại đây, tôi cảm thấy rất mừng vì bãi biển càng ngày càng sạch, rác không còn xuất hiện trên bãi biển. Tuy nhiên, trên bờ thì nhìn sạch sẽ, nhưng dưới nước thì lại khác, đó là nước biển khá bẩn, khi tắm xong thường xuyên xuất hiện tình trạng ngứa, mẩn đỏ.

Nếu như dạo trước, khi đi tắm biển vào buổi sáng có thể nhìn thấy nước trong, cát trắng thì nay dưới lòng biển khá bẩn, xuất hiện rong rêu”. Về nguyên nhân, theo anh V. là bắt nguồn từ các cống thoát nước. “Chưa bàn đến việc nước thải có được xử lý trước khi được thải ra môi trường hay không, chỉ riêng việc xả thải này là rất mất mỹ quan. Nên chăng thành phố có giải pháp để cải thiện”, anh V. mong muốn.

Những lúc trời mưa hoặc giờ cao điểm, cửa xả sát bãi tắm Sao Biển bị tràn, chảy thẳng ra biển khiến người dân, du khách bức xúc.  				               Ảnh: NGỌC PHÚ
Những lúc trời mưa hoặc giờ cao điểm, cửa xả sát bãi tắm Sao Biển bị tràn, chảy thẳng ra biển khiến người dân, du khách bức xúc. Ảnh: NGỌC PHÚ

Một du khách Hà Nội tắm ở khu vực bãi tắm Sao Biển cũng từng bức xúc phản ánh: “Nhiều lúc tắm, nước từ cống chảy ra nhìn rất bẩn. Bãi biển Đà Nẵng rất sạch, nếu để nước thải làm bẩn biển thì thật đáng tiếc”. Trong khi đó, một đại diện quản lý bãi tắm Sao Biển cho biết: “Mỗi lần có mưa, dòng nước đen ngòm chảy tràn lan trên mặt cát từ cống thoát nước thải rồi đổ ra bãi tắm ngay trước mắt du khách. Kèm theo dòng nước đen là mùi hôi thối bốc lên nồng nặc”...

Về thực trạng này, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, dọc tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa và Võ Nguyên Giáp có 16 cửa xả ra biển. Đa phần hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố nói chung, các cống xả nói riêng đang gộp chung, vừa thoát nước thải, vừa thoát nước mưa. Theo đó, khi trời mưa hoặc nước thải quá nhiều sẽ chảy tràn ra cống xả.

 Hơn nữa, hiện nay, hệ thống bơm nước thải trên các tuyến đường này quá cũ, bởi các bơm được vận hành đã hơn 10 năm. Trong ba cống xả thuộc “điểm nóng” như cống xả biển Mỹ Khê, gần bãi tắm Sao Biển và cống xả Furama đã được Công ty Thoát nước và xử lý nước thải sửa chữa, nâng cấp máy bơm nhiều lần, nhưng cũng chỉ giải quyết được nhất thời, đến giờ cao điểm nước thải sẽ vượt ngưỡng, tràn qua cống xả chảy thẳng ra biển.

Để giải quyết vấn đề này, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng dùng giải pháp tạm thời là gạt lại cát để tạo cảnh quan, phun hóa chất khử mùi tại một số vị trí; đồng thời áp dụng hệ thống van lật để giữ nước thải, ngăn mùi bay ra. Ngoài ra, thành phố đồng ý cho thay mới ba trạm bơm nói trên, cuối năm nay sẽ đưa vào vận hành.

Tuy nhiên, theo ông Mai Mã, để khắc phục tình trạng này, thành phố đang nghiên cứu đầu tư làm hệ thống cống bao ven đường Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, đường kính 1,8m, khoan kích ngầm để thu gom nước thải các cửa xả. “Mùa mưa sẽ thu gom từ những trận mưa đầu (lượng mưa khoảng 5mm) sau đó bơm về trạm vừa dự trữ vừa xử lý. Còn khi mưa lớn, có độ hòa tan tương đối thì vẫn cho ra biển. Riêng đối với mùa hè thì sẽ thu gom hết”, ông Mai Mã chia sẻ…

NGỌC PHÚ