NHIỀU DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO LOGISTICS MIỀN TRUNG

1 năm trước

Với những lợi thế đang sở hữu, các địa phương tại khu vực miền Trung đang thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh logictics.

 

Nhiều doanh nghiệp tham gia

Mới đây, tại Quảng Ngãi, Sembcorp Industries đã chính thức khởi công dự án nhà kho vận Sembcorp Logistics Park Quảng Ngãi - đây là nhà kho xây sẵn hiện đại đầu tiên tại miền Trung. Dự án Sembcorp Logistics Park Quảng Ngãi có quy mô ba khối nhà kho đơn tầng hiện đại với tổng diện tích đất là 6ha và tổng diện tích sàn là 35.500m2. Quá trình thi công dự kiến sẽ hoàn thiện vào quý 4/2023.

Ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi đánh giá, dự án Sembcorp Logistics Park Quảng Ngãi khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra triển vọng mới cho việc phát triển lĩnh vực logistics tại Khu kinh tế Dung Quất nói riêng và trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nói chung. Thông qua đó, sẽ tạo ra chuỗi cung ứng hàng hóa có thể diễn ra dễ dàng tới những  trung tâm logistic lân cận, đặc biệt là Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tương tự, tại Đà Nẵng, hồi tháng 6, CTCP Dana Logistics đã khởi công dự án Nhà xưởng cho thuê Dana Logistics tại đường 10B Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng. Dự án có diện tích 4,5ha với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng. Trong đó, dự án hoàn thiện hệ thống văn phòng, nhà xưởng cho thuê trên diện tích 26.600 m2, cùng trang thiết bị hiện đại...

Dự án dự án Nhà xưởng cho thuê Dana logistics được kỳ vọng sẽ góp phần vào việc triển khai hiệu quả định hướng phát triển ngành logistics của Đà Nẵng, góp phần tăng trưởng kinh tế và hướng đến hình thành chuỗi cung ứng logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng.

cang-chu-lai

Cảng Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) sẽ được đầu tư, nâng cấp trong thời gian tới. Ảnh: Thành Vân.

Theo kế hoạch đến năm 2050, trên địa bàn TP. Đà Nẵng xây dựng một trung tâm logistics cấp vùng và cấp tỉnh với Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Trung tâm logistics Hòa Nhơn, Trung tâm logistics ga hàng hóa Kim Liên mới, Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Trung tâm logistics Khu công nghệ cao cùng các trung tâm logistics nhỏ lẻ và các kho bãi khác. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực logistics của thành phố trong thời gian đến.

Đặc biệt tại cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, cảng Liên Chiểu hợp phần dùng chung sẽ được thành phố khởi công vào ngày 14/12. Song song với đó là hợp phần kêu gọi đầu tư tư nhân cho 2 bến container đầu tiên cũng sẽ được thực hiện. Dự kiến, trong năm 2023 sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

"Hiện nay đang có 2 nhà đầu tư lớn ở nước ngoài đang quan tâm đó là Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Tập đoàn Adani (Ấn Độ). Họ rất quan tâm, chỉ cần thành phố tổ chức đấu thầu thì họ sẽ tham gia", bà Phương cho hay.

Hay tại Quảng Nam, trong chuyến khảo sát vào tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cảng Chu Lai có thể trở thành cảng trung chuyển quan trọng cho các tỉnh Tây Nguyên, một phần cho Lào và yêu cầu THACO bằng hình thức PPP, xúc tiến mở rộng cảng để đón được tàu lớn. Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay, cảng Chu Lai đầu tư xây dựng bến cảng đón tàu tải trọng đến 5 vạn tấn, bao gồm bến cảng hiện hữu và bến cảng mở rộng.

Hoạt động sản xuất đang chuyển dịch về miền Trung

Đánh giá về tiềm năng logistics ở miền Trung, ông Charles Chong, Giám đốc Sembcorp tại Việt Nam cho biết, hoạt động sản xuất đang ngày càng có xu hướng chuyển dịch về khu vực miền Trung, kéo theo sự gia tăng trong nguồn cầu về nhà kho xây sẵn và không gian kho vận.Bên cạnh đó, nơi đây đang chứng kiến những cải thiện nổi bật về cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi cung ứng của các đơn vị sản xuất.

"Chúng tôi nhận thấy sự chuyển dịch của các đơn vị sản xuất sang miền Trung và sự gia tăng trong nhu cầu về không gian kho vận. Từ đó, Sembcorp chính thức có mặt tại đây, đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp và cam kết sự phát triển bền vững tại miền Trung", ông Charles Chong nói.

Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Viện Nghiên cứu và Phát triển logictics Việt Nam nhìn nhận, miền Trung có nhiều tiềm năng để phát triển logictics, tạo động lực tăng trưởng GRDP và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, số lượng doanh nghiệp trong vùng còn khá khiêm tốn về số lượng, quy mô và lĩnh vực hoạt động. Hầu hết các doanh nghiệp logictics hiện nay đều có tiềm lực yếu về tài chính, thị trường phục vụ hẹp, thiếu nguồn nhân lực logictics có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm.

Ngoài ra, các hoạt động logictics còn hạn chế, chủ yếu là việc giao, nhận và cho thuê các phương tiện vận tải, khai báo thủ tục hải quan, kho bãi với chất lượng khiêm tốn trong khi đó chi phí phát sinh của những hoạt động này lại cao.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho biết, các địa phương miền Trung cần chú trọng thu hút đầu tư đối với khối tư nhân theo hình thức PPP. Việc kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư trong giai đoạn là cần thiết để phát triển lĩnh vực logictics.

"Huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân sẽ mang lại hiệu quả bởi doanh nghiệp cũng sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm một phần. Cùng với đó là công tác quản trị của doanh nghiệp luôn được triển khai tốt, liền mạch", ông Quang nhận định. 

Nguồn: Thành Vân (Theo nhadautu.vn)