Nhận diện 'Việt Nam biển' trong xu thế 'lấy đại dương nuôi đất liền'

8 năm trước

Trong xu thế thế giới đang “lấy đại dương nuôi đất liền” thì việc nhận diện một “Việt Nam biển” và vị trí quan trọng của nó đối với chiến lược phát triển đất nước chính là một cách nhìn mới và đầy đủ về “chân dung kinh tế” đất nước.

Từng bước nâng cao nhận thức về biển, đảo

Ngày 5/10/2016, tại Thừa Thiên Huế, Bộ TT&TT tổ chức “Hội nghị tập huấn tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa” cho đại diện Sở TT&TT, đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện, phòng văn hóa - thông tin cấp huyện của 14 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.

Ông Đoàn Công Huynh, Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở, Trưởng Ban Tổ chức, phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đoàn Công Huynh, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT nhấn mạnh: "Việt Nam là một quốc gia biển, với tỉ lệ một phần đất hơn ba phần biển. Biển đảo, thềm lục địa có vị trí chiến lược to lớn đối với quốc phòng an ninh và sự phát triển phồn vinh của đất nước. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh thành phố có biển và gần một nửa dân số nước ta sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Vùng biển nước ta có trên 3.000 đảo lớn nhỏ, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

Cũng theo ông Đoàn Công Huynh, những năm qua, công tác tuyên truyền biển, đảo đã góp phần làm cho nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí chiến lược của biển, đảo từng bước được nâng cao.

Hội nghị tập huấn tuyên truyền về biển, đảo lần này tiếp tục cung cấp thông tin về biển, về tiềm năng, lợi thế của biển, các tác động bất lợi từ biển trên các vùng biển Việt Nam và vùng biển quốc tế liền kề cho đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở để thông qua đội ngũ này xây dựng các nội dung thông tin tuyên truyền một cách hiệu quả đến người dân trên cả nước.

Hội nghị cũng sẽ góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức về cơ sở pháp lý, để qua đó nâng cao trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Hội nghị thu hút sự tham gia của các cán bộ thông tin cơ sở ở 14 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung

Biển – không gian sinh tồn của dân tộc Việt

Tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, đã cung cấp cho đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở rất nhiều thông tin tổng quan về vị thế, tiềm năng của biển, đảo Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi cho biết, phần lục địa nước ta không có nơi nào cách xa biển trên 500 km (chiều ngang tỉnh Quảng Bình có nơi chưa đầy 50 km), nên yếu tố biển có thể phát huy ảnh hưởng đến mọi miền đất nước. Dải ven biển nước ta không chỉ tạo ra lợi thế “mặt tiền hướng biển” để mở cửa thông thương với thế giới bên ngoài, mà còn có ảnh hưởng rất lớn đối với các vùng lãnh thổ sâu trong đất liền, có thể kết nối biển với vùng lãnh thổ tây nam Trung Quốc, Lào, đông bắc Thái Lan và Cam-pu-chia thông qua hệ thống cảng biển, đường sắt và đường bộ.

Toàn cảnh Hội nghị.

Năng lực nội sinh và nhu cầu nội vùng của dải ven biển nước ta cũng rất đáng kể: tập trung các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái quan trọng bậc nhất; tập trung khoảng trên 50% dân số cả nước (tính cho các tỉnh ven biển) và khoảng 30% dân số cả nước (tính cho các huyện ven biển); khoảng 50% các đô thị lớn và trên 200 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế ven biển lớn đã, đang và sẽ được đầu tư phát triển mạnh. Một dải đất hẹp và bờ biển dài như vậy vừa có lợi thế trong phát triển vừa có giá trị chiến lược về mặt phòng thủ đất nước khi xảy ra chiến tranh.

Để phát huy thế mạnh và hạn chế điểm yếu, việc tổ chức lại lãnh thổ ven biển, tập trung vào đa dạng hóa và kết nối các loại hình phát triển theo vùng tự nhiên - sinh thái ven biển khác nhau là một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Trong phát triển kinh tế - xã hội biển, cần chú trọng cả yếu tố truyền thống và hiện đại, chú trọng phát triển các nghề biển xa và chuẩn bị từng bước điều kiện để vươn khơi, vươn ra đại dương.

"Trong bối cảnh thế giới tiến ra biển và đại dương ở Thế kỷ 21 với các chiến lược biển quốc gia đầy kỳ vọng, và trong xu thế thế giới đang “lấy đại dương nuôi đất liền” như nói trên thì việc nhận diện một “Việt Nam biển” và vị trí quan trọng của nó đối với chiến lược phát triển đất nước như vậy chính là một cách nhìn mới và đầy đủ về “chân dung kinh tế” đất nước. Biển là không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam và phải trở thành yếu tố trọng yếu, không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế quốc dân và trong việc lựa chọn con đường đi tới của dân tộc ta", PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

NGUỒN INFONET