Một biểu tượng độc đáo của Đà Nẵng

8 năm trước

Mới đây, nhân sự kiện APEC 2017, Đà Nẵng đã thống nhất chọn Vọoc chà vá chân nâu tại Bán đảo Sơn Trà làm hình ảnh nhận diện thành phố.

Từ hình ảnh nhận diện

Lê Trang, cô gái trẻ người Đà Nẵng ngay sau khi tốt nghiệp đại học đã có cơ hội đi dọc đất nước trong 3 năm, để tìm hiểu mạng lưới các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã và lời giải đáp cho câu hỏi “Tại sao rừng Việt Nam lại hết thú?”. Dọc theo hành trình đó, năm 2010, Trang gặp nhóm Vọoc, tức là nhóm GreenViet bây giờ, lúc này đang nghiên cứu và bảo tồn quần thể Vọoc chà vá chân xám ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Gia Lai.


Năm 2012, họ chính thức thành lập và ra mắt Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học GreenViet đặt văn phòng tại Đà Nẵng, đồng thời chọn Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà để ưu tiên bảo vệ vì những đặc điểm độc đáo của nơi này. Đặc biệt trung tâm quyết định sử dụng hình ảnh của quần thể Vọoc chà vá chân nâu ở đây để thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền và cộng đồng.

Không lâu sau, hình ảnh và thông tin của loài Vọoc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà được GreenViet đưa đến khắp các cơ quan, khách sạn, quán cafe, xe taxi, sân bay và trung tâm thông tin du lịch, trường học… Các cuộc hội thảo, tập huấn “Tôi Yêu Sơn Trà”, “Hiệp sĩ nhí rừng Sơn Trà”, triển lãm ảnh “Đời sống của Vọoc chà vá chân nâu ở Sơn Trà”, hay Tọa đàm “Cộng đồng chung tay bảo vệ đa dạng sinh học của Sơn Trà” là những ý tưởng và việc làm của GreenViet để đưa hình ảnh loài Vọoc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà đến cộng đồng.

Vọoc chà vá chân nâu còn được gọi là Vọoc chà vá chân đỏ hoặc Vọoc ngũ sắc với đặc trưng bộ lông 5 màu. Chính nhờ vẻ đẹp khác thường, loài động vật này được Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng. Loài này thuộc danh mục nhóm IIB – mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam. Hiện ở bán đảo Sơn Trà có hơn 500 cá thể Vọoc chà vá chân nâu.

Mới đây, nhân sự kiện APEC 2017, Đà Nẵng đã thống nhất chọn Vọoc chà vá chân nâu tại Bán đảo Sơn Trà làm hình ảnh nhận diện thành phố. Đây được xem là biểu tượng mới độc đáo và mang ý nghĩa “Đà Nẵng – dấu ấn 20 năm đổi mới”, đồng thời mở ra triển vọng thu hút sự quan tâm, phát triển du lịch, quảng bá cộng đồng biết về tính nguy cấp nhằm bảo vệ sinh vật đặc hữu này của Đà Nẵng.

Đến mô hình cho các nước học tập

Vừa qua, với tư cách là người đại diện GreenViet, Lê Trang đã tham gia và báo cáo tại Hội nghị Bảo tồn sinh vật tại Madison, bang Wiscosin theo lời mời của TS. Chia Luen Tan, Viện Nghiên cứu bảo tồn, vườn thú San Diego của Mỹ. Đây là hoạt động mở đầu trong chuỗi chương trình tập huấn tham quan học tập trao đổi tại Mỹ của GreenViet.

Theo đó, một văn bản thỏa thuận hợp tác về các hoạt động nghiên cứu khoa học và giáo dục bảo tồn các loài linh trưởng của Việt Nam đã được hai bên ký kết. Sở dĩ Lê Trang được mời đến báo cáo tại hội nghị, vì Ban tổ chức nhận thấy mô hình sử dụng loài biểu tượng Vọoc chà vá chân nâu để kêu gọi cộng đồng bảo vệ đa dạng sinh học của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà do GreenViet khởi xướng đã có những thành công đáng chú ý và là một mô hình rất hay cần được chia sẻ với các tổ chức bảo tồn ở các nước.

Nhiều nhà khoa học các nước sau hội nghị này đã đến tiếp xúc và đánh giá bán đảo Sơn Trà của TP. Đà Nẵng là một địa điểm hết sức độc đáo, vì không nơi nào trên thế giới có được một khu bảo tồn ngay trong lòng thành phố với độ đa dạng cao như vậy.

Mô hình bảo vệ một khu bảo tồn thiên nhiên bằng cách sử dụng loài biểu tượng như cách mà GreenViet đang làm đã từng được thực hiện ở nhiều nơi, tuy nhiên khả năng huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở TP. Đà Nẵng là rất đáng học tập.

Theo Lê Trang, sau chuyến đi này, Trung tâm GreenViet quyết định sẽ thúc đẩy để cùng với các đơn vị chức năng tiến hành các nghiên cứu nhằm bổ sung dữ liệu cho đa dạng sinh học của TP. Đà Nẵng, gồm cả khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và Bà Nà – Núi Chúa. Trong đó mô hình safari tự nhiên của vườn thú San Diego cũng là một mô hình mà GreenViet tâm đắc.

Thời gian tới, GreenViet sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy đưa loài Vọoc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà trở thành biểu tượng của TP. Đà Nẵng, nhằm đảm bảo được việc bảo tồn lâu dài quần thể Vọoc chà vá chân nâu ở đây. Để làm được điều này, GreenViet sẽ tăng cường làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan…

Bên cạnh, hoạt động nghiên cứu và giám sát số lượng của quần thể Vọoc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà, các nghiên cứu về tập tính sinh hoạt, xã hội, ăn uống, sẽ được tiến hành hàng năm, nhằm đưa ra được các khuyến cáo cho thành phố trong việc bảo vệ quần thể Vọoc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà.

Các hoạt động giáo dục thời điểm này trở nên rất thú vị khi cộng đồng đã quan tâm nhiều hơn đến đa dạng sinh học thông qua hình ảnh loài Vọoc chà vá chân nâu. GreenViet sẽ tiếp tục tiên phong thiết kế và triển khai nhiều chương trình học tập thú vị, tập trung ưu tiên cho người dân TP. Đà Nẵng nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ nguồn tài nguyên mình đang có và làm thế nào để bảo vệ giữ gìn tài nguyên này bền lâu.

NGUOONF DANANGZ