LIÊN QUAN ĐẾN DỰ ÁN NHÀ MÁY NƯỚC HỒ QUẾ SƠN: ĐẦU TƯ THÊM NHÀ MÁY NƯỚC LÀ CẦN THIẾT

8 năm trước

Chia sẻ với DĐDN về những kiến nghị của Cty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh liên quan tới dự án nhà máy Hồ Quế Sơn, ông Nguyễn Hồng Tiến  – Cục trưởng Cục Kỹ thuật Hạ tầng, Bộ Xây dựng cho rằng, nhà nước luôn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN nhưng phải đảm bảo hài hòa lợi ích cộng đồng.

nguyen-hong-tien-copy

Báo DĐDN nhận được kiến nghị của Cty TNHH Bình Minh về những khó khăn khi UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép Liên danh Anh Phát – Sông Chu đầu tư xây dựng Dự án nhà máy nước Hồ Quế Sơn sát cạnh với nhà máy nước Bình Minh. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Hiện nay, tại Khu kinh tế mới chỉ đầu tư xây dựng có 02 nhà máy nước với tổng công suất 31.500 m3/ngày đêm gồm nhà máy nước tại hồ Đồng Chùa do Cty TNHH Bình Minh đầu tư đưa vào vận hành từ năm 2011 với công suất thiết kế 30.000 m3/ ngày đêm cấp nước cho phía Đông Nam Quốc lộ 1A và nhà máy nước tại hồ Hao Hao công suất thiết kế 1.500 m3/ ngày đêm cấp nước cho phía Đông Bắc Quốc lộ 1A.

Việc điều chỉnh diện tích Khu kinh tế Nghi Sơn từ 18.611ha lên 106.000 ha (tăng gấp 5,6 lần so với ban đầu) thì nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng lên và việc đầu tư các nhà máy nước là cần thiết.

Theo Quyết định số 18/2015/QĐ-TTg ngày 12/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ, khu kinh tế Nghi Sơn sẽ được điều chỉnh diện tích tăng từ 18.611 ha tăng lên 106.000 ha (gấp 5,6 lần so với ban đầu). Do Khu kinh tế Nghi Sơn điều chỉnh tăng diện tích, dự kiến sẽ có thêm nhiều DN vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, nhu cầu cấp nước sẽ tăng lên. Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa (văn bản số 12314/UBND-THKH), dự báo nhu cầu sử dụng nước cho Khu kinh tế Nghi Sơn đến cuối năm 2016 cần khoảng 45.000 m3/ngày đêm (so với hiện trạng thiếu 15.000 m3/ngày đêm), cuối năm 2017 cần khoảng 90.000 m3/ngày đêm (so với hiện trạng thiếu 60.000 m3/ngày đêm) và sau năm 2017 cần khoảng 350.000 m3/ngày đêm. Đặc biệt, trong các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn có Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Việc cung cấp nước (về số lượng và chất lượng) cho dự án này được quy định trong Thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ (GGU ngày 15/01/2013) và trong trường hợp việc cung cấp không đảm bảo sẽ bị phạt theo cam kết.

Sau khi xem xét về hiện trạng, tiến độ đầu tư xây dựng và đánh giá khả năng cung cấp nước của các nhà đầu tư hiện hữu và dự báo khả năng thiếu nước có thể xảy ra, ngày 10/6/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định 1982/QĐ – UBND chấp nhận chủ trương đầu tư dự án hệ thống cấp nước Khu Kinh tế Nghi sơn .

Nhưng Chủ trương đầu tư của Liên danh Anh Phát – Sông Chu được UBND tỉnh phê duyệt chỉ trong thời gian 6 ngày, ông nghĩ sao về thời hạn này?

Chúng tôi không rõ Liên danh Anh Phát – Sông Chu nộp hồ sơ đến UBND tỉnh Thanh Hóa từ khi nào mà chỉ biết ngày 10/6/2016 UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép Liên này được đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước thô và nhà máy nước sạch Hồ Quế Sơn.

Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa quy hoạch chung của Thủ tướng Chính Phủ về xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên, theo Quyết định số 18/2015/QĐ –TTg, về điều chỉnh diện tích Khu kinh tế từ 18.611 ha lên 106.000 ha (tăng gấp 5,6 lần so với ban đầu) thì nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng lên và việc đầu tư các nhà máy nước là cần thiết.

Hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã lập nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, đang trình Bộ Xây dựng thẩm định và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời tổ chức lập Đồ án Điều chỉnh quy hoạch này. Nội dung Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ xác định nhu cầu sử dụng nước, phân vùng cấp nước và xác định vị trí, quy mô công suất các nhà máy nước theo từng giai đoạn.

Vậy, trước kiến nghị của DN và sự chỉ đạo của Chính Phủ đến nay, Bộ Xây dựng đã kiểm tra tình hình thực tế như thế nào để giải đáp những khó khăn mà DN đang đối mặt, thưa ông?

Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng đã tiến hành khảo sát thực địa, làm việc đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa và lấy ý kiến của Bộ Công Thương (tại văn bản số 10221/BCT-KH ngày 26/10/2016), Bộ Tài nguyên và Môi trường (tại văn bản số 4857/BTNMT-TNN ngày 26/10/2016). Trên cơ sở quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng nguyên cứu, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tôi cho rằng, mọi DN đều được Nhà nước bảo vệ quyền lợi hợp pháp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quyền lợi của DN cũng cần phải song hành với quyền lợi của nhà nước, nếu chỉ bảo hộ quyền lợi cho một DN mà vi phạm quyền lợi ích của nhà nước thì mối quan hệ giữa nhà nước và DN sẽ thiếu bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Mai Thanh thực hiện