Khắc phục khiếm khuyết tòa nhà TTHC

8 năm trước

Từ tháng 7-2014 đến nay, Trung tâm Hành chính (TTHC) thành phố đi vào hoạt động, đã và đang phát huy tốt hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, công trình vẫn có những hạn chế do xử lý kết cấu xây dựng chưa bảo đảm công năng sử dụng.

Tòa nhà Trung tâm Hành chính thành phố (trái). 														  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Tòa nhà Trung tâm Hành chính thành phố (trái).

Sau vài tháng đi vào hoạt động, tại TTHC, số lượng và mật độ người vào làm việc tại đây tăng cao nên ở thời điểm tháng 10-2014 có hiện tượng thiếu nguồn dưỡng khí cục bộ. Ngoài ra, người lao động tại TTHC thành phố chưa thích nghi với môi trường làm việc mới nên có cảm giác khó thở. Ghi nhận hiện tượng phát sinh này, UBND thành phố giao Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với Ban quản lý tòa nhà TTHC thuê một đơn vị độc lập kiểm tra, đo đạc tình hình cấp khí tươi cho khối tháp tòa nhà này.

Đến đầu tháng 5-2015, Công ty CP Kiểm định kỹ thuật, an toàn và tư vấn xây dựng thực hiện đo khí tươi bằng máy đo Kimo-serial tại các tầng 14 và 29. Kết quả cho thấy, các khu vực đáp ứng được yêu cầu cấp lưu lượng khí tươi so với thiết kế. Ngày 23-5-2016, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai những giải pháp nhằm tăng thêm lượng khí tươi vào các phòng họp bằng cách lắp thêm quạt thông gió, quạt hút, điều chỉnh bổ sung hệ cửa kính nhằm lấy gió từ bên ngoài.

PGS, TS Võ Văn Chính, Phó khoa Khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng) cho biết, qua kết quả kiểm tra, đánh giá môi trường không khí ở TTHC thành phố, có ghi nhận hiện trạng ở các tầng từ tầng 30 trở lên có nhiệt độ không ổn định do bức xạ lớn, một số vị trí có diện tích cửa cấp gió tươi giải nhiệt nhỏ hay việc bố trí các cửa cấp gió chưa hợp lý dẫn đến nhiệt độ bên trong khá cao, đặc biệt là các vị trí tại hướng tây tòa nhà hay một số vị trí có dàn nóng đặt trong nhà…

Vì vậy, theo PGS, TS Võ Văn Chính, giải pháp trước mắt đối với tòa nhà, cần áp dụng công nghệ xử lý bề mặt vỏ bao che phía tây nhằm giảm thiểu bức xạ mặt trời, để bảo đảm cấp gió tốt cần mở rộng thêm phần diện tích cửa lấy gió tự nhiên dưới dạng cửa hất, lắp đặt thêm quạt hút gió các tầng trên cao và các cửa lấy gió tươi cho các các phòng họp khi có mật độ sử dụng cao.

Trong khi đó, KTS Hoàng Văn Sỹ, nguyên Phó ban Quản lý công trình tòa nhà TTHC cho biết, tòa nhà TTHC Đà Nẵng có 9 nắp dọc theo mặt đứng để hút khí tươi từ bên ngoài cấp cho từng tầng (mỗi tầng có 9 vị trí cấp khí tươi). Tuy nhiên, về mùa hè, các phòng làm việc ở hướng tây công trình nhiệt độ có lúc duy trì ở mức 25-28oC. KTS Hoàng Văn Sỹ khẳng định: “Việc này hoàn toàn có thể khắc phục được với việc thay thế một số tấm kính phía hướng tây để thay bằng louver để giải nhiệt cho hệ thống điều hòa không khí. Ở hướng khắc phục khác tiến hành bổ sung một số cửa sổ dọc theo răng cưa của khối kính để lấy gió.

Trung tâm Hành chính thành phố cần bổ sung giải pháp xử lý kết cấu phần kính tường bao để bổ sung không khí, chống nóng.
Trung tâm Hành chính thành phố cần bổ sung giải pháp xử lý kết cấu phần kính tường bao để bổ sung không khí, chống nóng.

Ngoài việc khắc phục, xử lý kết cấu và giải pháp kỹ thuật để chống nóng, việc đổi mới khai thác vận hành tòa nhà TTHC một cách toàn diện cũng cần được thực hiện. Theo TS-KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố, cần sử dụng hợp lý diện tích mặt bằng và phát huy hơn nữa công năng của công trình. Theo đó, ở các vị trí tầng cao bố trí các khu kho tư liệu lưu trữ; sắp sếp lại mật độ vị trí làm việc của các sở cho phù hợp.

KTS Hoàng Văn Sỹ đề xuất cần đổi mới công tác quản lý, vận hành tòa nhà TTHC theo hướng chuyên nghiệp hơn, quan tâm đầu tư trang thiết bị xử lý với các sự cố về phòng cháy chữa cháy, an ninh. Về mặt bằng hoạt động, Văn phòng UBND sử dụng thêm mặt bằng ở các khu vực phụ cận để đầu tư xây dựng thêm các công trình phụ trợ để giảm bớt nguồn nhân lực công tác thường xuyên trong TTHC, giảm mật độ giao thông ở khu vực, tạo sự thuận tiện hơn cho người dân đến giao dịch hành chính. Theo đó, sử dụng mặt bằng của CLB Thái Phiên để mở rộng không gian TTHC; sử dụng khu đất Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố làm Trung tâm giao dịch hành chính một cửa...

Bài và ảnh: Triệu Tùng