Hòa Phát vượt 4000 tỷ lợi nhuận, sắp tiếp quản dự án 60 ngàn tỷ ở Dung Quất?

8 năm trước

Nguồn tin của Infonet cho biết, nhà đầu tư Đài Loan đã đầu tư hơn 300 triệu USD vào dự án, do vậy muốn thu hồi dự án và giao cho DN khác thực hiện, tỉnh Quảng Ngãi sẽ chi trả số tiền nhà đầu tư Đài Loan đã rót vào dự án này.

Theo thông tin báo chí, UBND tỉnh Quảng Ngãi mới đây đã có văn bản gửi các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng xin ý kiến về dự án đầu tư khu liên hợp sản xuất gang thép của Tập đoàn Hòa Phát tại Khu kinh tế Dung Quất.

Theo đó, nếu được các bộ ngành chấp thuận, Hòa Phát sẽ thay thế, tiếp quản dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) đầu tư đang bị đình trệ 10 năm nay.

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ngãi, dự án này có công suất 4 triệu tấn/năm được chia làm hai giai đoạn mỗi giai đoạn có công suất 2 triệu tấn/năm. Tổng vốn đầu tư đăng ký là 60.000 tỷ đồng, trong đó vốn cho môi trường giai đoạn I là 30.000 tỷ đồng; dự án tạo ra sản phẩm thép đầu vào cho cán nguội, mạ màu, mạ kẽm, ống thép, thép đặc biệt, thép chế tạo, lưỡi thép…

Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất đang bị bỏ hoang.

Nguồn tin của Infonet cho biết, nhà đầu tư Đài Loan đã đầu tư hơn 300 triệu USD vào dự án, do vậy muốn thu hồi dự án và giao cho DN khác thực hiện, tỉnh Quảng Ngãi sẽ chi trả số tiền nhà đầu tư Đài Loan đã rót vào dự án này. Do vậy, nếu Hoà Phát tiếp quản dự án, Tập đoàn này sẽ chi trả chi phí mà phía doanh nghiệp Đài Loan đã đầu tư. 

“Hòa Phát có đủ kinh nghiệm và năng lực về sản xuất và thị trường ngành thép nên việc tiếp quản một dự án thép do nhà đầu tư nước ngoài thoái lui vì không đủ năng lực không gây khó khăn gì đối với Tập đoàn,” nguồn tin cho biết.

Mới đây, Hòa Phát cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý III và 3 quý đầu năm 2016. Trong quý III/2016, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu 8.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.600 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Hòa Phát đã hoàn thành 85% kế hoạch doanh thu và 145% lợi nhuận năm. Đây là kết quả kinh doanh 9 tháng tốt nhất từ trước đến nay của HPG. Lần đầu tiên trong lịch sử, Hòa Phát vượt mốc 4.000 tỷ lợi nhuận ròng chưa đầy một năm.

Trong đó, nhóm ngành sản xuất kinh doanh thép bao gồm hai sản phẩm chiến lược là thép xây dựng và ống thép có mức tăng trưởng khá so với năm trước. Cụ thể, đối với thép xây dựng, tổng sản lượng bán hàng 9 tháng đạt 1.212.000 tấn, hoàn thành 72% kế hoạch sản lượng năm 2016, tăng 19% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, Thép Hòa Phát xuất khẩu hơn 23.000 tấn sang các nước ASEAN, Úc. Thị phần bán hàng 9 tháng vẫn dao động quanh mức 21-22%, cao nhất trong các thành viên của Hiệp hội Thép Việt Nam.

Dự án thép Guang Lian Dung Quất được cấp phép năm 2006, ban đầu do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) đầu tư với số vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD. Sau đó, Tập đoàn E-United hợp tác với Tycoons cùng thực hiện và nâng vốn dự án lên 3 tỷ USD. Dự án khởi công tháng 10/2007, đến năm 2008 Công ty TNHH Guang Lian Steel Việt Nam hợp tác với hai tập đoàn này điều chỉnh vốn dự án lên 3,3 tỷ USD.

Tháng 5/2010, nhà đầu tư xin điều chỉnh giấy phép lần 5, điều chỉnh từ 3 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD. Tháng 3/2012, Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản) quyết định liên doanh với Công ty Guang Lian xây dựng nhà máy thép. Cuối năm 2014, JFE tuyên bố rút lui.

Tháng 3/2016 chủ đầu tư tiếp tục đề xuất khởi động dự án với công suất 5 triệu tấn mỗi năm, tổng vốn 2,2 tỉ USD, hoàn thành trong 42 tháng. Tuy nhiên trong quá trình thanh tra, tỉnh xét thấy chủ đầu tư dự án đã vi phạm Luật đất đai 2013 nên đề nghị xử lý chấm dứt hoạt động.

NGUỒN INFONET