Doanh nghiệp Nhật chấp nhận rủi ro đầu tư vào bất động sản

8 năm trước

Đang có rất nhiều công ty Nhật Bản bắt đầu chấp nhận rủi ro trong đầu tư kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, theo tập đoàn chuyên tư vấn các thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) Recof, có trụ sở ở Tokyo.

Hoạt động M&A ở Việt Nam của doanh nghiệp, quỹ đầu tư Nhật hướng vào lĩnh vực bất động sản- Ảnh minh họa: Quốc Hùng

Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp, phụ trách thị trường Việt Nam của Tập đoàn Recof, chia sẻ thông tin trên tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 tại TPHCM mới đây (18-8).

Theo ông Yohishida, các hoạt động M&A của doanh nghiệp Nhật Bản ở thị trường Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2015 sau khi suy giảm trong năm 2014.

Theo nhà tư vấn này, dân số vàng, cùng với thu nhập ngày càng tăng của người dân Việt Nam là những yếu tố khiến nhiều nhà bán lẻ Nhật cũng như các doanh nghiệp Nhật trong các lĩnh vực đầu tư khác như tiêu dùng, tài chính... xem xét gia nhập thị trường Việt Nam thông qua hình thức đầu tư gián tiếp.

Một điểm đáng chú ý theo ông Yoshida, hoạt động giao dịch M&A của doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam lại có xu hướng vào bất động sản - lĩnh vực mà doanh nghiệp xứ hoa anh đào không mấy quan tâm trong nhiều năm trước đây. Nhưng giờ đây, nhiều công ty Nhật Bản bắt đầu chấp nhận rủi ro để đầu tư vào lĩnh vực này.

"Đây là lĩnh vực mà khoảng 20 năm về trước nhà đầu tư Nhật không hề quan tâm, nhưng khuynh hướng giờ đây đã thay đổi và đang trở thành sự bùng nổ lớn", lãnh đạo nhà tư vấn Recof ở Việt Nam lưu ý, và cho rằng doanh nghiệp Nhật không chỉ chú ý đến hai thị trường trọng điểm là TPHCM và Hà Nội mà còn hướng đến khu vực miền Trung, trong đó có Đà Nẵng.

Điều này cho thấy một xu hướng hoàn toàn mới về nguồn vốn gián tiếp của Nhật Bản hướng vào thị trường Việt Nam bởi lẽ doanh nghiệp Nhật được đánh giá là có tính bảo thủ cao và thận trọng. Mặt khác, theo đánh giá của các doanh nghiệp Nhật trước đó, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam còn nhiều rủi ro, giá ảo và đầu cơ cao, trong khi họ thường tính toán đầu tư rất kỹ lưỡng, tính hiệu quả và thông tin phải rõ ràng. Ngoài ra, tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực này của Nhật cũng cao hơn Việt Nam, nếu đầu tư đúng vào tiêu chuẩn Nhật ở Việt Nam chưa chắc thành công.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành bất động sản thì khẳng định lĩnh vực bất động sản Việt Nam hiện hấp dẫn hơn một số nước khác nhờ sự hồi phục của thị trường này gần ba năm nay.

Theo giới quan sát, nhìn toàn cục, thị trường bất động sản hiện đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng nhưng chưa bền vững. Và dự báo trong năm 2016 thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng không thấp hơn năm 2015 và sẽ có sự chuyển hướng tích cực. Thực tế các quỹ đầu tư và doanh nghiệp của Nhật cũng đã tham gia đầu tư vào một số dự án bất động sản Việt Năm từ năm ngoái đến nay.

Theo số liệu thống kê M&A của Recof, Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước ASEAN về số lượng các thương vụ M&A từ Nhật Bản trong cả hai năm 2015 và 2016 (tính đến tháng 7). Môi trường đầu tư vẫn tích cực trong năm 2016; và trong tương lai, cùng với TPP và AEC cũng như việc thực thi một số điều luật mới bắt đầu từ tháng 7-2015, Recof kỳ vọng các mối quan tâm ngày càng tăng đến từ phía các công ty Nhật Bản.

Quốc Hùng