DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP Ở ĐÀ NẴNG HÚT VỐN ĐẦU TƯ HÀNG TRIỆU USD

1 năm trước

Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố ngày càng phát triển, đã có các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bứt phá, gọi vốn thành công hàng triệu USD.

 

Thu hút khởi nghiệp công nghệ số

Là một trong những công ty đang định hướng và phát triển các sản phẩm về STEM, Blockchain và AI. Ông Trương Quốc Tuấn, CEO Công ty Nova Square (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) cho biết, trong những năm qua, công ty đã tạo được cộng đồng học sinh, sinh viên thấu hiểu và áp dụng khoa học và thực tế để vận hành kiến thức vào thực tế một cách chặt chẻ và có tính ứng dụng cao.

Đặc biệt, đã đưa được các em sang Mỹ để tham gia đấu trường quốc tế trong năm qua. Bên cạnh đó, các ứng dụng blockchain đã được vận hành ứng dụng thực tế nhằm thúc đẩy tính bảo mật của dữ liệu trên chuỗi khối trong ngành Y tế và Giáo dục

"Chúng tôi đã và đang trải qua những khó khăn nhất định mà doanh nghiệp khởi nghiệp nào cũng phải trải qua, đặc biệt trong thời gian dịch COVID-19, chúng tôi đã phải tạm chấp nhận chuyển hướng qua hình thức Online với bài giảng hoàn toàn trên hệ thống elearning của công ty, các hình thức khách hàng chúng tôi phải tăng cường chất lượng hơn để giữ được khách hàng", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, việc doanh nghiệp khởi nghiệp muốn phát triển, những người lãnh đạo cần có tư duy và chiến lược tốt, tinh thần vững vàng với những hướng đi sản phẩm phù hợp với thị trường mà doanh nghiệp đã định hướng. Ngoài ra, cần có những kết nối với cộng đồng, hỗ trợ chính sách của nhà nước và vẫn không thể thiếu lửa đam mê của người lãnh đạo ở công ty khởi nghiệp để vượt qua những thử thách. 

a3

Công ty Nova Square đang định hướng và phát triển các sản phẩm về STEM, Blockchain và AI. Ảnh: Thành Vân.

Trong khi đó, anh Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Sản xuất thiết bị điện STC Electric (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) đã thành lập doanh nghiệp với sản phẩm đầu tay là Relay an toàn phao bơm trong sinh hoạt. Hiện tại, doanh thu của doanh nghiệp này ước tính khoảng 250 triệu đồng/tháng và đã có 158 đại lý trên toàn quốc.

"Bước đầu khi hình thành sản phẩm gặp nhiều khó khăn, đối với startup, phải nghỉ đến việc phát triển những sản phẩm mà thị trường chưa có. Tiếp theo là về nguồn vốn, bởi vì sinh viên mới ra trường thì không có vốn, nên phải đi vay vốn từ ngân hàng", anh Cường nói và cho rằng, để hỗ trợ cộng đồng startup, các địa phương cần có nhiều hơn nữa các chương trình kết nối trên toàn quốc cũng như liên quốc gia để có thể quảng bá sản phẩm, đi nhanh và đi xa, bền vững hơn.

Theo bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Đà Nẵng, khởi nghiệp trong chuyển đổi số được giới trẻ rất quan tâm, lý do chính là chuyển đổi số, là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực và ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, quá trình hình thành và phát triển các startup trong lĩnh vực công nghệ số sẽ diễn ra nhanh hơn các ngành, lĩnh vực khác nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của doanh nghiệp.

"Các dự án về công nghệ số có khả năng tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn, đồng thời có khả năng tạo ra giá trị lợi nhuận cao cho doanh nghiệp. Ngoài ra, có nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ các dự án, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số", bà Hậu nói. 

a2

Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, đã có các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bứt phá, gọi vốn thành công hàng triệu USD. Ảnh: Thành Vân.

Dự địa lớn để thúc đẩy khởi nghiệp

Trong những năm qua, Đà Nẵng không ngừng nỗ lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với sự hình thành và phát triển của các tổ chức hỗ trợ, các cơ sở ươm tạo, các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh các vườn ươm, Đà Nẵng thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Sở KH&CN; phối hợp với Bộ KH&CN để thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng; phê duyệt danh mục đầu tư của Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố trong đó có hạng mục đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, thành phố cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách về hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

"Với những nỗ lực đó, hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố ngày càng phát triển, đã có các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bứt phá, gọi vốn thành công hàng triệu USD", bà Yến nói và hy vọng trong thời gian tới, hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành là một trong những điểm đến thu hút, liên kết các nguồn lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tốt nhất.

Bà Yến cũng khẳng định, thành phố cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá, Đà Nẵng là địa phương có những lợi thế và khả năng rất lớn để phát triển, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhiều chuyên gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng đã tham gia vào các hoạt động của hệ sinh thái quốc gia, tham gia làm trưởng làng tại Techfest quốc gia như: Trưởng làng Metaverse, trưởng làng du lịch ẩm thực...

"Trong thời gian đến, để đẩy mạnh hoạt động sáng tạo khởi nghiệp, Đà Nẵng cần tiếp tục hỗ trợ phát triển các thành tố trong hệ sinh thái, kết nối mạnh mẽ với Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và quốc tế, chủ động xây dựng và triển khai cũng như đề xuất với Chính phủ các cơ chế chính sách để phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên", ông Tùng nói.