Đau đớn vì trót tin lời hứa lãi suất BĐS nghỉ dưỡng

8 năm trước

Nhiều người bỏ hàng chục tỷ đồng để mua BĐS sản nghỉ dưỡng mà hiệu quả đầu tư không hơn gửi ngân hàng

Sốc nặng vì bán rẻ không ai mua

Nhiều lời cảnh báo rủi ro về thị trường BĐS du lịch - nghỉ dưỡng được đưa ra nhưng nhiều người vẫn quyết định mua bởi cam kết lãi suất rất hấp dẫn từ chủ đầu tư. Sau thời gian sở hữu những căn hộ, khách sạn có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng, khách hàng đã phải lắc đầu ngán ngẩm bởi thực tế không như lời quảng cáo hoa mỹ.

Tại một dự án Đại Lải Vĩnh Phúc, chị Nguyễn Thị V. đang sốt ruột trước việc rao bán căn hộ của mình hàng tháng nay nhưng không có ai tới hỏi mua. Cách đây vài năm, chị V. đã từng phải chen chân xếp hàng mới có một suất mua biệt thự tại khu nghỉ dưỡng này nhưng giờ lại phải bán.

Lý do chị V. đưa ra là sau thời gian sở hữu căn hộ giá hàng chục tỷ nhưng chất lượng lại không tương xứng. "Chủ nhà chỉ có quyền sở hữu đối với phần biệt thự và đất nhà mình. Mọi cơ sở hạ tầng là sở hữu riêng của chủ đầu tư. Có người gây điều không vừa ý là chủ đầu tư cắt điện, nước" - chị V. nói.

Kinh nghiem dau tin loi hua lai suat BDS nghi duong

Một dự án tại Đại Lải.

Không dừng lại đó, chỉ vài tháng sau, lấy lý do an ninh không đảm bảo, chủ đầu tư còn hủy chương trình “Biệt thự vui vẻ 1” có thời hạn 1 năm để áp dụng chương trình tăng giá vé khách thuê biệt thự lên 330.000 đồng/người. Đi kèm là quy định cắt giảm số người được vào biệt thự, không cho nấu ăn, định giá lại các biệt thự… Điều này trái ngược hoàn toàn với những lời cam kết ban đầu.

Anh Phạm Tuấn N. - chủ một căn biệt thự khác chia sẻ, trước đây vì tin lời cam kết lãi suất 12%/ năm mà chủ đầu tư đưa ra nên vợ chồng đã quyết định đầu tư sinh lời.

Nhưng khi ký hợp đồng mua bán xong, anh N. mới ngã ngửa người khi Phòng Pháp chế đơn vị chủ đầu tư khẳng định: “Chúng tôi không khuyến khích các chủ biệt thự kinh doanh” và “Công ty cấm các chủ biệt thự kinh doanh dưới mọi hình thức”!?

Điều khiến anh N. bức xúc nhất là chuyện khi bố mẹ ruột của mình tới chơi nhưng đơn vị quản lý vẫn áp dụng cứng nhắc, bắt phải mua vé mới cho bố mẹ anh vào nhà con trai. Nếu không sẽ bị phạt vì vi phạm nguyên tắc. Theo anh N., hiện đang có rất nhiều người ở đây muốn bán lại biệt thự, chịu lỗ 2-4 tỷ đồng sau 1 năm ở nhưng vẫn không có ai mua.

Trao đổi với Đất Việt, ông Trần Xuân Nam - Chủ một sàn BĐS ở TP. Hà Nội cho biết: "Hiện BĐS du lịch - nghỉ dưỡng đang vươn lên mạnh mẽ ở các thành phố du lịch như Đà Nẵng, Phú Quốc, Khánh Hòa... với những lời quảng cáo có cánh. Chủ đầu tư đã chủ động đánh vào lòng tham của khách hàng để đưa ra cam kết lãi suất trên trời. Nhiều người không tìm hiểu kỹ mà vội vàng tin theo nên đang chịu nhiều cảnh bi hài. Không ít người đã phải tìm đến chúng tôi nhờ bán hộ".

Lời hứa ảo về lãi suất?

Theo ông Nam, mức lãi suất phổ biến mà các chủ đầu tư BĐS du lịch - nghỉ dương đưa ra là từ 12 - 15%/ năm. Với con số này, chỉ sau 8 năm là các nhà đầu tư có thể thu hồi lại vốn hàng chục tỷ đồng  bỏ ra.

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu sâu hơn thì không thấy chủ đầu tư nào đưa ra căn cứ để tính ra mức lãi suất hấp dẫn như vậy.

Kinh nghiem dau tin loi hua lai suat BDS nghi duong

Dự án BĐS du lịch - nghỉ dưỡng Cocobay ở TP. Đà Nẵng đang bị đặt nhiều dấu hỏi về những lời cam kết lãi suất.

Ông Nam đưa ra dẫn chứng một dự án C. đang được xây dựng ở TP. Đà Nẵng đang làm mưa làm gió trên thị trường BĐS từ đầu năm 2016, họ đưa ra cam kết lãi suất thấp nhất 12%/ năm/ 8 năm. Với cách tính, tất cả cách ngày trong năm sẽ có ít nhất 50% số phòng được thuê.

"Đây là cách tính quá ảo tưởng bởi du lịch cũng có mùa, không phải lúc nào cũng đông khách. Nhiều khách sạn hiện tại ở trung tâm bãi biển Mỹ Khê, TP. Đà Nẵng cũng chỉ đạt được con số khách thuê 20 - 30%/ năm.

Không hiểu, chủ đầu tư dự án C. lấy căn cứ ở đâu ra để tính toán khi mà vị trí cách xa trung tâm, bãi biển ở đó còn hoang sợ, tất cả các dịch vụ phụ trợ còn chưa phát triển. Ngoài ra, họ cũng không nói rõ nếu không đạt được mức lãi suất như cam kết thì sẽ thế nào" - ông Nam đặt ra câu hỏi.

Cùng chung quan điểm, anh Phạm Văn Thanh - một người chuyên môi giới BĐS ở TP. Đà Nẵng cũng tỏ ra không mấy lạc quan về loại hình Codotel (căn hộ khách sạn).

Anh Thanh cho rằng, tâm lý chung của người Việt Nam là thích điều mới mẻ nên loại hình Codotel được quan tâm trong thời gian gần đây là điều dễ hiểu. Thị trường BĐS cũng đi theo nhu cầu quan tâm của khách hàng bằng hàng loạt các "siêu dự án". Tuy nhiên, để chứng minh được sẽ đi đến thành công của Codotel thì còn phụ thuộc nhiều thứ.

"BĐS du lịch - nghỉ dưỡng cần có một chủ đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh bởi số vốn bỏ ra lớn, có chiến lược dài hơi bởi khi hoàn thiện đi vào kinh doanh thì ít nhất sau 3 - 5 năm mới cắt lỗ. Ngoài ra, việc vận hành cũng rất quan trọng. Nếu không có kinh nghiệm quản lý, điều hành thì sẽ không thu hút được khách đến. Khi đến TP. Đà Nẵng và TP. Hội An nhiều người đã phải tự hỏi sao những khách sạn lớn của nước ngoài với giá cả đắt đỏ vẫn luôn hết phòng, trong khi đó nhiều khách sạn khác chẳng có ai thuê? Đó là do người quản lý kém năng lực..." - anh Thanh cho hay.

Anh Thanh khuyến cáo, nhà đầu tư nên cân nhắc tìm hiểu kỹ trước khi quyết định bỏ tiền đầu tư chỉ vì nghe những lời hứa "ảo" từ các chủ đầu tư.

Song Thành