Danh thần Thoại Ngọc Hầu lên sân khấu tuồng

8 năm trước

Lần đầu tiên, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh dàn dựng và biểu diễn vở tuồng lịch sử Phúc thần Thoại Ngọc Hầu. Đây cũng là một trong hai vở diễn của nhà hát tham gia Cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, tổ chức vào tháng 8 tới tại thành phố Đà Nẵng.

Một cảnh trong vở diễn Phúc thần Thoại Ngọc Hầu, mô tả sự vất vả, khó nhọc của đoàn tiếp tế lương thực cho công trình đào kênh.                        Ảnh: NGỌC HÀ
Một cảnh trong vở diễn Phúc thần Thoại Ngọc Hầu, mô tả sự vất vả, khó nhọc của đoàn tiếp tế lương thực cho công trình đào kênh. Ảnh: NGỌC HÀ

Tâm huyết với vở diễn lịch sử

NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chia sẻ, lâu nay, các vở tuồng về lịch sử khá ít, về nhân vật lịch sử xứ Quảng càng khan hiếm. Lúc chưa chia tách Quảng Nam-Đà Nẵng, có một số vở về Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Hiệu... Tuy nhiên, làm sao xây dựng được nhân vật lịch sử của riêng Đà Nẵng vẫn là điều khiến anh em làm nghệ thuật tuồng suy nghĩ rất nhiều.

“Khoảng 3 năm gần đây, ý tưởng làm vở diễn về nhân vật lịch sử là người con Đà Nẵng luôn ấp ủ trong chúng tôi. Kế hoạch cuối cùng cũng được đặt ra, thi tuyển kịch bản, tìm kiếm đạo diễn, soạn nhạc... và nghệ sĩ, diễn viên nhà hát tập luyện ròng rã từ đầu năm đến nay để kịp tham gia Cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc”, ông Tuấn cho biết.

Với nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa, lần đầu tiên viết kịch bản về nhân vật lịch sử của Đà Nẵng là thử thách không hề nhỏ. Ông Chức cho biết, khi nhận tin Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đầu tư vở tuồng lịch sử này, ông phải mày mò tìm hiểu lịch sử của danh thần Thoại Ngọc Hầu, tìm về tận vùng Thoại Sơn, đền thờ tại núi Sam (tỉnh An Giang) hỏi dân làng về người mà họ tôn là vị thánh, rồi trở lại đền thờ làng An Hải, nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà thắp cho Thoại Ngọc Hầu một nén nhang... trước khi bắt đầu chấp bút.

Dù là tuồng lịch sử, nhưng nội dung vẫn toát lên tính thời sự với lời thoại khá hiện đại như chuyện quan tham vơ vét bỏ túi riêng, ra yêu sách đào kênh thành “đường cong mềm mại” nhằm tránh phạm vào đất đai của quan; hãm hại, cản trở người tài bằng những mánh khóe hèn hạ... Bên cạnh nhân vật chính, xuyên suốt vở diễn là hình ảnh người vợ của Thoại Ngọc Hầu - bà Châu Thị Vĩnh Tế, cùng những người dân, binh lính vất vả tiếp tế lương thực dù không ít lần bị kẻ xấu phá hoại phải bỏ mạng dọc đường; là hình ảnh người dân ngày đêm miệt mài đào kênh... Tác giả kịch bản cho rằng, với đa dạng các tuyến nhân vật chính diện và phản diện càng góp phần làm nổi bật hình ảnh của nhân vật chính Nguyễn Văn Thoại.

Sẵn sàng cho sân chơi chuyên nghiệp

“Lâu nay, trong lòng dân và cả sử sách đều gọi ông là danh thần. Nhưng trong tôi, ông là “phúc thần”, tức là người tạo phúc cho dân. Công lao to lớn của ông, không dừng ở việc đào con kênh dài gần 100km nối Châu Đốc với Hà Tiên, mang lại hiệu quả to lớn trong công tác doanh điền, thủy lợi, biên phòng cho vùng đất Hậu Giang mà còn là vị quan thanh liêm, trừ khử bọn tham quan, nhũng nhiễu dân lành. Đất nước có một vị quan như thế là quá phúc phần”, nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức chia sẻ.

Cũng theo ông Chức, biên soạn một vở tuồng lịch sử, lại là vở để nhà hát mang đi thi chuyên nghiệp nên ông xây dựng các tuyến nhân vật dựa trên thế mạnh của từng nghệ sĩ, diễn viên. Đồng thời, các tình tiết đều khai thác tối đa cái hay của nghệ thuật tuồng từ trang phục, bộ điệu đến nhạc cụ...

Dù là nghệ sĩ “có nghề” nhưng vào vai Thoại Ngọc Hầu, nghệ sĩ Tô Vân Kỳ, Phó đoàn biểu diễn Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vẫn không khỏi lo lắng. Ngay khi được phân vai, anh bắt tay ngay tìm hiểu lịch sử nhân vật, đọc kỹ kịch bản, trao đổi với đạo diễn, tác giả kịch bản và anh chị em trong đoàn để làm sao phát huy hết tính cách, thần thái của nhân vật.

“Được vào vai một danh thần, lại là người con Đà Nẵng, tôi rất tự hào và nhủ với lòng bằng mọi cách thể hiện tốt nhất vai diễn. Dẫu biết gói gọn trong một vở diễn vẫn chưa thể nói hết công lao của Thoại Ngọc Hầu, song chúng tôi xem đây như một lời tri ân đối với danh thần”, nghệ sĩ Tô Vân Kỳ nói.

Cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (loại hình nghệ thuật tuồng và dân ca) do thành phố Đà Nẵng đăng cai tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 20-8 đến 29-8 tại Nhà hát Trưng Vương. Có 13 đơn vị tham gia với 17 vở diễn dự thi. Trong quá trình diễn ra cuộc thi, sẽ có 5 đơn vị đi biểu diễn miễn phí phục vụ người dân Đà Nẵng. NSƯT Trần Ngọc Tuấn cho biết thêm, ngoài vở Phúc thần Thoại Ngọc Hầu, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh còn tham dự vở Như những tượng đài, là vở diễn từng đoạt giải kịch bản tuồng xuất sắc năm 2014 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Cục Nghệ thuật biểu diễn bình xét, được nhà hát dàn dựng, biểu diễn năm 2015, nhận được sự đánh giá cao của các nhà nghiên cứu, phê bình.

NGỌC HÀ