Đà Nẵng xin thí điểm thành lập Cảnh sát Du lịch

8 năm trước

Cho phép Đà Nẵng thí điểm thành lập Cảnh sát Du lịch nhằm tăng cường trách nhiệm giải quyết triệt để các đối tượng hàng rong, quản lý môi trường du lịch, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đảm bảo an toàn, an ninh cho khách du lịch. Đó là đề nghị của Đà Nẵng tại buổi làm việc với Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương do ông Phạm Xuân Đương, Phó trưởng Ban thường trực Ban làm Trưởng đoàn, về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020 và hiệu quả ngành du lịch Đà Nẵng vào chiều 30-6.

Dự buổi làm việc có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí; Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh cùng lãnh đạo các Sở, ngành thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh cho biết Đà Nẵng xác định 3 đột phá về phát triển kinh tế xã hội đó là phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch thương mại, tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, công nghệ thông tin; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm, xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường; và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để thực hiện thành công mục tiêu trên, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh đề nghị đề nghị Trung ương ban hành cơ chế phối hợp, liên kết vùng (mang tính pháp lý), trong đó Đà Nẵng là trung tâm, đầu tàu; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang thành cảng cá loại 1 và bố trí kinh phí thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển rừng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho thành phố; sớm ban hành Nghị định của Chính phủ về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

Liên quan đến vai trò và hiệu quả ngành công nghiệp du lịch trong chiến lược phát triển của thành phố, ông Ngô Quang Vinh – Giám đốc Sở Du lịch cho biết, ngành du lịch Đà Nẵng đã có những bước phát triển nhanh, trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của thành phố. Giai đoạn 2011-2015, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch ước đạt 16.6 triệu lượt người, tăng 21%/năm, trong đó khách quốc tế khoảng 4 triệu lượt; tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 40.9 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 32.6%/năm. Cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư với có 15 khách sạn 5 sao, hầu hết tất cả các thương hiệu lớn trên thế giới đều có mặt tại Đà Nẵng.

Để ngành du lịch ngày càng phát triển và có đóng góp nhiều hơn nữa cho thành phố trong thời gian đến, Đà Nẵng cũng đề nghị Trung ương một số nội dung, cụ thể: sớm có văn bản hướng dẫn cho Đà Nẵng có cơ chế ưu đãi đối với các đơn vị đầu tư về du lịch về thuế, phí và nhập khẩu các hàng hóa; cho phép Đà Nẵng thí điểm triển khai mô hình xe buýt 2 tầng; rà soát, sửa đổi các vướng mắc trong hoạt động kinh doanh lưu trú, khu điểm du lịch, lữ hành, hướng dẫn viên và thành lập Qũy xúc tiến du lịch; sớm công bố quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà để làm cơ sở đầu tư phát triển đúng hướng và bền vững. Cho phép Đà Nẵng và một số địa phương miền Trung như Huế, Quảng Nam liên kết mở văn phòng đại diện tại một số thị trường tiềm năng để xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch; tăng thời hạn cấp visa cho khách quốc tế vào Đà Nẵng, có thể cấp visa tại ngay cửa khẩu.

Ông Ngô Quang Vinh cũng cho biết, mỗi năm Đà Nẵng đón từ 4 – 5 triệu khách, đông gấp 4 lần dân số Đà Nẵng, khi lượng khách đông lên thì có rất nhiều vấn đề xảy ra. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp tuy nhiên lại không có quyền hạn để xử lý các tình huống xảy ra . Vì vậy, Trung ương cần thí điểm cho Đà Nẵng thành lập Cảnh sát Du lịch như một số nước trong khu vực ASEAN đã có.

Ông Phạm Xuân Đương – Phó ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, 3 đột phá của Đà Nẵng rất phù hợp tiềm năng và lợi thế của Đà Nẵng và bám sát với định hướng của cả nước. Đà Nẵng có lợi thế về sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế thuộc cảng nước sâu, lợi thế về giao thông đường bộ thì phải tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch. Thời gian đến cần phát triển các dịch vụ gắn kết các điểm đến, cung cấp cách dịch vụ cho lữ hành, vừa tổ chức hoạt động du lịch vừa tổ chức các dịch vụ, lễ hội để giữ chân du khách. Tổ chức thêm nhiều chương trình du lịch mới, kết nối với các địa phương lận cận… tạo động lực cho ngành du lịch Đà Nẵng ngày càng phát triển mạnh hơn nữa.

HIỀN TRANG