ĐÀ NẴNG: Vì sao ĐH Thể thao bãi biển Châu Á 2016 diễn ra vào mùa mưa bão?

8 năm trước

Chiều hôm qua 14/9, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp báo nhằm thông tin về công tác chuẩn bị và các hoạt động phụ trợ trong khuôn khổ Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á 2016 (ABG 5) sẽ diễn ra tại Đà Nẵng với thời gian dự kiến từ ngày 24/9 đến 3/10.

Hoàn tất 2/3 khối lượng chuẩn bị thì bị bão số 4

Theo Tổng cục TDTT, ABG 5 dự kiến thu hút 10.000 người tham dự, gồm 3.100 VĐV và 1.500 HLV, cán bộ đoàn đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á; 550 giám sát, trọng tài quốc tế, quan chức kỹ thuật, 900 trọng tài trong nước; hơn 1.500 tình nguyện viên; khoảng 600 nhà báo trong nước và quốc tế, các cán bộ, nhân viên an ninh, y tế, giao thông... 

Họp báo chiều 14/9 thông tin về công tác chuẩn bị và các hoạt động phụ trợ trong khuôn khổ Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á 2016 (ABG 5) sắp diễn ra tại Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Đáng chú ý, ông Nguyễn Phúc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban ABG 5 địa phương cho hay, đến trước ngày 12/9, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất tại 4 cụm phục vụ 14 môn thi đấu với 22 phân môn tranh 172 bộ huy chương đã cơ bản hoàn tất 2/3 khối lượng. BTC địa phương đã kiểm tra, thẩm định, đánh giá việc thi công để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo là lắp đặt các trang thiết bị thi đấu.

“Nhưng rất tiếc sau đó bị bão số 4 nên cơ bản những phần bố trí ở sát mép biển đã bị sóng dâng cao làm hư hỏng mặt bằng; hư hỏng và lún sụt một số thiết bị gắn trên cát, ví dụ như các khán đài phục vụ lễ khai mạc, bế mạc và môn bóng đá. Một số khán đài của các môn khác bố trí dọc bãi biển cũng bị ảnh hưởng về mặt kết cấu do lún sụt đế!” – ông Nguyễn Phúc Linh nói.

Do vậy, ông cho biết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị tư vấn, thi công để tìm biện pháp tốt nhất nhằm khắc phục nhanh nhất do thời gian từ nay đến ngày khai mạc ABG 5 không còn nhiều, chưa kể phải bàn giao mặt bằng sớm để lắp đặt các thiết bị thi đấu, đồng thời phục vụ việc tập luyện làm quen sân bãi trước khi thi đấu chính thức của các đoàn VĐV.

“UBND TP Đà Nẵng yêu cầu đơn vị thi công phấn đấu bằng mọi cách để đến ngày 19/9 bàn giao đầy đủ mặt bằng cho tất cả các bộ môn. Nhưng thực ra vấn đề vướng mắc mà chúng tôi lo lắng nhất hiện nay là làm sao khắc phục được hậu quả cơn bão số 4 để đảm bảo cơ sở vật chất đúng quy cách, đúng tiến độ để phục vụ cho ABG 5. Đó là cái chúng tôi đang lo nhất và đang cố gắng làm bằng mọi cách tốt nhất!” – ông Nguyễn Phúc Linh nói.

 

Vì sao tổ chức ABG 5 vào thời điểm bắt đầu mùa mưa bão?

Tại cuộc họp báo, PV Infonet đặt câu hỏi: Vì sao ABG 5 diễn ra vào thời điểm Đà Nẵng đã bước vào mùa mưa bão? Nếu đây là quyết định của Hội đồng Olympic Châu Á (OCA) thì lẽ ra BTC địa phương cũng giải thích rõ với họ để có thể dời sang thời điểm khác thích hợp hơn. Nhưng tại sao ABG 5 vẫn diễn ra vào thời điểm này?

 

Ông Nguyễn Phúc Linh: Trước khi lựa chọn Đà Nẵng và thời điểm tổ chức ABG 5, OCA đã tiến hành nhiều cuộc họp. Theo dự kiến ban đầu thì không chỉ tổ chức ở Đà Nẵng mà còn ở Khánh Hòa và Bình Thuận. Sau khi xem xét cơ sở vật chất qua nhiều lần khảo sát, OCA bỏ Bình Thuận do không có sân bay và việc di chuyển qua 3 địa điểm sẽ phức tạp cho công tác điều hành, tốn kém kinh phí.  Qua khảo sát cơ sở vật chất sau đó một thời gian, OCA tiếp tục bỏ Khánh Hòa và chỉ chọn Đà Nẵng.

Chúng tôi đã họp với OCA để lựa chọn thời điểm tổ chức ABG 5. Lúc đầu OCA dự kiến tổ chức vào tháng 10 – 11. Chúng tôi khuyến cáo OCA đó là lúc cao điểm mùa mưa bão nên cần tổ chức sớm hơn vào tháng 9, khi mùa mưa bão chỉ mới bắt đầu. Còn vì sao không dời lên sớm hơn nữa, chẳng hạn khoảng tháng 5 – 6, là do cấn nhiều hoạt động của OCA trên toàn thế giới mà gần đây nhất là Olympic Rio de Janeiro 2016 nên không còn thời gian nào khác hơn mà buộc phải lựa chọn thời điểm này.

Chúng tôi cũng khuyến cáo OCA thời điểm này Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung đã bước vào mùa mưa bão nên rất dễ dính mưa, áp thấp nhiệt đới và họ cũng đã biết điều này. Đây là một sự lựa chọn bất đắc dĩ chứ không phải chúng tôi muốn tổ chức vào thời điểm này.

 

PV Infonet: Lúc nãy ông có nói, nỗi lo lớn nhất hiện nay của BTC địa phương là làm sao kịp bàn giao mặt bằng trước ngày 19/9 để lắp đặt thiết bị thi đấu và phục vụ việc thi đấu làm quen sân bãi của các đoàn VĐV trước khi vào thi đấu chính thức. Nhưng nếu đến ngày 19/9 lại xảy ra một cơn bão như cơn bão số 4 vừa rồi thì sẽ giải quyết như thế nào?

Ông Nguyễn Phúc Linh: Tổ chức ABG 5 vào thời điểm này, chúng tôi cũng lường trước đây là mùa mưa bão. Khi đi tham quan ABG tổ chức ở Thái Lan, Trung Quốc thì vào thời điểm mưa bão, họ đều nghỉ thi đấu. Cho nên tình huống mưa bão cũng đã được đặt ra. Khi có bão lớn mà không thể tiếp tục thi đấu thì phải chấp nhận dừng, còn nếu chỉ có mưa mà không có bão thì với các môn thi đấu ngoài trời vẫn tiến hành như các môn thể thao khác, chẳng hạn bóng đá thì trời mưa vẫn cứ đá. Trừ trường hợp bất khả kháng thiên tai quá lớn thì phải chịu.

Tình huống này chúng tôi cũng đã đặt ra và OCA cũng biết điều này. Các quốc gia khác cũng vậy thôi. Như lần tôi tham dự ABG ở Thái Lan, lễ bế mạc bị trời mưa. BTC phải bố trí cho mỗi đại biểu một cái áo mưa và phần ăn nhẹ để ngồi dự. Nói chung, phương án đối với mưa bão cũng đã được đặt ra trong công tác chuẩn bị. Trong quá trình điều hành thi đấu, nếu không có mưa bão lớn thì vẫn tiến hành bình thường. Riêng lễ khai mạc, nếu có mưa bão lớn thì sẽ đưa vào tổ chức ở Cung thể thao Tiên Sơn.

 

Có quảng bá được cho du lịch Đà Nẵng khi ABG 5 diễn ra vào mùa thấp điểm?

PV Infonet: Mục tiêu của Đà Nẵng khi đăng cai ABG 5 là để quảng bá hình ảnh, du lịch TP. Nhưng mùa mưa bão lại là mùa thấp điểm với du lịch Đà Nẵng vốn còn nặng tính mùa vụ. Khách đến Đà Nẵng dịp ABG 5 có lẽ không nhiều. Kể cả người dân địa phương cũng ít tới khu vực bãi biển vào mùa này. Vì vậy lượng khán giả dự khán các cuộc thi đấu sẽ không cao, dù đây là cuộc tranh tài mang tầm cỡ châu lục và quốc tế. Như thế liệu Đà Nẵng có đạt được mục tiêu quảng bá hình ảnh, du lịch trong dịp ABG 5?

Ông Nguyễn Phúc Linh: Chúng tôi cũng biết thời điểm này khó cho công tác quảng bá du lịch, vì mùa cao điểm khách nội địa của Đà Nẵng rơi vào tầm tháng 4 - 8, còn mùa khách quốc tế của khu vực miền Trung rơi vào tháng 10 - 11 trở đi cho đến tháng 1 - 2. Khi tham quan các đại hội tổ chức trước đây ở Thái Lan, Trung Quốc, chúng tôi cũng đặt vấn đề tại sao các khu vực thi đấu rất ít khán giả tham gia thì công tác truyền thông sẽ bị hạn chế?

Tuy nhiên các nhà tổ chức của Trung Quốc, Thái Lan cũng như OCA đều giải thích các ABG chủ yếu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, quảng bá là chính chứ không phải thông qua người dân địa phương. Đối với Đà Nẵng, ABG 5 diễn ra tháng 9 – 10 là mùa thấp điểm du lịch nhưng chỉ với khách nội địa, nên công tác tuyên truyền, quảng bá cũng dựa vào báo chí cùng các kênh truyền thông trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng: TP đang thúc đẩy phát triển du lịch, tăng cường công tác quảng bá. Thông qua sự kiện này, hình ảnh của Đà Nẵng chắc chắn sẽ được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi cho các VĐV, các đoàn tham gia. Đến thời điểm này đã có 3.042 VĐV từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia ABG 5, chưa kể các lực lượng khác. Đây là kênh quảng bá rất tốt. Chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn chất lượng dịch vụ để người ta đến đây trải nghiệm sản phẩm của mình rồi tuyên truyền, quảng bá cho bạn bè, người thân. Từ đó, lượng khách đến Đà Nẵng sau sự kiện này chắc chắn sẽ tăng lên.

Từ tháng 9 – 12 tuy là mùa thấp điểm với du lịch Đà Nẵng nhưng là mùa thấp điểm về khách nội địa, còn thực ra đây là thời điểm bắt đầu mùa cao điểm khách quốc tế tập trung tương đối nhiều ở Hội An. Nhân sự kiện này, chúng tôi phải làm sao kéo khách quốc tế từ Hội An ra Đà Nẵng để trải nghiệm, tham gia các hoạt động phụ trợ, lễ khai mạc, bế mạc. Mục tiêu đăng cai ABG 5 vào thời điểm này cũng là để góp phần hạn chế mùa thấp điểm của du lịch Đà Nẵng. Tổ chức sự kiện vào mùa thấp điểm thì người ta mới đến với mình, còn không thì khách đến sẽ càng ít hơn!

HẢI CHÂU (ghi)

Nguồn: INFONET