Đà Nẵng: Trả lại cảnh quan di tích quốc gia thành Điện Hải

8 năm trước

Tại cuộc họp rà soát các đồ án kiến trúc và quy hoạch trên địa bàn TP Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã đồng ý chủ trương giải tỏa toàn bộ 54 hộ dân ở khu vực phía tây thành Điện Hải; không xây dựng kho lưu trữ của thành phố tại khu đất của Trung tâm người lớn tuổi mà quy hoạch thành công viên văn hóa, để tạo cảnh quan khuôn viên bao quanh thành Điện Hải; trùng tu tôn tạo lại toàn bộ không gian di tích thành Điện Hải.

Di tích quốc gia thành Điện Hải hiện nằm trong khuôn viên Bảo tàng Đà Nẵng

Đây là quyết định rất ý nghĩa đối với công tác bảo tồn di sản được người dân Đà Nẵng hết sức hoan nghênh. 

Trao đổi với chúng tôi, những hộ dân ở đây cho biết vì không gian sống nên mới dựng nhà sát vào chân tường thành Điện Hải, chứ họ không biết như vậy là xâm phạm di tích. Ông Lê Ngữ (tổ 25, P. Thạch Thang) có nhà nằm tiếp giáp 9m tường thành Điện Hải, diện tích nhà 130m2 cho hay, gia đình ông sẵn sàng giao trước mặt bằng khi thành phố thực hiện chủ trương khôi phục nguyên trạng thành Điện Hải. Bà Lê Thị Chanh (tổ 26, P. Thạch Thang) kể lại, gia đình bà chuyển đến sống kế bên chân thành Điện Hải từ năm 1950. Thành Điện Hải hồi đó cao lắm, cóhào nước chung quanh nữa, nhưng thời gian sau vì chỗ ở chật hẹp nên người dân mới cơi nới nhà vào sát chân tường. Bây giờ thành phố cóchủ trương thì gia đình bàsẵn sàng di dời.

Thành Điện Hải đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử buổi đầu chống Pháp, cũng là di tích lịch sử đặc biệt mà Đà Nẵng còn lưu giữ. Được xây dựng lần đầu tiên dưới thời Gia Long thứ 12 năm 1813 với tên gọi là đồn Điện Hải.

Năm 1823, Vua Minh Mạng cho dời đồn Điện Hải vào bên trong đất liền, trên một gò đất cao, được xây bằng gạch và đến năm 1835 Minh Mạng thứ 15, đồn được đổi tên là thành Điện Hải. Năm 1847 Thiệu Trị thứ 7, thành Điện Hải được mở rộng cóchu vi 556m, cao hơn 5m, chung quanh là hào sâu 3m. Thành có hai cửa, một cửa mở về phía nam, một cửa mở về phía Đông. Trong thành có hành cung, kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các Vua triều Nguyễn lại chú tâm xây dựng thành Điện Hải như vậy. Thực tế đã chứng minh, vào năm 1858, khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha lần đầu tiên nổsúng xâm lược Việt Nam, thành Điện Hải trở thành tiền đồn ngăn bước chân giặc.

Các hộ dân ở khu vực phía tây thành Điện Hải

"Cục Di sản văn hóa đã thông qua việc công nhận Bộ sưu tập súng thần công thành Điện Hải là Bảo vật quốc gia và đang làm thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận. Niềm vui này đến đúng thời điểm thành phố chủ trương trả lại nguyên trạng di tích thành Điện Hải nên càng có ý nghĩa. Sau này, nếu được khôi phục thì nơi đây sẽ trở thành điểm nhấn về văn hóa, lịch sử của thành phố và có một không hai của cả nước." (Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng)

Sau khi Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp vào ngày 30.11.1888, người Pháp biến nơi đây thành bệnh viện, rồi trường học. Sau ngày giải phóng 1975, thành Điện Hải được xưởng dược và Bệnh viện Da liễu Quảng - Đà tiếp quản, năm 1976 lại bàn giao cho Xí nghiệp dược phẩm Quảng Nam - Đà Nẵng. Vào năm 1988, thành Điện Hải được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích Lịch sử- Văn hóa cấp Quốc gia.

Đến năm 2004, thành phố Đà Nẵng di dời Xí nghiệp dược và cho xây dựng Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng trong khuôn viên thành Điện Hải. Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, những thập niên gần đây, tòa thành này càng bị xâm phạm nghiêm trọng, kể cả công trình dân sự và cơ quan nhà nước.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng cho biết, thời điểm lập hồ sơ xếp hạng di tích năm 1988, thành Điện Hải chỉ còn lại bốn tường thành chính cùng hệ thống hào rãnh ở phía đông và phía nam di tích, còn các hào rãnh khác đã bị xâm hại gần như hoàn toàn. Khu vực bờ tường phía tây của di tích thành Điện Hải có một số hộ dân làm nhà ở cách chân tường thành khoảng 5m. Đến nay, số hộ dân ở phía tây thành Điện Hải lên đến 54 hộ và họ đã cơi nới, xây dựng sát vào tường thành chính của di tích. Như vậy, cả khu vực bảo vệ I và II của di tích thành Điện Hải đều bị xâm phạm.

Cũng theo ông Huỳnh Văn Hùng: “Luật Di sản văn hóa quy định, di tích cấp quốc gia có hai vùng bảo vệ, vùng bảo vệ I gồm những yếu tố cấu thành di tích, vùng bảo vệ II phải cách vùng bảo vệ I từ 50 - 65m. Nhưng hiện tại, các công trình, cơ quan nhà nước đã và đang xâm hại di tích như: Công viên phần mềm số 2 Quang Trung, Trung tâm Hành chính thành phố, Trung tâm Thể dục-Thể thao người cao tuổi.

Đặc biệt, phía tây thành, 38 ngôi nhà của 28 hộ dân đã cơi nới, xây dựng sát vào tường thành, trưng dụng cả tường thành để đặt vật dụng sinh hoạt, xâm hại vùng bảo vệ I di tích. Điều này đã gây bức xúc và trăn trở cho những người làm công tác văn hóa cũng như người dân. Vì thế, quyết định của lãnh đạo thành phố về việc giải tỏa, di dời toàn bộ công trình nhà ở của 54 hộ phía tây thành Điện Hải (có thêm một số nhà liên đới ngoài 38 nhà nêu trên) và dừng công trình xây dựng kho lưu trữ ở vị trí tiếp giáp phía bắc thành Điện Hải là quyết định mạnh mẽ chưa từng có của chính quyền đối với việc bảo vệ, phát huy di tích. Thông tin này khiến chúng tôi thật sự vui mừng. Điều làm tôi bất ngờ là chính những hộ dân xâm lấn phía tây thành đã ủng hộ chủ trương này và sẵn sàng di dời”.

Trung Sáng

BÁO VĂN HÓA