ĐÀ NẴNG: Tập trung thu hút các dự án sạch, bền vững

8 năm trước

Một trong những tiêu chí quan trọng của việc thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn thành phố là các dự án phải đáp ứng các yêu cầu về môi trường, công nghệ và phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. Vì vậy, Đà Nẵng có những bước đi riêng về kêu gọi đầu tư; trong đó, có việc từ chối các dự án lớn nhưng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Định hướng của Đà Nẵng là thu hút các ngành không ảnh hưởng đến môi trường, có giá trị gia tăng cao.
Định hướng của Đà Nẵng là thu hút các ngành không ảnh hưởng đến môi trường, có giá trị gia tăng cao.

Trong quá trình thu hút đầu tư, lãnh đạo thành phố từng nhiều lần từ chối các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dù các dự án này có mức vốn đầu tư rất lớn. Cụ thể, năm 2007, từ chối ít nhất 2 dự án FDI có tổng vốn đầu tư lên đến gần 4 tỷ USD.

Trong đó có dự án xây dựng nhà máy thép của liên doanh China Steel Corporation (Đài Loan) - Sumitomo Metal Industries Corporation (Nhật) và dự án nhà máy sản xuất bột giấy của Nhật. Gần đây, Đà Nẵng tiếp tục từ chối dự án xây dựng nhà máy dệt nhuộm của một công ty Hàn Quốc với số vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD và một công ty khác của Hàn Quốc cũng đặt vấn đề cần 30ha đất để xây dựng khu liên hợp dệt nhuộm, do hai dự án này có công đoạn nhuộm có khả năng gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với định hướng phát triển bền vững của thành phố, mặc dù Đà Nẵng đang rất cần vốn FDI.

Nhìn lại tình hình thu hút FDI của những tháng đầu năm 2016 cho thấy, Đà Nẵng có kết quả thấp nhất cả nước với 26 dự án cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư 10,08 triệu USD, giảm 6 dự án và giảm 4,16 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015. Theo lý giải của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, thu hút FDI sụt giảm là do nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo đúng hợp đồng thuê đất đã ký nên bị thu hồi đất làm giảm quy mô đầu tư; Khu Công nghệ cao mới hoàn thiện hạ tầng trong khi tại khu vực này dân cư còn thưa thớt nên một số nhà đầu tư không muốn đầu tư.

Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng chưa phát triển nên một số dự án không thể đầu tư vì nếu đầu tư tại Đà Nẵng sẽ tốn nhiều chi phí vận chuyển do nhập khẩu hoặc phải mua linh kiện từ nơi khác đến làm tăng giá thành dẫn đến giảm sức cạnh tranh sản phẩm; ngoài ra, cơ chế đặc thù Khu công nghệ cao Đà Nẵng chưa được Chính phủ ban hành… Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (XTĐT) Lê Cảnh Dương cho biết: Thu hút đầu tư vào thành phố giảm sút từ năm 2010, có nhiều nguyên nhân nhưng lớn nhất vẫn là cơ chế, chính sách chưa thực sự cạnh tranh. Lâu nay XTĐT chưa chủ động, chủ yếu là nhà đầu tư tìm đến Đà Nẵng. Do đó, Đà Nẵng cần có cơ chế, chính sách đặc thù, hấp dẫn để thu hút đầu tư.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù tình hình thu hút đầu tư có sự sụt giảm, nhưng Đà Nẵng vẫn định hướng một hướng đi cho riêng mình là thu hút đầu tư của Đà Nẵng có chọn lọc, không chấp nhận những dự án có tác động lớn đến môi trường. Lãnh đạo thành phố cũng đã khẳng định Đà Nẵng không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà luôn có sự lựa chọn những ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao thân thiện với môi trường.

Một trong những việc làm cụ thể là thành phố đã rà soát quỹ đất, triệt để thu hồi đất của các dự án trong các khu công nghiệp không triển khai hoặc không có kế hoạch triển khai xây dựng để giao cho nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư dự án. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp tiếp tục được thực hiện tốt, đặc biệt trong các lĩnh vực thuế, hải quan, thành lập doanh nghiệp, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân và doanh nghiệp.

Về hỗ trợ tín dụng, năm 2015 và năm 2016, UBND thành phố đã cấp bổ sung vốn cho Quỹ Đầu tư phát triển thành phố 568 tỷ đồng, nâng tổng số vốn chủ sở hữu của Quỹ là 880 tỷ đồng để cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư. Ngoài ra, thành phố thường xuyên tổ chức những buổi đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc và hiến kế của doanh nghiệp, doanh nhân đến với lãnh đạo thành phố.

Về thu hút đầu tư, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố là phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại; tiếp tục ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ chất lượng cao, công nghệ thông tin và các lĩnh vực dịch vụ như giáo dục, y tế, logistics…

Trong đó, Đà Nẵng sẽ tiếp tục quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các dự án đầu tư mới, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển bền vững; không cấp phép các dự án đầu tư sử dụng hoặc đưa vào công nghệ và thiết bị lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc làm giảm tính cạnh tranh, làm ảnh hưởng đến phát triển bền vững và hội nhập của nền kinh tế thành phố.

Bài và ảnh: Phương Uyên