ĐÀ NẴNG: Nơi những cây cầu làm nên huyền thoại

8 năm trước

Thienkimreal - Đà Nẵng được thiên nhiên ban cho những thắng cảnh hùng vĩ và hữu tình, có Ngũ Hành Sơn sừng sững với động Huyền Không, chùa Linh Ứng, có con đường Hoàng Sa – Trường Sa mang đậm ý nghĩa bảo vệ chủ quyền đất nước. Cũng trên cung đường đó, có những khu resort sang trọng mà nên thơ, có những bãi biển quyến rũ biết bao du khách trong và ngoài nước. Khung cảnh tại đây đủ sức làm níu giữ những cảm xúc ấn tượng của du khách khi đã một lần ghé thăm.

Song hành với tạo hóa, nhân dân thành phố Đà Nẵng đã hợp sức để xây dựng một thành phố du lịch thật phát triển. Những thành quả to lớn mà Đà Nẵng làm được phải kể đến những cây cầu bắc qua dòng sông Hàn thơ mộng, vì lẽ đó, Đà Nẵng được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế ưu ái tặng danh hiệu “Thành phố của những cây cầu”. Nếu du khách nào đến Đà Nẵng và lỡ mang lòng say mê cảnh đẹp  nơi đây, thì sẽ không thể không yêu con sông Hàn thơ mộng chạy trong lòng thành phố và cả những cây cầu bắc qua dòng sông này.

Đầu tiên phải kể đến là cầu Quay sông Hàn - cây cầu nổi tiếng bởi sự độc nhất vô nhị của nó. Cây cầu này được xem là điểm nổi bật trên bầu trời kiến trúc Việt Nam hiện đại vì có thể quay được.

cau-song-han

Được khánh thành và đưa vào hoạt động từ năm 2000, cầu Quay vẫn ngày ngày chuyển động như là biểu tượng của thành phố trẻ Đà Nẵng năng động. Cây cầu nối liền hai bờ sông Hàn với chiều dài 487,7m, rộng 12,9m, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33m. Du khách đến đây có thể lang thang hóng gió và đợi chờ. Đúng 12h đêm, thời khắc cây cầu từ từ chuyển mình, rời hai bờ để xuôi theo dòng sông, giúp cho tàu thuyền qua lại dễ dàng hơn. Và đến khoảng 3h30 sáng, cây cầu lại trầm mặc với vị trị cũ, chờ đón mọi người qua lại vào một ngày mới.

Có thể nói đây là cây cầu có sứ mệnh “mở đường” để thành phố xây thêm những chiếc cầu độc đáo khác.

Tiếp đến là Cầu treo dây võng Thuận Phước. Cây cầu là đường nối liền thành phố với cảng biển Tiên Sa tuyệt đẹp. Cây cầu nối liền hai bờ sông Hàn và được khánh thành năm 2009, với sự tự hào của toàn thành phố Đà Nẵng bởi đây là cây cầu dây võng dài nhất ở Việt Nam. Cây cầu nối bán đảo Sơn Trà và quận Hải Châu, là chiếc chìa khóa vàng dẫn vào nàng tiên Sơn Trà đang say ngủ với nhiều giá trị tiềm năng. Đêm về, cầu Thuận Phước như một nàng công chúa mỹ miều, rực rỡ đèn in bóng xuống sông Hàn.

cau-thuan-phuoc

Cầu Thuận Phước lung linh khi thành phố lên đèn

Cầu Nguyễn Văn Trỗi được ví như  “Nàng Lọ Lem” của Đà Nẵng. Cây cầu này có tuổi đời ngót nửa thế kỷ, đã xuất sắc hoàn thành sứ mệnh lưu thông cho người Đà Nẵng và được quyết định giữ lại như một kỷ vật của thành phố. Cầu được xây dựng dã chiến của quân đội Mỹ chuyên chở khí tài chiến tranh từ cảng Tiên Sa vào thành phố. Lúc ấy cầu không có tên. Sau năm 1975, người ta đưa cầu vào sử dụng cho mục đích dân sinh và gọi là cầu Nguyễn Văn Trỗi. Đây là một cây cầu được nối từ các ống thép, hiện vẫn là một trong những cây cầu có kiến trúc lạ và đẹp của thành phố Đà Nẵng

cau-nguyen-van-troi

Cầu Nguyễn Văn Trỗi - "nàng lọ lem" của thành phố

Có lẽ ít ai biết đến con cầu nay. Đây là cây cầu cổ nhất của Đà Nẵng, trước đây người dân gọi là cầu Trịnh Minh Thế. Sau đổi thành cầu Trần Thị Lý. Nằm cách cầu Nguyễn Văn Trỗi khoảng 20m vốn chỉ là một cây cầu đường sắt và sau giải phóng, cầu được nâng cấp để sử dụng rộng rãi cho mọi người. Dự án cầy mới đã được thi công tháng 4/2009.  Đây là cầu dây văng một mặt phẳng, với kết cấu dây và tháp nghiêng đầu tiên ở Việt Nam. Cầu có chiều dài 680,5m, rộng 30,5m, điểm nhấn độc đáo của cầu và cũng là lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam chính là giữa cầu có tháp trụ hình chữ Y ngược cao 149m so với mặt sông. Đây sẽ là cây cầu đầu tiên của thành phố Đà Nẵng và cả Việt Nam sỡ hữu sàn vọng cảnh. Du khách sẽ được đi thang máy lên trụ tháp ở giữa cầu, dừng chân trên sàn vọng cảnh để chiêm ngưỡng toàn cảnh vịnh Đà Nẵng.

tran-thi-ly

Cầu Trần Thị Lý - cây cầu có sàn vọng cảnh đầu tiên ở Việt Nam

Cây cầu Rồng được khởi công vào 7/2009, nối dài tuyến đường Nguyễn Văn Linh từ sân bay quốc tế Đà Nẵng đến đường Hoàng Sa - Trường Sa. Cầu Rồng mô phỏng hình con rồng mạnh mẽ vươn ra biển, có chiều dài 666,5 mét, 6 làn xe, hai làn đường dành cho người đi bộ. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và công năng, và là sự hấp dẫn hàng đầu đối với du khách. Nét đặc trưng của cầu dễ phân biệt đó là mô hình hệ thống kết cấu dầm thép dưới dạng một con rồng bay qua sông Hàn, hướng ra biển. Đây được cho là thiết kế độc đáo chưa từng có trên thế giới về kết cấu chịu lực là sự kết hợp giữa dầm thép, vòm thép và dầm bê tông.

cau-rong

Thân "rồng" có kết cấu vòm bằng tổ hợp 5 ống thép vừa có tính năng nâng các nhịp cầu vừa làm nền cho các vảy rồng. Hệ thống chiếu sáng cầu gồm 15.000 đèn LED. "Rồng vàng" ở Đà Nẵng sẽ phun lửa và phun nước vào 21h tối Thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày lễ lớn.

Cầu Cẩm Lệ - Cầu đúc hẫng đầu tiên ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Đây là cây cầu nằm ở vùng ven, nối quốc lộ 1A và quốc lộ 14B, được xây dựng từ năm 2001, thi công theo công nghệ đúc hẫng - một công nghệ tiên tiến trên thế giới, nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam.

cau-cam-le

Cầu có chiều dài 399m, rộng 14,5m với sơ đồ nhịp là: 42m+5x63m+42m= 399m. Mặt cắt ngang dạng hộp thành xiên với chiều cao thay đổi từ 1,8m đến 3,8m, độ xiên của thành hộp là 10/1. Để áp dụng công nghệ thi công đúc hẫng, đơn vị thi công đã chế tạo thành công thiết bị chính là xe đúc hẫng. Đây là công nghệ giải quyết cùng lúc nhiều bài toán về xây dựng cầu như mặt bằng thi công, giá thành, thời gian thi công và đặc biệt là tăng tuổi thọ kết cấu của công trình. Thời gian gần đây, rất nhiều cầu trên cả nước đã triển khai công nghệ đúc hẫng này.

Cầu Tiên Sơn là đểm nối quan trọng giúp cảng biển Đà Nẵng - một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam trở nên sầm uất. Với sức chịu lực cao đây trở thành điểm trung chuyển của hàng triệu tấn hàng hóa sang các nước bạn Lào, Campuchia... qua hành lang kinh tế Đông Tây.

cau-tien-son

Cầu Tiên Sơn - cây cầu góp công rất lớn đến sự phát triển thành phố

Khánh thành cùng ngày với cầu Trần Thị Lý nhân sự kiện kỷ niệm giải phóng thành phố là cầu Nguyễn Tri Phương. Bắc qua sông Cẩm Lệ, cầu kết nối khu vực trung tâm với khu vực Đông Nam Thành phố Đà Nẵng. Với tổng mức đầu tư 1.062 tỷ đồng, Cầu được xây dựng với quy mô vĩnh cửu với chiều dài 801,8 mét gồm 20 nhịp, chiều rộng 26,3 mét, chia làm 6 làn, dãy phân cách ở giữa 1,3 mét dài 1280 mét. Được xây dựng là cầu đúc hẫng cân bằng gồm 2 mố 19 trụ, trong đó có 4 nhịp dầm bản 24m, 13 nhịp dầm SuperT 40 mét, 3 nhịp đúc hẫng cân bằng ở giữa sông

cau-nguyen-tri-phuong

Việc đưa vào sử dụng công trình trên sẽ mở ra một hướng phát triển mạnh mẽ cho các khu đô thị mới tại khu vực phía Nam của Đà Nẵng như Khu đô thị FPT City hay khu đô thị Phú Mỹ An. Đồng thời tạo nên một trục giao thông vận tải quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Đà Nẵng.

Thành phố đang lên kế hoạch xây dưng “ Cầu vỏ sò đi bộ”. Cùng với việc xây dựng cầu, một công viên có diện tích khoảng 1.500m2 nhô ra mặt sông ở phía bờ Tây cây cầu sẽ được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu ngắm cảnh, thưởng thức cà phê, giải khát…

cau-vo-so

Đặc biệt, ở phía bờ tây sẽ có một đảo công viên nhô ra sông khoảng 40-50 m có diện tích 1.500 m, sức chứa 500-700 người. Ở giữa sông, gần bờ đông sẽ tạo thêm một đảo diện tích khoảng 600 m phục vụ nhu cầu vui chơi, ngắm cảnh, thưởng thức ẩm thực, xem trình diễn pháo hoa, tổ chức biểu diễn ca nhạc và các hoạt động văn hoá với sức chứa khoảng 300 người..

Dòng sông Hàn thơ mộng, ngày càng như xích lại gần nhau hơn vì sự xuất hiện của những chiếc cầu tạo nên điểm nhấn ấn tượng. Mỗi chiếc cầu là một công trình nghệ thuật, với những kiến trúc đa dạng và độc đáo. Đặc biệt hơn, hầu hết những công nghệ này đều là lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Đà Nẵng, đã và đang cố gắng giữ vững danh hiệu của mình “THÀNH PHỐ ĐÁNG SỐNG NHẤT VIỆT NAM”.

DU LỊCH ĐÀ NẴNG