ĐÀ NẴNG: Nhiều mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả

8 năm trước

Bà Phan Thị Hiền, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành hơn 40 mô hình bảo vệ môi trường, cùng với hàng trăm câu lạc bộ bảo vệ môi trường khác. Các mô hình phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường ở các cấp, ngành và cơ sở.

Điển hình trong số đó là mô hình “Khu dân cư thân thiện với môi trường” do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố triển khai tháng 10-2013 trên toàn địa bàn thành phố. Sau khi hình thành, các địa phương thành lập ban vận động và thành lập các “Tổ tự quản bảo vệ môi trường”.

Định kỳ 2 tháng/lần, Tổ tự quản họp vận động người dân cam kết mỗi hộ gia đình có thùng rác tại nhà, thùng đốt vàng mã, không vứt rác bừa bãi, không xả nước thải ra vỉa hè, lòng đường, không để mùi hôi gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của khu dân cư, gia đình phải có nhà vệ sinh tự hoại đúng quy chuẩn.

Thùng rác hộ gia đình tại phường Hòa Khánh Bắc theo mô hình Khu dân cư thân thiện với môi trường.
Thùng rác hộ gia đình tại phường Hòa Khánh Bắc theo mô hình Khu dân cư thân thiện với môi trường.

Để mô hình hoạt động hiệu quả, nhiều địa phương cho ra đời các mô hình nhỏ khác như: Mô hình “Đội Thiếu niên tiền phong bảo vệ môi trường” của khu dân cư số 56 phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu gồm 17 học sinh, hằng tuần, vào các ngày thứ ba, năm, bảy và chủ nhật, tổ chức quét dọn các tuyến đường ở khu dân cư luôn sạch sẽ, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ; mô hình “Thùng rác hộ gia đình” của khu dân cư Quang Thành 4B1 phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu với tiêu chí thùng rác rẻ, bền, có nắp đậy, thùng rác hợp vệ sinh… Qua 3 năm thực hiện, đến nay mô hình “Khu dân cư thân thiện với môi trường” đã xây dựng được ở 28 khu dân cư và đã thực hiện hiệu quả công tác tự quản bảo vệ môi trường.

Hội LHPN thành phố có nhiều mô hình, sáng kiến hay trong bảo vệ môi trường. Trong đó, mô hình phát huy hiệu quả nhất phải kể đến “Phân loại rác thải tại nguồn” của Hội LHPN quận Hải Châu. Theo lãnh đạo Hội LHPN quận Hải Châu, thông qua mô hình này, góp phần giáo dục mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên, cùng nhau xây dựng cộng đồng xanh, bền vững. Hội đã vận động chị em phân loại rác thải tại hộ gia đình và đổ rác đúng nơi, đúng giờ quy định.

Từ các nguồn thải phế liệu có thể tái sử dụng được (vỏ lon bia, chai lọ nhựa, bìa carton, giấy vụn...), chị em thu gom bán gây quỹ Hội được hơn 2 tỷ đồng. Nguồn quỹ này được sử dụng để thực hiện chính sách an sinh xã hội như xây và sửa nhà tình thương, hỗ trợ sinh kế, tặng thẻ bảo hiểm y tế, sổ tiết kiệm, đồ dùng gia đình... cho phụ nữ nghèo; cấp học bổng, tặng quà, xe đạp, máy tính... cho học sinh nghèo, trẻ mồ côi và trang bị thùng rác để phân loại rác cho các hộ gia đình.

Mô hình “Tổ dân phố văn hóa trong việc cưới, việc cúng, việc tang” của phường An Hải Đông, quận Sơn Trà triển khai năm 2012 cũng đã phát huy hiệu quả. Với mô hình này, khi gia đình có đám tang cần treo cờ tang đúng nơi quy định, không ảnh hưởng đến an toàn giao thông; đám tang không nên để quá 72 giờ, khuyến khích hỏa táng người thân khi qua đời... Từ năm 2012 đến nay, toàn phường có hơn 220 trường hợp tổ chức mai táng cho người thân qua đời, nhưng tỷ lệ vi phạm rất nhỏ.

Cạnh đó, toàn phường trên 450 trường hợp tổ chức kết hôn văn hóa, không trường hợp nào tổ chức đám cưới xa xỉ, tốn kém, không đãi thuốc lá trong đám cưới. Từ khi thực hiện mô hình, tỷ lệ  hộ gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa luôn đạt tỷ lệ cao. Cụ thể, năm 2012 có 86,67% hộ gia đình văn hóa, 73% tổ dân phố văn hóa; năm 2013 có 89,37% hộ gia đình văn hóa, 80% tổ dân phố văn hóa;  năm 2014 có 90,11% hộ gia đình văn hóa, 82,7% tổ dân phố văn hóa; năm 2015 có 92,3% hộ gia đình văn hóa, 80,7% tổ dân phố
văn hóa…

Bà Huỳnh Thị Liễu Hoa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, những mô hình bảo vệ môi trường của các cấp, ngành, địa phương đã đóng một vai trò quan trọng trong việc vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn thành phố, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng thiết thực. Các mô hình này đang được ngành tài nguyên-môi trường triển khai, phối hợp để nhân rộng nhằm mang lại hiệu quả cao hơn trong thời gian đến, qua đó góp phần xây dựng “Đà Nẵng – Thành phố môi trường” vào năm 2020.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

BÁO ĐÀ NẴNG