ĐÀ NẴNG KÊU GỌI ĐẦU TƯ VÀO TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

1 năm trước

Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đang nỗ lực xây dựng môi trường thuận lợi, khuyến khích và mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI).

 

Nhiều tiềm năng phát triển AI

Sáng 23/11, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng tổ chức "Hội thảo Phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam và Cơ hội đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng".

Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, trí tuệ nhân tạo đang dần trở nên phổ biến và mang lại rất nhiều lợi ích cho cuộc sống con người. Và mục tiêu của Đà Nẵng là "trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á". Trong đó, một trong 5 lĩnh vực được ưu tiên phát triển là Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

"Tận dụng lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi; hệ thống hạ tầng mạng, hạ tầng công nghệ thông tin phát triển; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư hấp dẫn; môi trường sống chất lượng cao. Đà Nẵng hiện đang nỗ lực xây dựng môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có trí tuệ nhân tạo đến triển khai dự án tại thành phố", bà Phương khẳng định.

Theo bà Phương, thời gian qua, Đà Nẵng đã triển khai nhiều chương trình liên quan đến nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, thành phố hiện có Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã được đầu tư hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh và đồng bộ với những chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vượt trội. 

tri-tue

Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thành Vân.

Và 2 khu công nghệ thông tin tập trung, gồm Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng và Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (giai đoạn 1) với các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất cũng như thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc.

Trong khi đó, ông Christopher Morley, Ủy ban Thương mại và Đầu tư Úc cho biết, Úc là 1 trong những quốc gia phát triển rất mạnh mẽ công nghệ thông tin, trong đó như AI, blockchain, nền tảng thiết kế đồ họa… Đáng chú ý, thời gian qua, Úc đã áp dụng các giải pháp AI vào nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, tài nguyên và năng lượng, tài chính, bán lẻ…

Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển kinh tế trên thế giới, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19, kinh tế vĩ mô vẫn tăng trưởng tốt. Từ tháng 3/2022, Việt Nam đã mở cửa quốc tế, đây là điều kiện cho du khách và doanh nghiệp FDI tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam. 

Ngoài ra, môi trường kinh doanh của Việt Nam được hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ, đặc biệt là môi trường đầu tư đang dần được cải thiện; nguồn lao động dồi dào; các hiệp định thương mại mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết… đang là lợi thế để thu hút doanh nghiệp FDI vào Việt Nam.

"Kinh tế số Việt Nam đang tăng trưởng mạnh trong những năm qua, dự kiến tăng khoảng 30% trong thời gian tới. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ số cũng đang được Việt Nam phát triển vào nhiều lĩnh vực", ông Christopher Morley đánh giá và cho rằng, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ thông tin, trong đó có trí tuệ nhân tạo. 

z3903196810268_8553fb5d913f8c60398af9fb951271b8

Hội thảo Phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam và Cơ hội đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng. Ảnh: Thành Vân.

Xây dựng nguồn lao động

Trao đổi tại hội thảo, ông Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý thông thoáng đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống.

Đồng thời, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tăng cường năng lực quốc gia về tính toán hiệu năng cao, tính toán đám mây, tính toán sương mù…

"Triển khai phổ cập kỹ năng cơ bản về ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho thanh thiếu niên. Thúc đẩy triển khai các hình thức đào tạo chứng chỉ ngắn hạn và trung hạn về trí tuệ nhân tạo cho sinh viên thuộc các ngành nghề khác nhau, người lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp", ông Tùng cho hay.

Theo ông Tùng, Việt Nam sẽ thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước xây dựng các các trung tâm đào tạo, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu. Trong đó, nhà nước đầu tư xây dựng một số trung tâm trọng điểm nghiên cứu, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu tại một số trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu…

Về nguồn lao động công nghệ thông tin ở Đà Nẵng, ThS. Trần Thị Thùy Dương, Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghệ - Sở KH&CN Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, thành phố cũng rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ nhân lực đảm bảo số lượng và chất lượng phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghệ thông tin nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng.

Tính đến nay, TP. Đà Nẵng có 2,1 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân (đứng thứ 2 sau TP.HCM). Trong đó, nhân lực công nghệ thông tin của thành phố hơn 44.000 người, chiếm 7,6% trong tổng số lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên. 

Thành phố hiện có 38 cơ sở đào tạo công nghệ thông tin, trong đó có 17 trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên ngành công nghệ thông, 13 trường đại học, cao đẳng đào tạo các chuyên ngành điện tử - viễn thông, cơ điện tử, tự động hóa, tin học thống kê, tin học xây dựng... Năm 2021, chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành liên quan công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố là 6.000 học sinh, sinh viên. 

Nguồn: Thành Vân (Theo nhadautu.vn)