Cung Thiếu nhi Đà Nẵng: Đào tạo năng khiếu là trên hết

8 năm trước

Hoạt động của Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng đang rơi vào thế “ngày vắng – đêm đông”. Làm thế nào để cơ sở này được khai thác hết công năng sử dụng là nội dung bàn luận tại buổi làm việc giữa Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng với lãnh đạo Nhà Thiếu nhi, vào sáng 11-10, về Đề án thành lập Cung Thiếu nhi Đà Nẵng trên cơ sở tổ chức lại Nhà Thiếu nhi.

Một góc Cung Thiếu nhi Đà Nẵng. Ảnh: BÌNH AN
Một góc Cung Thiếu nhi Đà Nẵng. Ảnh: BÌNH AN

Không để trường học trong Cung Thiếu nhi

Năm 1992, thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của thành phố, Trường tiểu học bán công năng khiếu Đà Nẵng được thành lập, thuộc Nhà Thiếu nhi thành phố. Do vậy, Nhà Thiếu nhi vừa có học sinh ngoại khóa, vừa có học sinh chính khóa, ổn định được lượng học sinh học các ngày trong tuần, khai thác, sử dụng tối đa cơ sở vật chất.

Đến nay, khi chuyển về cơ sở mới (số 2 Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu), Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng chỉ có học sinh theo học từ 17 giờ hằng ngày trở đi và cuối tuần, dịp hè. Vào ban ngày, Nhà Thiếu nhi hoàn toàn vắng bóng học sinh do các em bận học văn hóa ở trường. Trước tình hình này, Ban giám đốc (BGĐ) Nhà Thiếu nhi xin phép lãnh đạo thành phố hình thành trường mẫu giáo hoặc trường tiểu học thuộc Nhà thiếu nhi như trước đây. Dù việc này trái với chủ trương của Nhà nước và không thuộc phạm vi hoạt động của một nhà thiếu nhi theo Hướng dẫn số 15 HDLT/BTCTW-TƯĐTNCSHCM ngày 29-11-2002 của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Bí thư Trung ương Đoàn về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của nhà thiếu nhi ở các địa phương.

Ông Nguyễn Nhẫn, Giám đốc Nhà Thiếu nhi lý giải: “Ngoài chức năng phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu trên các lĩnh vực thẩm mỹ, nghệ thuật, thể dục-thể thao, Nhà thiếu nhi còn là nơi tổ chức thực hiện và thể nghiệm các mô hình hoạt động của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Không có học sinh “cứng” thì chúng tôi không thể thực hiện nhiệm vụ này cũng như phục vụ các nhu cầu chính trị của địa phương. Hiện nay, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở vào đến các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ đều có trường học trong nhà thiếu nhi”.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhấn mạnh: “Các trường đã có đào tạo học sinh giỏi Toán, Văn thì đào tạo vẽ đẹp, hát hay, múa giỏi là nhiệm vụ của Cung Thiếu nhi. Do đó, phải có những hội thi thường xuyên. Đây phải là nơi đào tạo nguồn nghệ sĩ sau này. Phải liên kết với các trường nghệ thuật để có đầu ra chứ cứ đào tạo giữa chừng xong rồi thả, không đào tạo nữa thì thui chột tài năng nghệ thuật...”. “Cung Thiếu nhi chỉ làm đúng chức năng đào tạo năng khiếu”.

Các em thiếu nhi học múa tại Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng.
Các em thiếu nhi học múa tại Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng.

Liên kết, liên doanh để khai thác hiệu quả

Hiện Nhà thiếu nhi Đà Nẵng đang đào tạo cho hơn 1.000 em với 22 bộ môn năng khiếu, thể thao. Ông Nguyễn Nhẫn đề xuất thành phố cho cơ chế đặc thù để Cung Thiếu nhi có thể cho thuê cơ sở vật chất, tận dụng khai thác ngoài giờ đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu để tăng tính tự chủ nguồn kinh phí hoạt động, giảm dần sự phụ thuộc ngân sách Nhà nước; vì hiện nay Cung Thiếu nhi là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động nên theo quy định chưa thể cho thuê tài sản, cơ sở vật chất được. Cần liên kết với các trung tâm và các cá nhân mở thêm các lớp văn hóa, năng khiếu trong thời gian chính khóa từ 7 giờ đến 17 giờ các ngày trong tuần để phục vụ các em có nhu cầu.

Về đề xuất này, ông Nguyễn Thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng: “Theo quy định, tự chủ một phần kinh phí thì được quyền cho thuê không phải xin. Cơ chế sử dụng công - tư phải hợp lý. Ngày lễ, Tết... phải phục vụ cho nhiệm vụ chung chứ không thể để tư nhân thuê rồi các đơn vị Nhà nước phải thuê lại của tư nhân. Được liên kết, liên doanh nhưng là để phục vụ cho các sự kiện, các hoạt động văn hóa-văn nghệ cho các ngành, các cấp”.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đồng ý với đề xuất liên kết, liên doanh của Cung Thiếu nhi và đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực phối hợp để bảo đảm các em học sinh có điều kiện sinh hoạt ở Cung Thiếu nhi nhiều hơn. “Tuy nhiên, Cung Thiếu nhi phải lưu ý trên hết vẫn là nhiệm vụ đào tạo thể chất, năng khiếu. Đừng quá lo chuyện kinh doanh. Đây là một trong những công trình văn hóa do Nhà nước đầu tư. Là đầu tư công - quản trị tư, nên phải cải tiến, nâng cao hiệu suất, giá học phí thấp mà chẳng có ai học là có vấn đề đấy”, ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.

Được xây dựng từ ngày 1-6-2015, Cung Thiếu nhi Đà Nẵng bắt đầu hoạt động từ tháng 9-2016. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập do Thành Đoàn Đà Nẵng làm cơ quan chủ quản. Cung Thiếu nhi Đà Nẵng được xây dựng trên diện tích hơn 33.000m2, trong đó gần 7.000m2 diện tích xây dựng, còn lại là khuôn viên, cây xanh, cảnh quan, khu vui chơi ngoài trời với tổng đầu tư gần 250 tỷ đồng. Riêng công trình khối nhà quy mô 3 tầng tổng chiều cao 18m được bố trí các khu đa chức năng, khu vui chơi, giải trí, các phòng học năng khiếu, thư viện, hội trường... Các mặt đứng khối nhà được trang trí bằng hình các con thú nhiều màu sắc xoay quanh công trình. Mặt trong là những bức tường màu sinh động, kết hợp với cảnh quan khuôn viên. Kiến trúc của công trình được thiết kế bởi một công ty của Hàn Quốc dựa trên ý tưởng trò chơi xếp hình Tangram.

Bài và ảnh: BÌNH AN

BÁO ĐÀ NẴNG