Cổng chào 200 tỷ và chuyện được – mất khi xây biểu tượng du lịch

8 năm trước

Ngay khi thông tin về chiếc cổng chào này được công bố rộng rãi trên báo chí, tôi đã thấy rất nhiều người cho rằng 200 tỷ cho một cái cổng là lãng phí. Tôi thì nghĩ, ý kiến đó có vẻ hơi phiến diện và nóng vội. Xây dựng một công trình mang tính biểu tượng của tỉnh tốn kém tiền tỷ, đâu phải bây giờ tại Việt Nam mới có.

Khi những tranh cãi, ồn ào về chuyện xây trụ sở, tượng đài nghìn tỷ mới chỉ vừa tạm lắng xuống thì mới đây, dư luận lại đang hướng sự quan tâm mạnh mẽ vào một công trình cũng tiền tỷ khác. Đó là cổng chào gần 200 tỷ của tỉnh Quảng Ninh.

Theo thông tin trên báo chí, cổng chào này nằm trong tổng thể Dự án Công trình cổng tỉnh và điểm dừng chân, giới thiệu sản phẩm tỉnh Quảng Ninh đặt tại xã Bình Dương, thị xã Đông Triều. Toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư 368 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách tỉnh chi cho giải phóng mặt bằng khoảng 10 tỷ đồng, toàn bộ số vốn còn lại từ nguồn xã hội hóa và vốn tự có của chủ đầu tư. Các điểm dừng chân sẽ gồm trung tâm dịch vụ ăn uống, giới thiệu, bán các sản phẩm địa phương, có cả cây xăng, trạm bảo dưỡng xe phục vụ du khách, dự kiến đưa vào sử dụng từ tháng 3/2017. 

Riêng hạng mục cổng chào có vốn đầu tư 198 tỷ đồng, được thiết kế bằng khung thép với 8 cột chính có độ cao 38-43m. Lấy ý tưởng từ những dãy núi đá trùng điệp và tạo dáng hình rồng, mô hình cổng chào này được cho là kết hợp giữa hai yếu tố di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Trung tâm phật giáo Yên Tử.

Tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng cổng chào này sẽ mang đến vẻ uy nghi, khác biệt và phản ánh được truyền thống văn hóa lịch sử của vùng đất Quảng Ninh, từ đó tạo ấn tượng với du khách, thu hút du lịch cho tỉnh nhà.

Ngay khi thông tin về chiếc cổng chào này được công bố rộng rãi trên báo chí, tôi đã thấy rất nhiều người cho rằng 200 tỷ cho một cái cổng là lãng phí. Tôi thì nghĩ, ý kiến đó có vẻ hơi phiến diện và nóng vội. Xây dựng một công trình mang tính biểu tượng của tỉnh tốn kém tiền tỷ, đâu phải bây giờ tại Việt Nam mới có.

Đà Nẵng từng bỏ ra hơn 1.500 tỷ đồng xây dựng cầu Rồng nhưng những gì mà cây cầu ấy mang lại cho Đà Nẵng thì còn to lớn hơn số tiền nghìn tỷ kia. Cầu Rồng đã trở thành một điểm nhấn ấn tượng, một hình ảnh độc đáo không thể lẫn vào đâu được của Đà Nẵng, vừa là niềm tự hào, vừa tạo sức hút du lịch vô cùng mạnh mẽ.

Các công trình mang tính biểu tượng mà quá trình xây dựng rất tốn kém cũng có mặt ở khắp các quốc gia trên thế giới. Pháp từng bỏ ra 8,8 triệu USD để làm tháp Eiffel và biến nó trở thành biểu tượng của đất nước, không ít du khách mơ ước một lần đặt chân đến đây để chụp hình. Rồi khi đến Singapore, du khách nào cũng muốn đến ngắm bức tượng Merlion nổi tiếng với đầu sư tử, mình cá – biểu tượng đặc trưng của quốc đảo này.

Chi phí để xây bức tượng ấy là 7,5 triệu USD. Tôi thấy, xét về lợi thế du lịch, với những địa danh nổi tiếng khắp trong và ngoài nước như Vịnh Hạ Long, đảo Cô Tô, núi thiêng Yên Tử…, Quảng Ninh chẳng thua kém gì Đà Nẵng, thậm chí còn “ăn đứt” cả một quốc đảo vốn ít được thiên nhiên ưu đãi như Singapore.

Mỗi năm Quảng Ninh thu hút hàng triệu lượt khách du lịch, vậy thì bỏ tiền tỷ xây dựng một công trình mang đậm dấu ấn, bản sắc của tỉnh, để hình ảnh đó “găm” vào trong trí nhớ của du khách, thúc đẩy du lịch tỉnh nhà là việc có ý nghĩa đấy chứ! Huống hồ Quảng Ninh có vẻ đã có sự tính toán kỹ lưỡng, bởi cổng chào chỉ là một phần trong toàn bộ dự án điểm dừng chân.

Các cách thức để thu hút du lịch, phát triển kinh tế ở những điểm dừng chân cũng đã được tỉnh tính toán kỹ cả rồi. Tại nhiều tỉnh, việc xây dựng điểm dừng chân du lịch đã được đầu tư khai thác từ rất lâu, mang lại kết quả tích cực. Lân cận Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương đã đầu tư xây dựng khá bài bản một số trạm dừng chân như Việt Tiên Sơn, Minh Anh, nhà hàng 559… Thực tế đã chứng minh, kinh tế ở những khu vực điểm dừng chân này khá phát triển, trong khi du khách thì có ấn tượng tốt về du lịch của tỉnh.

Chúng ta buồn cười ở chỗ, hễ thấy công trình, dự án gì phải chi tiền nhiều thì ngay lập tức cho rằng nó lãng phí, mà quên đi việc phải nhìn nhận một cách toàn diện giữa cái được và cái mất, những lợi ích về lâu về dài.

Có độc giả đặt vấn đề, y tế, trường học miền núi đều thiếu thốn, sao không lo mà lại đổ vào những thứ "có như không" thế này? Thiết nghĩ, mỗi tỉnh có một hoàn cảnh khác nhau. Quảng Ninh vẫn đang đầu tư cho nhiều dự án về trường học, bệnh viện chứ đâu phải vì lo cho cái cổng chào mà bỏ bẵng các dự án dân sinh thiết thực khác đâu.

Chúng ta càng không thể so Quảng Ninh với những tỉnh miền núi. Không thể bắt một anh lương 20 triệu sống cuộc sống giống với anh lương 2 triệu được. Quảng Ninh với tư cách tỉnh phát triển du lịch thuộc top đầu cả nước, việc cần một điểm nhấn ở cửa ngõ tỉnh là cần thiết.

Việc đầu tư trăm tỷ hay nghìn tỷ không quan trọng, quan trọng nhất là sự đầu tư đó phát huy được tác dụng về kinh tế, văn hóa, xã hội trong tương lai.

Nếu nhờ những công trình này mà ngành du lịch Quảng Ninh phát triển vượt bậc, nguồn ngân sách thu về lớn gấp nhiều lần vốn ban đầu bỏ ra, từ đó có thể tái đầu tư cho phúc lợi xã hội của tỉnh, vậy thì cũng đáng để đầu tư lắm chứ!

Thái Minh (Tuổi Trẻ & Đời Sống)