CƠ HỘI ĐẦU TƯ NHÌN TỪ NỢ XẤU

8 năm trước

Khẳng định các nhà đầu tư của VinaCapital nói riêng và nhà đầu tư quốc tế nói chung vẫn luôn hào hứng dõi theo chương trình CPH của VN, ông Andy Hồ – GĐĐH kiêm Trưởng phòng Đầu tư tập đoàn chia sẻ cụ thể về những điểm sáng CPH năm nay, cũng như cơ hội đầu tư nhìn từ nợ xấu lẫn các biến số vĩ mô của nền kinh tế.

Tâm điểm đầu tư: Sabeco, Habeco và 9% cổ phần của Vinamilk

Nhiều nhà đầu tư cho rằng cổ phần hóa DNNN hiện đã bớt sức hấp dẫn, ông đánh giá về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

ong-andy-ho-copy

Thực ra, CPH các DNNN luôn hấp dẫn giới đầu tư quốc tế, tuy nhiên trong vài năm qua việc thực hiện chưa nhanh được như kỳ vọng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã khá hào hứng trước việc Chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháp đẩy nhanh chương trình CPH, như gần đây đã đưa ra kế hoạch để niêm yết các DN như Habeco và Sabeco, thu hút rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Sự chậm trễ trong việc CPH là điều dễ nhận ra. Vậy, các nhà đầu tư mong đợi những gì để cải thiện, thay đổi việc chậm trễ trong qua trình thoái vốn này, thưa ông?

Chúng tôi luôn trao đổi với các nhà đầu tư rằng SCIC đang thực hiện việc thoái vốn khỏi các DNNN theo một lộ trình chặt chẽ bởi đây đều là các DN có quy mô lớn trên thị trường chứng khoán. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, hiện nay tiêu điểm chính là kế hoạch của SCIC để bán 9% cổ phần của Vinamilk. VinaCapital tin rằng thương vụ sẽ thành công tốt đẹp.

Dù là DNNN hay Cty tư nhân thì một yếu tố quan trọng là có bao nhiêu lượng cổ phiếu được giao dịch tự do, bởi lượng này càng nhiều thì thanh khoản càng được cải thiện.

Bên cạnh DNNN cổ phần hóa, theo ông, các loại hàng hóa nào đang hấp dẫn ở thị trường VN? Liệu có rào cản nào đối với nhu cầu đầu tư vào các DN lớn đó?

Các lĩnh vực phục vụ thị trường nội địa như tiêu dùng, thực phẩm và đồ uống có rất nhiều DN giàu triển vọng, được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Dẫu vậy, một trở ngại lớn đối với nhà đầu tư là chưa có nhiều DN mạnh dạn nới room. Bên cạnh đó, thanh khoản chung của thị trường cũng như của nhiều Cty chưa cao, nên nếu nới room thì nhà đầu tư nước ngoài cũng khó mua được cổ phiếu. Dù là DNNN hay Cty tư nhân thì một yếu tố quan trọng là có bao nhiêu lượng cổ phiếu được giao dịch tự do, bởi lượng này càng nhiều thì thanh khoản càng được cải thiện.

Chờ đợi quy định được mua BĐS thế chấp

Có một loại hàng hóa vẫn đang gần như “đóng băng” là nợ xấu đang được giữ ở VAMC. Nhà đầu tư nước ngoài có hứng thú với hàng hóa này? Những rào cản sau một giai đoạn nỗ lực tháo gỡ để tạo điều kiện bán hàng hóa này hiện nay đã được giải quyết?

VAMC đến nay đã mua một lượng khá lớn nợ xấu từ các ngân hàng thương mại, giúp giảm tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống. Hiện tại, các khoản nợ xấu mà VAMC mua lại cũng được nhiều nhà đầu tư chú ý, một lý do là vì khi mua VAMC đã xem xét chất lượng khoản nợ khá kỹ lưỡng, như phải có tài sản đảm bảo và chứng từ rõ ràng. Nhưng để biến sự quan tâm của nhà đầu tư thành hiện thực thì còn không ít khó khăn. Chúng tôi nghĩ rằng VAMC nên tăng cường đàm phán với các ngân hàng để có chủ quyền đối với các khoản nợ và tránh các tranh chấp pháp lý có thể gây mất nhiều thời gian. Mặt khác, luật phá sản nên được đơn giản hóa, để các DN vay nợ nhưng không kinh doanh được nữa có thể dễ dàng nộp hồ sơ phá sản và thanh lý tài sản nhanh chóng.

Trong trường hợp nếu VAMC bán được các khoản nợ xấu đã mua, theo ông, điều này có tác động đến thị trường tài chính, lãi suất, lạm phát và thị trường địa ốc ra sao? Có thể ước lượng được tác động của khối nợ xấu bán ra, đối với lạm phát của VN, xét trong bối cảnh và các điều kiện vĩ mô 2016-2017 hay không?

VN đã cho phép người nước ngoài được mua BĐS, và chúng tôi mong rằng sắp tới đây một quy định tương tự cũng sẽ được xây dựng đối với các BĐS là tài sản thế chấp cho các khoản nợ xấu. Khi đó, nhu cầu về BĐS có thể tăng về cả nhà ở lẫn thương mại, tạo thêm động lực cho sự phục hồi của một lĩnh vực rất quan trọng đối với nền kinh tế, liên kết chặt chẽ với nhiều lĩnh vực khác. Chúng tôi cũng tin rằng khi dòng vốn vào lĩnh vực nhà ở dồi dào hơn, lãi suất vay thế chấp mua nhà có thể giảm xuống, người mua nhà sẽ được nhiều lợi ích hơn.

Hiện tại, lạm phát ở mức 3.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu thị trường BĐS có thêm nguồn cung từ việc xử lý nợ xấu thì giá BĐS có thể được được kiểm soát tốt hơn, từ đó góp phần giữ ổn định lạm phát.

Theo ông, trong trường hợp tín dụng thực sự tăng trưởng gần 21% như kế hoạch nới lỏng năm nay thì có ảnh hưởng đến lạm phát và tỷ giá, có là nỗi e ngại của các nhà đầu tư quốc tế trong năm sau? Nếu lạm phát vượt 5% thì đâu là những vấn đề đáng quan ngại đối với nỗ lực thu hút đầu tư thời gian tới?

Cũng có một số quan ngại, nếu tăng trưởng tín dụng cao như mục tiêu của NHNN thì sẽ gây áp lực làm tăng lạm phát. Tuy nhiên, VinaCapital dự báo lạm phát đến cuối năm ở mức 4-5%, tương tự như mục tiêu của Chính phủ. Hiện tại, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng khá dồi dào và việc lượng tiền gửi ở các ngân hàng đang cao hơn lượng cho vay giúp lãi suất vẫn thấp. Mặt khác, chi phí sản xuất của VN hiện cũng không cao nên các DN không nhất thiết tăng giá hàng hóa.

Đối với tỷ giá, chúng tôi tin, với lượng dự trữ ngoại hối khá dồi dào hiện nay, sẽ điều phối một cách hiệu quả trước các áp lực lạm phát, nếu có.
Còn về thu hút vốn đầu tư tài chính quốc tế, VinaCapital cho rằng khi nhà đầu tư quyết định tham gia các cơ hội tại VN thì đã cân nhắc tất cả các yếu tố vĩ mô hiện tại và các dự báo từ nhiều cơ quan uy tín để đưa ra chiến lược phù hợp. Điều quan trọng nhất với nhà đầu tư vẫn là thị trường VN phải phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có thêm nhiều công ty tốt niêm yết, nâng cao thanh khoản để nhà đầu tư có thể tham gia thuận lợi hơn.

Xin cảm ơn ông!

 Lê Mỹ thực hiện