Chung cư không có Ban quản trị, không thu được Quỹ bảo trì: Hàng ngàn cư dân 'sống trong sợ hãi'

8 năm trước

Hàng trăm toà nhà tái định cư cũng như chung cư thương mại trên địa bàn TP Hà Nội đang rơi vào tình trạng không có Ban quản trị, không có hoặc không thu được Quỹ bảo trì dẫn đến chất lượng tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ cháy nổ rình rập.

Chung cư không có Ban quản trị, không thu được Quỹ bảo trì: Hàng ngàn cư dân 'sống trong sợ hãi'

Hàng trăm toà nhà tái định cư cũng như chung cư thương mại đang xuống cấp nghiêm trọng

Hàng loạt chung cư 

Đã 3 năm trôi qua, Chung cư Sông Hồng Parkview số 165 Thái Hà (Quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn chưa có một Ban quản trị cho riêng mình, cũng từ đó mà hàng loạt vấn đề phát sinh.

Theo phản ánh của bà Dung, kể từ khi bàn giao căn hộ đầu tiên đến nay đã 3 năm nhưng chủ đầu tư cố tình không tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu để thành lập Ban quản trị theo quy định của pháp luật, điều đó khiến nhiều kiến nghị của cư dân không được xử lý kịp thời khiến hàng loạt vấn đề nảy sinh như: Nước sạch nhiễm độc chất, mất trật tự công cộng, lấn chiếm quỹ đất chung, cùng nhiều những lùm xùm chưa có lời giải đáp thỏa đáng cho cụm dân cư nơi đây.

Cùng chung cảnh ngộ là khu chung cư Đồng Tàu gồm 10 tòa nhà (N1-N10) tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, sử dụng từ năm 2006 phục vụ tái định cư của thành phố. Chung cư hiện rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng do không thu được nguồn kinh phí để bảo trì, bảo dưỡng tòa nhà. 

Không chỉ dừng lại ở việc không có ban quản trị, theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong số hơn 600 chung cư ở Hà Nội, có chưa tới 20% chủ đầu tư nghiêm chỉnh thực hiện quy định bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban Quản trị. 

Quay trở lại câu chuyện tại chung cư Sông Hồng Parkview, Luật Nhà ở quy định, nguồn kinh phí để bảo dưỡng, bảo trì những hỏng hóc phát sinh trong tòa nhà sẽ lấy từ phí bảo trì 2% - Phí này do chính người dân khi mua nhà đã đóng 2% giá trị căn hộ để thực hiện bảo trì, sửa chữa các hạng mục nếu xảy ra hư hỏng. Nhưng vì chủ đầu tư trì hoãn việc thành lập Ban quản trị nên bấy lâu nay người dân chung cư Sông Hồng Parkview vẫn không biết hàng chục tỷ đồng bảo trì đang ở đâu?.

Còn sau nhiều lần đề nghị chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì chung cư nhưng không được thực hiện, Ban quản trị Tòa nhà NO17-1, NO17-2 khu đô thị mới Sài Đồng – Long Biên (Hà Nội) đã chính thức đệ đơn lên Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm để khởi kiện Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5.

Trước đó cư dân ở chung cư Sky City, 88 Láng Hạ, quận Đống Đa đã phải căng băng rôn biểu tình, yêu cầu chủ đầu tư là Công ty TNHH Hanotex khắc phục các sai phạm, trong đó có việc hoàn trả khoảng 30 tỷ đồng phí bảo trì cho cư dân. 

Cần chế tài đủ mạnh

Thực tế, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02 về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư (có hiệu lực từ ngày 2.4.2016), trong đó Khoản 7, Điều 36 Thông tư 02/2016/TT-BXD về việc lập, bàn giao và quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu quy định: Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn kinh phí bảo trì phần sở hữu chung theo quy định tại Điều này thì Ban quản trị nhà chung cư đề nghị UBND cấp tỉnh - nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế theo quy định của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

Đây là điểm mới đáng chú ý về quản lý, sử dụng nhà chung cư đã được đề cập đến tại Khoản 4 Điều 177 Luật Nhà ở 2014 về việc giải quyết tranh chấp về nhà ở. 

Theo đó về thẩm quyền, UBND cấp tỉnh nơi có nhà ở tranh chấp về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư là đơn vị giải quyết. Về chế tài, việc giải quyết được thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế. 

Quy định trên khiến người dân đồng tình, ủng hộ tuy nhiên việc thực hiện cưỡng chế không dễ vì còn phụ thuộc nhiều vào cách giải quyết mang tính hành chính của UBND cấp tỉnh và các cơ quan quản lý chuyên trách. Để giải quyết tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng cần đưa ra các quy định cụ thể hơn về thu, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì.

Thậm chí, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Trí cho rằng, cưỡng chế dù là biện pháp mạnh nhưng cũng chỉ xử lý được phần ngọn của vấn đề. Muốn xử lý tận gốc, cần đưa vào tài khoản của bên thứ 3, chẳng hạn như một cơ quan quản lý nhà nước. "Khi đó, chủ đầu tư sẽ không còn cơ hội chiếm dụng số tiền 2% kinh phí bảo trì của cư dân để sử dụng vào mục đích khác".

Một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận, chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì là làm trái luật và phải xử lý theo đúng quy định. Không có lý do gì để chủ đầu tư trì hoãn việc bàn giao và cơ quan chức năng phải ban hành cưỡng chế thu hồi. Nếu cơ quan chức năng không thu hồi được là lỗi của đơn vị đó. “Luật đã quy định cứ thế mà làm, ai làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, vị này nói

Các chuyên gia cho rằng, các tranh chấp tại chung cư hiện nay nên giải quyết thông qua hình thức trọng tài bởi nếu như đưa ra tòa án thì sẽ tốn nhiều thời gian, chi phí mà hiệu quả chưa chắc đã cao. Một số khác thì cho rằng, nhà nước cần phải có những quy định cụ thể và phải có chế tài xử lý những hành vi vi phạm của chủ đầu tư trong công tác quản lý chung cư, nhất là liên quan đến khoản tiền quỹ bảo trì 2%, cần thiết phải xử lý hình sự những chủ đầu tư vi phạm.

Linh Nhi