Bế mạc cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc

8 năm trước

Tối 29-8, cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016 khép lại đầy ấn tượng, trong niềm vui và sự xúc động của những người làm nghệ thuật truyền thống. Tham dự đêm bế mạc có Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng và đông đảo người yêu mến nghệ thuật truyền thống.

Thứ trưởng  Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng trao Huy chương vàng cho 3 vở diễn. Ảnh: NGỌC HÀ
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng trao Huy chương vàng cho 3 vở diễn. Ảnh: NGỌC HÀ

Diễn ra trong 10 ngày (từ ngày 20-8 đến 29-8), cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc quy tụ gần 700 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 11 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên toàn quốc, gồm 17 vở diễn, trong đó có 10 vở tuồng và 7 vở dân ca kịch. Chủ đề nổi bật của cả hai loại hình nghệ thuật này là câu chuyện lịch sử. Bên cạnh đó, đề tài chiến tranh, cách mạng được khai thác mới mẻ dưới nhiều góc độ, lồng ghép với yếu tố hiện tại mang đến hơi thở đương đại, gần gũi…

Theo đánh giá của Ban giám khảo, dù là nghệ thuật tuồng hay dân ca kịch, các tác phẩm dự thi đều theo kết cấu tự sự hoặc thắt nút, cao trào; nhiều vở diễn có tính sáng tạo, diễn viên hóa thân hoàn toàn vào nhân vật… Vì thế, hầu hết các vở diễn đạt chất lượng cao, mang đậm tính nhân văn, tính thời sự, phản ánh đặc trưng của hai loại hình nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, nhiều vở diễn bộc lộ một số hạn chế như: yếu về hình tượng, tính cách nhân vật; đa phần kịch bản mang kết cấu tự sự nhưng mờ nhạt về tự sự truyền thống, chủ yếu minh họa nhân vật, câu chuyện được kể theo lối tự sự kịch nói phương Tây…

Kết quả, Ban giám khảo quyết định trao 3 Huy chương vàng cho các vở Thầy và trò (Trung tâm  Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ), Nước non cửa Phật (Nhà hát tuồng Đào Tấn), Chuyện bịa ở làng Vồm (Nhà hát tuồng Việt Nam); 4 Huy chương bạc cho các vở Dòng sông Đỏ (Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế), Phúc thần Thoại Ngọc Hầu (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Chuyện tình bên tháp cổ (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa), Vụ án Lệ Chi Viên (Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế); 32 Huy chương vàng cho 32 diễn viên, 49 Huy chương bạc cho 49 diễn viên. Giải Đạo diễn xuất sắc được trao cho đạo diễn Hoài Huệ (vở Vụ án Lệ Chi Viên - Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế). Ngoài ra, 30 nghệ sĩ, diễn viên được nhận Bằng khen của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Phát biểu bế mạc, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên cho rằng, qua cuộc thi đã xuất hiện nhiều tài năng trẻ, đây là lực lượng kế cận để bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Cuộc thi cũng là dịp để cơ quan quản lý nhìn lại và đánh giá đúng thực trạng hoạt động của nghệ thuật truyền thống; tìm ra những giải pháp để đầu tư xây dựng vở diễn mới có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân…

NGỌC HÀ