Bất động sản “rục rịch” về đích, các ngành ăn theo

8 năm trước

Thị trường bất động sản bước vào giai đoạn cuối năm sôi động nhất, sẵn sàng đón luồng tiền trong dân và kiều hối cuối năm. Các chuyên gia nhận định, bất động sản “lên đời” đã kéo theo sự “thay da đổi thịt” của các ngành dịch vụ như ăn theo như vật liệu xây dựng, ximăng, sắt thép, nội thất…

Trung cao cấp thắng thế

Trao đổi với PV Báo Lao Động về dự báo phân khúc nhà ở sẽ “tạo sóng” trong thời điểm cuối năm, TS.Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: “Nhu cầu phân khúc nhà ở tầm trung hiện đang rất lớn, dự báo tầng lớp trung lưu sẽ chiếm khoảng một nửa dân số Việt Nam từ nay đến năm 2020. Chỉ cần thu nhập trung bình khá và cơ chế cho vay tốt, những căn hộ trung cao cấp sẽ khả thi với nhiều người”.

Tuy nhiên, ông Liêm cũng lưu ý là dù nhu cầu rất lớn nhưng không phải dự án nào làm ra cũng có người mua. Nhiều chủ đầu tư phân khúc nhà giá rẻ hiện nay thường đặt dự án ở những khu vực ngoại thành để xây dựng nhằm giảm thiểu chi phí. “Khách hàng dù đang rất cần cũng sẽ không mua vì xa nơi làm việc, thiếu tiện ích, hạ tầng đồng bộ”, ông Liêm nhận định.

Thực tế thị trường năm 2016 cũng cho thấy, những dự án trung cao cấp đang chiếm lĩnh vị trí đẹp trong nội đô đều bán rất chạy, dù giá không hề rẻ. Lý do là các chủ đầu tư đã có sự liên kết chặt chẽ với ngân hàng để đưa ra nhiều chính sách cho vay lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện tiếp cận bất động sản trung cao cấp đến số đông dân chúng hơn trước.

Kết quả là số lượng giao dịch BĐS tăng mạnh, đặc biệt bùng nổ ở phân khúc trung cao cấp. Những dự án lớn của chủ đầu tư uy tín như Vingroup, Novaland, Sungroup, FLC, Him Lam, Phú Mỹ Hưng, Vihajico… đều bán rất tốt.

Thị trường vật liệu xây dựng khởi sắc

Khẳng định bất động sản là chỉ báo của nền kinh tế, TS.Phạm Sỹ Liêm cũng cho biết: “Theo quy luật phát triển của các nước trên thế giới, 1 đồng sinh ra từ bất động sản sẽ kéo theo 3 đồng sinh ra từ các ngành kinh tế khác như: Vật liệu xây dựng, ximăng, sắt thép, nội thất… Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này.”

Điển hình là ngành ximăng. Theo Bộ Xây dựng, 9 tháng năm 2016, tổng sản lượng ximăng tiêu thụ nội địa của toàn ngành ước đạt 43,55 triệu tấn bằng 107,7% so với cùng kỳ năm 2015. Căn cứ dự báo kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2016 và các chính sách đầu tư phát triển, Bộ Xây dựng đã tính toán nhu cầu xi măng năm 2016 khoảng 75- 77 triệu tấn, tăng 3,2-6% so với năm 2015, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 59-60 triệu tấn, tăng 4,5% – 6,3%.

Đây được xem là mức tăng khá mạnh trong những tháng gần đây. Cũng theo Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT), chỉ số nhà ở và vật liệu xây dựng trong tháng 10 cũng tăng 0,31%.

Với những động thái tích cực này, ngành nội thất cũng đang “đón sóng” từ thị trường bất động sản. Phạm Nghĩa – nhân viên kinh doanh một Cty nội thất tại Hà Nội cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi nhận được gần chục đơn đặt hàng lát sàn gỗ cho các căn hộ chung cư. Từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều dự án hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng nên nhu cầu hoàn thiện nội thất đi kèm sẽ còn tăng mạnh”.

TS. Liêm cũng khẳng định, cùng với mục tiêu Chính phủ hướng đến là một Chính phủ kiến tạo, bất động sản cũng là một ngành kinh tế kiến tạo với các sản phẩm là cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, khách sạn… Không chỉ tạo ra hạ tầng cho các ngành kinh tế, bất động sản cũng là động lực cho các ngành như: Ximăng, sắt thép, gạch, vôi vữa, nội thất… phát triển. Những nhân tố này cũng góp phần tạo ra hàng ngàn việc làm cho người lao động, thúc đẩy giao thương xuất nhập khẩu, tạo đà phát triển cho nền kinh tế.

Theo Linh Linh
Lao động