Bán Nhà máy xơ sợi 7.000 tỷ do công nghệ Trung Quốc yếu kém

8 năm trước

Phải bán nhanh

Liên quan đến việc tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang có ý định bán toàn bộ vốn ở nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTex) nếu tìm được đối tác phù hợp, trao đổi với Đất Việt, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng trong điều kiện kinh doanh thua lỗ kéo dài như thời gian qua, bán PVTex là một cách để cứu vãn tình hình.

Theo TS Doanh, chúng ta không nên quá khắt khe khi thấy giá bán ra thua lỗ so với giá khi báo cáo. Đối với 1 nhà máy bị thua lỗ và hiện nay chưa hoạt động được thì đòi hỏi giá cao là một điều vô nghĩa vào lúc này.

Ban Nha may xo soi 7.000 ty: Hau qua cong nghe TQ?

TS Lê Đăng Doanh cho rằng công nghệ chúng ta nhập từ Trung Quốc về không tốt, thậm chí chất lượng kém, từ đó dẫn đến hiệu quả kinh tế kém tại PVTex.

“Tôi ủng hộ việc cố gắng giải quyết nhanh chóng việc này. Khi nhà máy, nhà xưởng, máy móc và người lao động vẫn còn đấy thì nên tìm một ông chủ mới để đưa công nghệ mới và vốn mới vào nhằm cứu vãn tình hình. Các cuộc phá sản trên thế giới đều diễn ra như thế. Các nước khác họ cũng chịu cay đắng về phá sản nhưng rồi cũng bao lần thành công từ những thất bại như vậy”, ông Doanh khẳng định.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) ví tình trạng đang tồn tại ở PVTex như một cái ung nhọt cần phải tìm cách để chữa trị. Theo ông, nếu chúng ta cố gắng duy trì bằng mọi cách thì chắc chắn sẽ ngày càng thua lỗ và đẩy PVTex vào tình trạng trì trệ hơn.  

“Khi bán thì PVTex cần có căn cứ, cơ sở, phải tính toán hiệu quả. Bây giờ càng duy trì hoạt động của xơ sợi Đình Vũ thì lại càng lỗ. Nếu ung nhọt thì phải cắt đi. Chúng ta phải kiên quyết cắt bỏ nếu không cuối cùng chỉ là một đống sắt vụn mà thôi”, PGS.TS Long nhấn mạnh.

Vị  chuyên gia cho rằng, vào thời điểm này việc bán PVTex cũng không hề đơn giản, tại vì để tìm các đối tác quan tâm rất khó.

“Bây giờ cần xác định PVTex bán với giá nào? Đó mới là vấn đề quan trọng. Ngoài ra cũng cần xem có đối tác nào muốn mua hay không? Và khi mua họ có khả năng phục hồi hay lại để lãng phí, chuyển đổi mục đích sản xuất kinh doanh. Đấy mới là điều đáng bàn”, PGS.TS Long nói.

Hậu quả công nghệ Trung Quốc

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trì trệ như hiện nay tại nhà máy xơ sợi Đình Vũ, ông Long cho rằng bài toán kinh tế ở đây đặt chưa đúng, chưa trúng.

“Bao giờ đầu tư dự án cũng phải tính đến hiệu quả. Chẳng ai dại gì đầu tư một dự án mà không mang lại hiệu quả và sinh lời. Tuy nhiên ở đây tôi cho rằng tầm nhìn và tính toán của người lập dự án ngay từ ban đầu không chuẩn xác dẫn đến hậu quả là thua lỗ. Thủ tướng đã nói rằng không phải bằng bất chấp mọi giá đầu tư, phải tính đến hiệu quả.

Ngoài ra công nghệ của chúng ta nhập từ Trung Quốc về không tốt, thậm chí chất lượng kém. Từ đó mới dẫn đến hiệu quả kinh tế kém.

Dự án này cũng giống như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Ban đầu là tính toán hoàn toàn khác. Sau đó thì thời gian thi công kéo dài, đội giá, thay đổi các công nghệ”, PGS.TS Long dẫn chứng.

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh cho rằng việc đầu tư, sử dụng công nghệ của Trung Quốc, vay vốn và lựa chọn nhà thầu của Trung Quốc rõ ràng có vấn đề.

Theo TS Doanh, nhà máy PVTex được xây dựng với kỳ vọng sẽ bù đắp vào lượng nhập khẩu sợi polyester, tức là sợi tổng hợp. Tuy nhiên dù chưa đi vào hoạt động chính thức đã thua lỗ, đắp chiếu kéo dài.

“Cần phải có sự phân tích và xem xét rất cặn kẽ, thật sự khách quan. Kế hoạch lập ra ban đầu chưa đúng.  Đối với tình hình hiện nay phải có giải pháp công nghệ, phải có vốn mới đưa vào thì mới giải quyết được vấn đề”, TS Doanh nói.

Phải quy trách nhiệm người làm sai

Bên cạnh đó, TS Doanh cũng chia sẻ lo ngại của nhiều người về việc các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tìm đến mua lại PVTex vì những thuận lợi về vốn, công nghệ, nhân công giá rẻ. Tuy nhiên ông cho rằng, không chỉ với doanh nghiệp Trung Quốc mà với bất cứ quốc gia nào, để tránh những lùm xùm có thể xảy ra thì chúng ta phải đưa ra các quy định ràng buộc cụ thể.

“Chúng ta không nên từ chối một nhà đầu tư nào nếu như họ đến với một thái độ nghiêm túc. Kể cả nhà đầu tư Trung Quốc. Vấn đề ở đây là cần có 1 hội đồng giám sát chặt chẽ việc này để tránh lợi ích nhóm, tránh tình trạng phía Trung Quốc đút lót mua người này, người kia rồi thành ra hội đồng “chuột”. Khi đó thì sẽ hết sức phức tạp.

Chúng ta phải có một hội đồng độc lập, liêm chính, phải rõ ràng thì lúc đó mới xem xét được. Nếu để họ mua chuộc được thì khi đến nơi lại làm các thủ thuật khác thì rất nguy hiểm.

Chẳng hạn như họ không làm các thực chất mà tuồn các sợi polyester từ Trung Quốc để lợi dụng TPP xuất khẩu sang Mỹ. Đó là điều mà chúng ta phải tránh”, TS Doanh nhấn mạnh.

Để tránh những tiền lệ xấu có thể xảy ra như PVTex, nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, vị chuyên gia cho rằng cần phải truy trách nhiệm đến cùng những cá nhân, tập thể làm sai.

“Chúng ta nên áp dụng Luật chống tham nhũng, làm rõ ràng ra xem ai quyết định. Quyết định trên cơ sở nào và quyết định so với thực tế sai bao nhiêu, chúng ta cần phải đưa ra. Nếu vấn đề thuộc mức xử phạt hành chính thì phải xử phạt, nếu vi phạm Luật hình sự thì phải xử lý hình sự”, TS Doanh khẳng định.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh phải quy trách nhiệm người đầu tư, khởi xướng, lập dự án khi để xảy ra các thua lỗ nghìn tỷ với PVTex, gang thép Thái Nguyên hay đạm Ninh Bình.

“Chúng ta đã có nhiều bài học nhãn tiền rồi. Phải quy trách nhiệm cụ thể và rõ ràng những người đứng đầu làm sai. Bây giờ còn hồ sơ, giấy trắng mực đen đàng hoàng. Án tại hồ sơ nên không có gì khó khăn cả. Quan trọng chúng ta có quyết tâm hay không thôi”, ông Long nêu ý kiến.

______________

Bán Nhà máy xơ sợi 7.000 tỷ: Nếu Trung Quốc muốn mua?!

“Tôi nghĩ việc bán PVTex không phải dễ đâu. Không phải ai cũng quan tâm. Không phải cứ rao bán là doanh nghiệp nhào vào mua ngay”.

 

Đó là khẳng định của ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) với Đất Việt xung quanh việc Tập đoàn dầu khí Việt Nam có ý định bán toàn bộ vốn ở nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTex) nếu được đồng ý.

PV: - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang có ý định bán toàn bộ vốn ở nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTex) nếu được. Ông đánh giá như thế nào về kế hoạch trên? Sau thời gian dài hoạt động không hiệu quả, biện pháp bán PVTex có phải là lựa chọn phù hợp hay không, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Hồng: - Hiện nay ngành may mặc đang khó khăn và nó cũng ảnh hưởng đến sản xuất của ngành xơ sợi trong nước. 

Vì vậy khi không giải quyết được vấn đề về tiền bạc, đầu tư thì việc PVTex muốn chuyển qua cho các đối tác khác có điều kiện, am hiểu nhiều hơn để phát triển thuận lợi hơn thì cũng là chuyện bình thường.

Thực tế, đầu tư và phát triển về xơ sợi dệt rất cần thiết ở Việt Nam nhưng không phải thời điểm trước mắt mà phải chờ 2-3 năm nữa.

Trước đây không chỉ Việt Nam mà FDI cũng đầu tư phát triển rất mạnh về xơ sợi. Nhưng việc gia nhập TPP đang khó một chút, chưa biết sắp tới sẽ ra sao. Vì vậy cũng cần phải tính toán thận trọng hơn.

Ban Nha may xo soi 7.000 ty: Neu Trung Quoc muon mua

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng để bán nhà máy xơ sợi Đình Vũ sẽ rất khó khăn.

PV: - Nhà máy xơ sợi Đình Vũ được xây dựng với vốn đầu tư 7000 tỷ, mang kỳ vọng cung cấp xơ sợi cho thị trường Việt Nam nhưng lại liên tục đắp chiếu, thua lỗ, hàng hóa sản xuất ra không bán được do chất lượng và giá cả không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng buồn này, do việc lập kế hoạch không tốt hay do lựa chọn công nghệ có vấn đề? Xin ông phân tích cụ thể.

Ông Phạm Xuân Hồng: Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, chúng ta mới đầu tư nên chi phí cao. Ngoài ra công nghệ sản xuất chưa đáp ứng được, công nghệ vẫn còn lạc hậu nên chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Thứ hai là việc lập kế hoạch không sát với thực tế. Xây dựng phương án cho 1 dự án về lý thuyết thì rất dễ nhưng đưa vào sản xuất thì phải nghiên cứu kỹ. Giai đoạn đầu là bao nhiêu, giai đoạn sau ra sao? Chi phí nó cao thì chúng ta sẽ phải khắc phục ra sao trong những năm tới. Cái đó phải dự trù được. 

Chúng ta có thể tính toán về lao động, kinh phí, vận hành về lý thuyết nhưng thường thường trong thực tế những doanh nghiệp mới thành lập thời gian đầu sẽ khó khăn hơn. Chúng ta phải tính toán những trục trặc có thể xảy ra nếu không làm kỹ cái đó khi xảy ra sự cố thì sẽ lúng túng liền.

Ngoài ra, chúng ta đầu tư xây dựng nhà máy xơ sợi cho vài ba năm nữa để tận dụng khai thác các hiệp định thương mại từ TPP. Vì hiện nay các hiệp định thương mại chưa có hiệu lực nên không phát huy được nhiều ý nghĩa, trong khi đó Trung Quốc lại đi trước chúng ta bao nhiêu năm nên để cạnh tranh khó khăn hơn.

PV: - Với tình trạng hiện nay, việc các đối tác tìm đến mua PVTex có khả thi hay không? Liệu PVN có nên chấp nhận bán được bằng mọi giá, để cắt lỗ không, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Hồng: - Tôi nghĩ việc bán PVTex không phải dễ đâu. Như bất động sản nó lên thì chúng ta bán được giá cao. Khi nó xuống mà vẫn giữ nguyên như thế thì ai mua. Đó là quy luật chung rồi.

Ở đây tôi nghĩ không phải ai cũng cần và có khả năng. Không phải cứ rao bán là doanh nghiệp nhào vào mua ngay.

Tôi nghĩ có 2 đối tượng có thể tìm đến mua. Thứ nhất là doanh nghiệp có am hiểu về ngành bông sợi, dệt may. Thứ hai là họ dù không có chuyên môn nhưng có đối tác liên kết và có đầu ra về các sản phẩm xơ sợi.

Để bán thì phía PVN phải đưa ra giá cả phù hợp. Đầu tư cũng phải có lời, có lỗ nhưng giá nào chấp nhận được thì phải tính toán hợp lý để tránh thua lỗ kéo dài.

PV: - Nhiều ý kiến lo ngại, với làn sóng đầu tư mạnh của Trung Quốc vào công nghiệp dệt nhuộm Việt Nam, đối tác tìm đến PVTex có thể là doanh nghiệp Trung Quốc. Ông có chia sẻ với ý kiến trên hay không? Theo ông, trong trường hợp đó, cần có những ràng buộc gì với nhà đầu tư mới hay không và vì sao?

Hoàng Hải

BÁO ĐẤT VIỆT