Ai chịu trách nhiệm trong vụ hỏa hoạn tại quán karaoke khiến 13 người chết?

8 năm trước

Như tin đã đưa,

Khoảng gần 14h chiều ngày 1/11, tại quán karaoke ở số 68 phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội bất ngờ bốc cháy dữ dội lan sang 2 quán karaoke bên cạnh và 1 nhà hàng khiến toàn bộ tài sản bên trong gần như hư hại hoàn toàn. Nghiêm trọng hơn vụ hỏa hoạn khiến 13 người tử vong. Đến đêm qua, toàn bộ nạn nhân tử vong sau vụ cháy được xe cứu thương đưa ra khỏi hiện trường.

Ai chịu trách nhiệm trong vụ hỏa hoạn tại quán karaoke khiến 13 người chết? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ cháy kinh hoàng khiến 13 người chết ở Trần Thái Tông.

Theo thông tin từ UBND quận Cầu Giấy, bước đầu cơ quan chức năng nhận định vụ cháy xảy ra do bất cẩn khi hàn biển quảng cáo tại tầng 2 quán karaoke. Chủ cơ sở kinh doanh quán karaoke bị cháy tại số 68 đường Trần Thái Tông được xác định là bà Nguyễn Diệu Linh (sinh năm 1986, trú tại Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội). Quán karaoke này là điểm khởi phát vụ hỏa hoạn vào chiều 1/11. Hiện cơ sở này chưa đủ giấy phép, điều kiện kinh doanh như thiếu chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự.

Nhiều người đặt ra câu hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm trong vụ hỏa hoạn khiến 13 người thiệt mạng? Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, về nguyên nhân cháy của các quán karaoke chủ yếu là do chủ cơ sở hoán cải kết cấu nhà, sửa chữa, cải tạo, trang trí lắp đặt nội thất, hệ thống âm thanh, đèn chiếu sáng, hệ thống biển quảng cáo khổ lớn che hết phía trước mặt tiền ngôi nhà để thu hút khách hàng nên khi thợ hàn cắt kim loại không tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy khi làm.

Ai chịu trách nhiệm trong vụ hỏa hoạn tại quán karaoke khiến 13 người chết? - Ảnh 2.

Một chiếc xe ô tô được lính cứu hỏa đẩy ra khỏi đám cháy.

Mặt khác, các thiết bị điện đấu nối trong các phòng hát karaoke thường để dùng trong sinh hoạt gia đình nên không phù hợp với kinh doanh. Các vật liệu trang trí nội thất rất dễ cháy và cùng với hệ thống âm thanh, đèn chiếu sáng, điều hòa, ti vi,.. thường hoạt động quá tải nên rất nguy cơ chậm điện gây cháy là rất dễ xảy ra.

"Gần đây đã có rất nhiều vụ chập cháy các biển quảng cáo karaoke cỡ lớn được thiết kế lắp đặt kiên cố trước mặt tiền của cơ sở kinh doanh. Đa phần chủ sơ sở tận dụng hết cả mặt tiền ngôi nhà, các biệt nhiều biển quảng cáo chiếm đến hết các tầng từ tầng 2 lên đến tầng 4,5 của ngôi nhà. Hệ thống biển quảng cáo này chính là nguyên nhân gây chập cháy sau đó lan vào phía bên trong gây hậu quả lớn về tài sản và con người", luật sư nhận định.

Ai chịu trách nhiệm trong vụ hỏa hoạn tại quán karaoke khiến 13 người chết? - Ảnh 3.

Toàn bộ tài sản 4 ngôi nhà gần như bị thiêu rụi hoàn toàn.

Theo luật sư Thơm, nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định nguyên nhân xảy ra vụ hỏa hoạn là do thợ hàn xì biển quảng cáo quán Karaoke gây cháy thì người thợ trực tiếp hàn xì đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 240 Bộ luật hình sự. Ngoài trách nhiệm hình sự thì người vi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra theo qui định của pháp luật.

"Nếu xác định người thợ thi công hàn xì được thuê mướn thì người chủ thi công (nếu có) phải có trách nhiệm liên đới bồi thường dân sự vì đã không áp dụng biện pháp bảo hộ và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng lao động nên đã gây hậu quả thiệt hại về người, tài sản", luật sư Thơm nói rõ.

Về trường hợp chủ cơ sở Karaoke không có giấy phép kinh doanh, hoặc không có đủ điều kiện ANTT và PCCC mà vẫn hoạt động kinh doanh thì luật sư Thơm cho rằng đó là lỗi vi phạm hành chính. Do vậy, trong vụ việc này, Cơ quan điều tra cần phải xác định được nguyên nhân gây cháy do hành vi nào của chủ cơ sở là nguyên nhân dẫn tới cháy thì mới có thể qui trách nhiệm cho chủ cơ sở.

"Ngoài ra, chủ cơ sở để xảy ra cháy lan sang nhà người khác đều phải có trách nhiệm bồi thường dân sự. Chủ cơ sở chỉ không không phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự trong trường hợp bất khả kháng, vụ việc xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết hoặc tình thế cấp thiết (điều 161 Bộ luật dân sự).", luật sư Thơm nói thêm.

Điều 240. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến tám năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tri Thức Trẻ