77 dự án thế chấp – “Hồ sơ Panama” của thị trường bất động sản TP HCM

8 năm trước

(Xây dựng) - Mấy ngày qua, thị trường bất động sản (BĐS) TP HCM “thất kinh” khi Sở Tài nguyên và Môi trường công bố danh sách 77 doanh nghiệp hiện đang “cắm sổ” trong các ngân hàng. Ngay sau khi thông tin gây sóng trên thị trường thì ngày hôm nay, Sở TN&MT Thành phố mời các phóng viên họp báo về vấn đề này.


Việc công bố 77 dự án đang thế chấp trong ngân hàng đã làm thị trường BĐS TP HCM “một phen thất kinh”. Ảnh: Mạnh Cường

Rúng động

Ở thời điểm này, ngồi đâu có dân kinh doanh BĐS là chắc chắn xung quanh đó sẽ là câu chuyện danh sách của 77 doanh nghiệp bị công bố mà họ đùa là “Hồ sơ Panama”. Hiện cũng có nhiều ý kiến xoay quanh việc công bố hay không công bố thông tin về các dự án thế chấp, vì nếu không đúng sẽ tác động xấu đến thị trường.Thậm chí, nhiều người còn ví von cho rằng, sẽ ảnh hưởng lớn đến niềm tin toàn thị trường, khi mà thị trường BĐS như con bệnh mới vừa được xuất viện và hiện đang được bồi bổ, chỉ cần cú đẩy nhẹ là có thể vào điều trị tiếp.

Đại diện Him Lam Land cho biết đơn vị mình cũng nằm trong danh sách, tuy nhiên, vị đại diện chứng minh: Việc Sở TN&MT Thành phố công bố công ty ông như vậy có thể gây hiểu lầm, vì theo văn bản ngày 4/7 vừa qua của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN – Emximbank (CN Đồng Nai) gửi đến CTCP Him Lam và CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land), theo đó, 570 căn hộ Lô A3 của dự án Him Lam Riverside đã được giải chấp. Cùng với đó, Eximbank cũng đã giải chấp nhiều căn hộ thuộc các block khác của dự án này cũng như các tài sản khác đã từng thế chấp tại ngân hàng thời gian qua.

“Do đó, khi các phương tiện thông tin đăng tải bản danh sách 77 dự án đang thế chấp, trong đó có Him Lam Land, chúng tôi đã khá bất ngờ, vì việc cầm cố này đã chấm dứt từ lâu giữa công ty và ngân hàng”, đại diện đơn vị này cho biết thêm.

Cũng trong tâm trạng hoang mang vì “được” nằm trong danh sách này, ông Nguyễn Dư Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất Hưng Lộc Phát bức xúc: Việc cung cấp thông tin này có thể gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến tâm lý, lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu của Hưng Lộc Phát và các dự án mà công ty chúng tôi đang triển khai.

Dẫn chứng cụ thể ông Lực cho biết, tất cả 10 căn hộ của cao ốc Hưng Phát được nêu trong Công văn số 7067/TNMT-VPĐK đều là những căn hộ được Công ty Hưng Lộc Phát giữ lại phục vụ cho mục đích khác chứ hoàn toàn chưa bán ra cho bất cứ khách hàng nào. Tương tự, 6 sàn thương mại tầng 2,3,17 cũng là phần diện tích thuộc sở hữu riêng của Công ty Hưng Lộc Phát. Do vậy, chúng tôi có thể thế chấp phần tài sản này cho ngân hàng mà không ảnh hưởng đến quyền lợi bất cứ khách hàng nào.

“Cũng xin được nói rõ thêm, Cao ốc Hưng Phát gồm 358 căn hộ tại số 928 Lê Văn Lương. Dự án đã hoàn thành, bàn giao nhà cho khách hàng vào năm 2014. Và vào ngày 13/3/2016, chúng tôi đã tiến hành bàn giao giấy tờ chủ quyền cho những khách hàng đã mua căn hộ Hưng Phát. Đây là minh chứng cho uy tín và cam kết mà Hưng Lộc Phát đã đề ra trong suốt quá trình hoạt động vừa qua”, ông Lực trình bày.

Thông tin cần đầy đủ

Trao đổi xung quanh vấn đề này, 1 chuyên gia trong ngành BĐS chia sẻ: Khi công bố thông tin, có lẽ các cơ quan liên quan đã không lường hết được sự việc nó lại đi quá xa và làm ảnh hưởng lớn đến thị trường trong mấy ngày qua. Qua sự việc này cũng mong khi công bố thông tin cần làm rõ hơn việc các chủ đầu tư thế chấp vì mục đích gì, vay vốn, đảm bảo để cho khách hàng được vay thế chấp hay mục đích khác.

Tại công văn số 48 của Hiệp hội bất động sản (HoREA) khẳng định: Việc công khai các dự án đang thế chấp đã cung cấp thông tin cần thiết cho người tiêu dùng và các chủ thể có liên quan, góp phần xây dựng thị trường bất động sản ngày càng minh bạch hơn. Tuy nhiên, công văn cũng cho biết: Sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường công bố thông tin về 77 dự án đang thế chấp ngân hàng đã có tác động tức thì đến thị trường bất động sản làm cho một bộ phận người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng, nhất là có người hiểu nhầm là dự án đã bị thế chấp đồng nhất với chủ đầu tư kém năng lực.

Qua trao đổi với ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, 1 lần nữa ông Châu khẳng định: “Việc doanh nghiệp thế chấp, giải chấp tài sản trong hoạt động kinh doanh để vay vốn làm ăn là hoạt động bình thường. Đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp BĐS của ta hiện phụ thuộc khá lớn vào nguồn vốn tín dụng hoặc là nguồn huy động từ khách hàng. Chính vì vậy, việc chủ đầu tư thế chấp các dự án của mình để vay vốn phát triển dự án, sau đó thực hiện giải chấp cũng là việc bình thường”.

Ngoài ra, có cùng quan điểm với chuyên gia BĐS, ông Châu cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường khi công bố các dự án bất động sản, nhà ở hiện đang được thế chấp trong các ngân hàng thì cũng cần cung cấp thêm thông tin về mục đích thế chấp vay vốn của chủ đầu tư mục đích để phát triển dự án; để xây dựng công trình, nhà ở trong dự án; hay để thực hiện bảo lãnh ngân hàng...

Điều này cũng giúp cho khách hàng hiểu đúng bảnchất vấn đề, màcòn giúp cho khách hàng nắm đầy đủ thông tin trước khi quyết định mua nhà.

Theo ông Nguyễn Nam Hiền – Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, việc công bố thông tin nhằm minh bạch thị trường là 1 điều tốt, tuy nhiên, dưới góc độ là nhà quản lý ông Hiền có 1 cái nhìn riêng: Khi anh công bố thông tin thì cũng cần biết nó có nhạy cảm hay kg, nếu nó nhạy cảm thì phải công bố như thế nào, trong đó các cá nhân mua căn hộ của dự án cũng bị công bố thì có nên không. Ngoài ra, thông tin đưa ra thì cũng nên cung cấp làm sao cho rõ ràng 1 chút, tránh tình trạng gây hiểu nhầm không đáng có. Bên cạnh đó, các đơn vị truyền thông cũng nên chọn cách viết sao cho truyền tải thông tin ngắn gọn, dễ hiểu.

Mạnh Cường