3 tầng hầm và 30 hồ sơ... 'bất động'

8 năm trước

Đã 4 tháng trôi qua kể từ khi Hà Nội ra yêu cầu các công trình cao tầng cần phải bố trí tối thiểu 3 tầng hầm và 2 tháng Hà Nội có công văn yêu cầu dừng quyết định trên thì đến nay hàng loạt doanh nghiệp vẫn 'ngồi trên lửa' do hồ sơ của họ chưa được giải quyết.

Đại diện Liên minh các Sàn giao dịch Bất động sản G5 (xin được giấu tên) chia sẻ, đơn vị đang triển khai xây dựng một dự án ở Phú Thượng. Đang trong giai đoạn xin giấy phép khởi công thì đùng một cái Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội ra quyết định nhà cao tầng phải thiết kế 3 tầng hầm khiến dự án của ông phải nằm một chỗ để thẩm định hồ sơ.

Văn bản đã hủy, hệ lụy dành cho doanh nghiệp vẫn hiện hữu

Do quy định Nhà cao tầng phái có 3 tầng hầm gặp phải sự phản đối dữ dội của doanh nghiệp nên sau đó 2 tháng UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc dừng quyết định trên. Tuy nhiên, đến nay đã 4 tháng trôi qua mà dự án của ông vẫn chưa xin được giấy phép do chưa có cơ quan nào duyệt hồ sơ để khởi công. “Mỗi tháng trôi qua chúng tôi phải đổ không biết bao nhiêu tiền vào dự án, cứ đà này thì không biết bao giờ mới triển khai” – đại diện G5 chia sẻ.

Vị này cũng chỉ ra một bất cập nữa của chính sách đó là dự án ở Phú Thượng mà doanh nghiệp đang triển khai nằm cạnh hành lang bảo vệ đê. Sở NN&PTNN khuyến cáo không nên xây dựng tầng hầm ở khu vực này. “Do khuyến cáo của Sở từ lúc làm quy hoạch chúng tôi đã không xây dựng tầm hầm và bố trí tầng để xe nổi lên tầng 2, 3 của tòa nhà. Cơ quan chuyên ngành đã đồng ý và TP Hà Nội đồng ý phương án đó. Đến khi quy định mới ra dự án của chúng tôi phải dừng lại”.

Cùng chung cảnh ngộ, gần 30 DN trên địa bàn Hà Nội hồ sơ đủ điều kiện để cấp phép nhưng vướng cơ chế 3 tầng hầm nên vẫn phải chờ. Có thể kể đến như GP Invest, Thủ Đô… Đại diện công ty khác cho rằng, một dự án doanh nghiệp triển khai ở quận Long Biên có 16 tầng mà lại bắt xây 3 tầng hầm thì không hợp lý chút nào. “UBND TP Hà Nội đã yêu cầu dừng quyết định thì những tồn tại phải giải quyết dứt điểm tránh để lại hậu quả cho doanh nghiệp như chúng tôi” – vị này chia sẻ.

Giải quyết triệt để cho doanh nghiệp

Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Trần Nam – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, Hà Nội cần làm rõ về quy mô công trình, thế nào được gọi là nhà cao tầng. Ví dụ nhà có 7 tầng trở lên đã được gọi là nhà cao tầng và không thể yêu cầu doanh nghiệp xây 1 khu nhà 7 tầng nổi mà có tới tận 3 tầng hầm, vừa tăng chi phí, vừa phí. Bên cạnh đó, quy mô dự án cũng là một điều đáng để bàn, một dự án có đến 7-8 tòa nhà cao tầng, có tòa nhà nằm ở trục chính, có tòa nằm ở trục phụ.

Nếu tòa nào cũng phải xây dựng 3 tầng hầm thì không hợp lý và không khả thi. Quy định như vậy sẽ khiến chi phí đầu tư sẽ bị đội lên, các thủ tục phải làm lại từ đầu… Trong khi đó để dự án đi đến giai đoạn như quy định tại thông báo, chủ đầu tư đã phải làm nhiều thủ tục và tốn quá nhiều thời gian. “Tôi cho rằng quy định cần phải chi tiết, cụ thể hơn, tránh trường hợp yêu cầu chung chung, đánh đồng tất cả gây bức xúc cho doanh nghiệp” – ông Nam cho biết.

Theo ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, sau khi tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp và các chuyên gia, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã thay công văn 1823 bằng công văn số 2929. "Hiện nay theo tôi được biết, công văn số 1823 về quy định nhà cao tầng phải có 3 tầng hầm chưa có hiệu lực. Bởi nếu áp dụng sẽ hết sức bất ổn cho các nhà đầu tư, đặc biệt nó cũng phải thay thế nhiều văn bản khác như trật tự đô thị, chiều cao, phát triển cơ sở hạ tầng…".

Theo ông Cường, quy định này nếu áp dụng sẽ buộc các chủ đầu tư phải sửa lại thiết kế, sẽ gây ra tình trạng chậm tiến độ dự án, mất thêm nhiều thời gian của doanh nghiệp. Và nếu áp dụng quy định mới này, chi phí xây dựng sẽ bị đội lên rất nhiều, và như vậy sẽ gây áp lực lên khách mua nhà, đặc biệt là những người thu nhập thấp.

Trước vấn đề trên, ông Trần Ngọc Quang – Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp có hồ sơ chậm giải quyết do vướng quyết định trên cần gửi đơn về Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Ông Quang cũng đề nghị Sở Quy hoạch kiến trúc khi dự thảo văn bản cần có sự tham khảo ý kiến của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Điều này sẽ tham mưu giúp thành phố có các quyết định thực tế, toàn diện hơn và sẽ nhận được sự ủng hộ tốt hơn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Lưu Vân

 

Tin liên quan

Quy định nhà cao tầng phải có 3 tầng hầm: “Không khéo sẽ thành cơ chế xin cho”