HAI LÝ DO UAC CHỌN ĐÀ NẴNG ĐỂ SẢN XUẤT LINH KIỆN HÀNG KHÔNG VŨ TRỤ

5 năm trước

Tối 1/3, tại khách sạn 5 sao Novotel bên bờ sông Hàn, Tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới UAC (Universal Alloy Corporation - Hoa Kỳ) đã tổ chức lễ ra mắt dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine và tiết lộ lý do vì sao chọn Đà Nẵng cho dự án 170 triệu USD này!

Dự án sẽ có tác động tích cực cho Đà Nẵng   

Trước đó, như Infonet đã đưa tin, tại chương trình “Tọa đàm mùa Xuân 2019” do Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng 1/3, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chính thức trao cho ông Kevin Loebbaka, Giám đốc điều hành UAC, giấy chứng nhận đầu tư dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine 170 triệu USD tại Khu Công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng.

Lễ ra mắt dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Tập đoàn UAC (Hoa Kỳ) đầu tư tại Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Tại lễ ra mắt dự án tối 1/3, ông Kevin Loebbaka, Giám đốc điều hành UAC cho biết thêm, UAC thành lập năm 1961 với tư cách là nhà sản xuất, cung cấp linh kiện hàng không toàn cầu và đã thiết lập các hợp đồng dài hạn với tất cả các nhà sản xuất máy bay lớn như Boeing, Airbus, Embraer và Bombardier. Hiện UAC cung cấp các bộ phận và lắp ráp máy bay được thiết kế kỹ lưỡng cho hơn 800 công ty ở Bắc Mỹ, châu Á, châu Âu và Nam Mỹ.

“UAC thuộc sở hữu của Montana Tech Components, một công ty Thụy Sĩ, Áo. Trụ sở chính của UAC nằm ở Canton, bên ngoài Atlanta, Georgia (Hoa Kỳ). Chúng tôi điều hành các cơ sở ở Bắc Mỹ và châu Âu. Ngày nay, UAC tự hào thành lập thêm một cơ sở sản xuất mới tại châu Á. Đó là TP Đà Nẵng xinh đẹp của Việt Nam!” -  Ông Kevin Loebbaka chia sẻ

Theo đó, tại Khu CNC Đà Nẵng, UAC sẽ sản xuất hơn 4.000 bộ phận khác nhau (trong khoảng 5 triệu chi tiết máy bay các loại), các bộ phận thân máy bay Boeing 787, 777 và 737; và động cơ Rolls Royce… để xuất khẩu sang Bắc Mỹ, EU, Malaysia... Mục tiêu đến năm 2021 đạt giá trị xuất khẩu 25 triệu USD, năm 2022 đạt 82 triệu USD và từ năm 2026 đạt hơn 180 triệu USD/năm.

Ông Kevin Loebbaka, Giám đốc điều hành UAC, phát biểu tại buổi lễ ra mắt dự án

“Tại nhà máy Sunshine ở Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, UAC sẽ nhanh chóng tăng nhân sự từ khoảng 650 người vào năm 2021 đến hơn 1.000 – 1.200 người vào năm 2023; đặc biệt là các nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực cơ khí, điện, tự động hóa, chất lượng, công nghiệp, CAD/CAM, thử nghiệm không phá hủy. UAC sẽ thuê và đào tạo kỹ sư, kỹ thuật viên sản xuất và chuyên gia từ nhiều lĩnh vực ở Đà Nẵng!” - Ông Kevin Loebbaka nhấn mạnh.

Đồng thời ông Kevin Loebbaka bày tỏ, UAC mong muốn thiết lập hợp tác chặt chẽ với các trường đại học kỹ thuật công nghệ và dạy nghề trên địa bàn Đà Nẵng cũng như các địa phương trong khu vực để đào tạo nhân viên có tay nghề cao, cam kết chất lượng theo yêu cầu của ngành hàng không vũ trụ.

“Cam kết về giáo dục của UAC đã được khẳng định trong năm qua khi chúng tôi hợp tác với Đại học kỹ thuật Cluj ở Baia Mare (Romania) đào tạo thạc sĩ về quản lý chất lượng hàng không vũ trụ. UAC đã cung cấp thiết bị thí nghiệm và máy tính ở nhiều trường trung học trong cộng đồng nơi chúng tôi hoạt động!” – Ông Kevin Loebbaka cho biết.

Andy Lương (phải), người đã góp phần đưa ông Kevin Loebbaka và dự án 170 triệu USD của UAC đến Đà Nẵng

Cũng theo ông Kevin Loebbaka, tác động kinh tế từ dự án Sunshine sẽ được nhìn thấy trên khắp Đà Nẵng, vì UAC sẽ phát triển trong cộng đồng địa phương các nhà cung cấp hậu cần, bao bì, thiết bị, vật tư tiêu hao và các công cụ nhỏ, hậu cần và các dịch vụ cơ sở khác. Qua đó gián tiếp tạo việc làm cho thêm 1.000 - đến 2.000 người. Hiệu ứng này sẽ có tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng…

 Hai lý do để UAC chọn Đà Nẵng

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là xuất phát từ đâu mà UAC chọn Việt Nam, cụ thể là chọn Đà Nẵng cho một dự án không chỉ có giá trị lớn về vốn đầu tư mà có nhiều ý nghĩa kinh tế, xã hội, nhân lực như dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine? Tại lễ ra mắt dự án tối 1/3, ông Kevin Loebbaka đã “bật mí”: “Có hai lý do chính!”.

Đầu tiên, ông Kevin Loebbaka cho biết, hiện hơn 30% hàng tồn đọng của Boeing Boeing và Airbus là ở châu Á - Thái Bình Dương, do đó các nước trong khu vực đang thu hút nhiều sự quan tâm về việc sản xuất linh kiện cho các máy bay này. “Cả Boeing và Airbus đều đang thúc đẩy hoạt động sản xuất lớn hơn ở châu Á và có mối quan tâm rất lớn đến địa điểm sản xuất sắp tới của chúng tôi tại Đà Nẵng” - Ông Kevin Loebbaka cho hay.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí cho hay, cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp ở Đà Nẵng rất hoan nghênh dự án của UAC đầu tư trên địa bàn TP

Ông nhắc lại, nhân cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội vừa qua, VietJet Air đã ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing 737 MAX mới trị giá 12,7 tỉ USD; Bamboo Airways cũng ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD… Những sự kiện này cho thấy tiềm năng tiếp tục phát triển sản xuất hàng không vũ trụ và thúc đẩy doanh số bán hàng cho các hãng hàng không Việt Nam.

Lý do thứ hai là rất cá nhân. Khi lần đầu tiên đến UAC, tôi đã quản lý hoạt động của UAC tại Anaheim California trong 10 năm. Tại Anaheim California, UAC có lực lượng lao động Việt Nam đặc biệt tài năng, rất thành thạo các kỹ năng toán học, khoa học và gia công. Tại đây tôi đã có những tình bạn cá nhân được thiết lập; và từ kinh nghiệm làm việc của tôi ở California mà tôi bắt đầu thấy Việt Nam trong tương lai của UAC!” – Ông Kevin Loebbaka nói.

Rồi Kevin Loebbak mời lên sân khấu ông Andy Lương, một người sinh ra tại Việt Nam, sau đó qua Mỹ học tập, làm việc và lập nghiệp. Năm 1996, Andy Lương chuyển về sống ở Singapore; đến khoảng sau năm 2000, ông về Việt Nam mở cơ sở đầu tư, kinh doanh. Một ngày nọ Andy Lương hỏi Đại sứ Singapore tại Việt Nam nên đến đâu ở Việt Nam để thăm. Vị Đại sứ Singapore đề nghị Andy Lương nên đến Đà Nẵng. Và xuất phát từ tình bạn mà trong chuyến thăm Đà Nẵng đó của ông Andy Lương còn có cả ông Kevin Loebbak.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tin tưởng dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine sẽ được triển khai rất nhanh!

“Hai chúng tôi cùng một số bạn bè khác lên chiếc xe buýt đi vòng quanh Đà Nẵng. Từ đó mà tôi biết tới TP này. Rồi Andy Lương giới thiệu tôi đến gặp gỡ một số người ở đây. Dần dần tôi cảm nhận TP này có sự kết hợp mà nhiều nơi không có. Đó là rất nhiều nắng, biển rất đẹp, thời tiết thuận lợi và con người rất nhiệt tình, thân thiện. Và đó là lý do mà tôi chọn TP này cho dự án Sunshine!” – Ông Kevin Loebbaka cho hay.

Khi cùng các vị quan khách nâng ly mừng dự án chính thức ra mắt, ông Kevin Loebbaka bày tỏ: “Hôm nay chúng tôi rất vui khi chính thức trở thành một phần của TP Đà Nẵng. Trong văn hóa của chúng tôi, điều rất quan trọng là xem trọng gia đình. Chúng tôi có gia đình hạt nhân là vợ chồng, con cái; mở rộng hơn, có gia đình nơi làm việc; và mở rộng hơn nữa là gia đình của cộng đồng nơi chúng tôi sống và làm việc. Và bây giờ, chúng tôi rất vui khi trở thành một thành viên của gia đình Đà Nẵng. Chúng tôi đã rất trông đợi giờ phút này!”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, ông Võ Công Trí cho biết, tại buổi “Tọa đàm mùa Xuân 2019” sáng cùng ngày, ông cũng đã nói với ông Kevin Loebbaka là cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp tại Đà Nẵng rất vui khi đón nhận thêm thành viên mới UAC, với niềm tin UAC sẽ có sự đóng góp quan trọng cho sự phát triển của TP. Vì vậy, mọi người đều rất hoan nghênh dự án đầu tư của UAC vào Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh thêm: “Qua nắm bắt thông tin về UAC cũng như nhìn vào sự chân thành của ông Kevin Loebbaka, tôi rất tin dự án này sẽ triển khai rất nhanh và trong thời gian ngắn chúng ta sẽ được nhìn thấy những linh kiện công nghệ cao sử dụng cho các loại máy bay Boeing 787, 777, 737; và động cơ Rolls Royce… từ Đà Nẵng xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới!”.

Nguồn: https://infonet.vn/hai-ly-do-uac-chon-da-nang-de-san-xuat-linh-kien-hang-khong-vu-tru-post292061.info