Giáo sư Tanaka tìm kế trị xói lở Cửa Đại

7 năm trước

 

 

 

Mỗi lần sóng to, gió lớn biển Cửa Đạ nổi lên là có Tanaka xuất hiên. Ảnh: MINH HẢI
GS. Tanaka (bìa trái) và cộng sự tại biển Cửa Đại. Ảnh: MINH HẢI

GS. Tanaka hiện là Phó Chủ tịch Hội Xây dựng dân dụng Nhật Bản, kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Tohoku, Nhật. Ông là người nổi tiếng và uy tín trong việc chỉnh trị dòng chảy, xói lở cửa sông, cửa biển ở Nhật Bản cũng như trên thế giới. Công việc ở Nhật nhiều chồng chất, nhưng ông luôn dành thời gian nghiên cứu đối với biển Cửa Đại. “Từ giữa năm 2015 đến nay, tôi đến Cửa Đại chắc gần 100 lần rồi!” - GS. Tanaka nói.

Điều trân trọng là GS. Tanaka tự bỏ tiền túi, ngủ ký túc xá sinh viên, ăn cơm bụi... trong quá trình nghiên cứu tại Hội An. Tất cả công sức, trí tuệ của ông đơn giản là vì yêu mến Hội An, yêu và sợ mất bãi biển Cửa Đại xinh đẹp. “Tôi ở Nhật, nhưng luôn theo dõi thời tiết ở Quảng Nam. Mỗi lần nghe thông tin bão, hay gió mùa đông bắc là tôi gác lại mọi chuyện để đến Hội An, cùng với ê kíp đưa máy móc, thiết bị ra biển đặt để ghi nhận dữ liệu. Mỗi lần sóng gió lớn, Cửa Đại lở trầm trọng” - GS. Tanaka chia sẻ.

Chỗ làm việc GS Tanaka với nhóm học trò mình thu thập thông tin số liệu đơn sơ như cái chuồn vịt. Ảnh: MINH HẢI
Chỗ làm việc tạm bợ của GS. Tanaka và cộng sự. Ảnh: MINH HẢI

Đến bãi biển Cửa Đại trong dịp này, dễ nhìn thấy căn lều nhỏ khiêm nhường dưới gốc dừa sau lưng khách sạn Agribank, đó là nơi GS. Tanaka cùng ê kíp đang ngày đêm thu thập số liệu sóng, gió biển Cửa Đại.

Những lần biển Cửa Đại nổi cơn thịnh nộ khiến bờ biển sạt lở, đều có mặt GS. Tanaka. Ông không đến một mình mà còn mời bạn ông - GS. Stive Marcel, người Hà Lan. GS. Stive Marcel cũng rất nổi tiếng về chỉnh trị xói lở bờ biển, là người góp phần rất lớn trong việc hạn chế biển xâm thực tại Vương quốc Hà Lan. 

Trước nạn trộm cát Cửa Đại vừa qua, GS. Tanaka đến thị sát và đánh giá: “Đất nước Singapore cũng có biển và có cát. Sao họ không khai thác, mà phải bỏ nhiều tiền đi mua cát? Vì họ gìn giữ tài nguyên để cho con cháu họ đời sau. Còn ở đây thì tìm cách bán đi tài nguyên, tiếc lắm!”.

GS. Tanaka
GS. Tanaka

Để phục vụ quá trình nghiên cứu, GS. Tanaka lấy uy tín của mình vận động nguồn vốn mua máy móc, thiết bị chuyên dụng đặt tại cửa sông, cửa biển. Ngoài ra có cả camera chuyên dụng đo tốc độ gió, cường độ sóng biển, dòng chảy của sông, dòng hải lưu biển, dò tìm lượng bùn cát bị sóng cuốn đi… 

“Nhiều nơi trên thế giới phải chờ đến cả chục năm nghiên cứu mới tìm ra được nguyên nhân xói lở bờ biển, chứ không phải một sớm một chiều. Số tiền bỏ ra để nghiên cứu còn nhiều gấp bội lần tiền bỏ ra khắc phục xói lở. Bởi khi đã biết rõ nguyên nhân một cách khoa học thì dễ dàng khắc phục và có cách đối phó, bảo vệ bền vững hơn. Chuyện xói lở bờ biển Cửa Đại cũng vậy, nếu thấy biển lở, chưa có nghiên cứu mà nóng lòng đổ tiền ra kè khắc phục là rất dễ dẫn tới xói lở theo kiểu hiệu ứng domino. Tiền mất, nhưng không mang lại hiệu quả” - GS. Tanaka lý giải.

“Cửa Đại là một bãi biển đẹp, nhưng tình trạng xói lở ở đây rất khó tìm ra nguyên nhân. Phải cố gắng khắc phục, nếu không sẽ mất cả bãi biển và chúng ta là người có tội với thế hệ sau” - GS. Tanaka nói.

Khu nghĩ dưỡng Fusion Alya, Cửa Đại một năm sau, bị sóng cuốn sầm xuống biển. Ảnh: MINH HẢI
Biển xâm thực gây sạt lở ở Cửa Đại. Ảnh: MINH HẢI
“Thầy Tanaka đã ở tuổi 60, ông ấy là người của nghiên cứu, của công việc. Mỗi lần qua đây, ông làm việc quần quật suốt ngày đêm. Điều khiến chúng tôi nể trọng là thầy sống rất đơn giản. Thầy bảo, đừng thuê khách sạn tốn tiền, chỉ cần có chỗ che mưa, che nắng là có thể tập trung cho việc nghiên cứu” - Phó GS-TS. Nguyễn Trung Việt - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế và thủy lợi miền Trung tâm sự.

Nguồn: http://baoquangnam.vn/xa-hoi/201705/giao-su-tanaka-tim-ke-tri-xoi-lo-cua-dai-736130/